Trở lại Thác Bản Giốc

Trở lại Thác Bản Giốc
TP - Trước thời điểm Việt Nam - Trung Quốc ra tuyên bố chung hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền không lâu, chả phải bận lòng dặn ai về nuôi cái cùng con những đâu đâu, tôi đã có một chuyến trẩy non nước Cao Bằng.
Trở lại Thác Bản Giốc ảnh 1
Toàn cảnh thác Bản Giốc

Đến huyện lỵ Trùng Khánh, chưa kịp gẫm lẫn ngấm vị thời trân ngọt ngào đến tê lưỡi  hạt dẻ Trùng Khánh hầm với món chân giò cũng như chỉ đảo qua quýt danh thắng Ngườm Ngao, một hang động dài ba km nổi tiếng, tôi mò đến xã Đàm Thủy của Trùng Khánh.

Nơi đây có một địa danh, một danh thắng từng nôn nao nhớ nôn nao mong được đặt chân đến của bao lương dân Việt: Thác Bản Giốc!

Trí nhớ lòa nhòa sau hơn 30 năm lần đầu được thăm Thác Bản Giốc, bữa nay lần thứ hai này tai mắt được dịp tường tận thêm âm thanh của những khối nước của sông Quy Sơn (có người gọi là Quây Sơn, nhiều người vẫn ưng gọi là quy hơn bởi quy có thể là về?) từ độ cao 53m ào ào trườn xuống qua nhiều bậc đá.

Vẫn là con thác của ngày ấy xẻ dòng Quy Sơn thành ba luồng nước khổng lồ, hai luồng phụ và một luồng chính. Luồng phụ nhỏ hơn được ngăn bởi một khối đá thiên tạo cây cối sum suê với luồng chính.

“Thác Bản Giốc gồm hai phần, phần thác phụ và phần thác chính. Phần thác phụ hoàn toàn thuộc phía VN, còn phần thác chính đổ thẳng xuống sông Quây Sơn là sông chung biên giới.

Theo Hiệp ước 1999, đường biên giới sẽ được xác định theo nguyên tắc trung tuyến dòng chảy chính.

Tại vòng họp này, ta và Trung Quốc thỏa thuận đường biên giới đi từ mốc 53 cũ, qua cồn Pò Thoong, đến điểm giữa của mặt thác chính và sau đó dòng chảy chính trên sông Quây Sơn.

Ta và Trung Quốc cũng nhất trí sẽ cùng hợp tác để phát triển tiềm năng du lịch, kinh tế tại khu vực thác Bản Giốc”.

(Trích trả lời phỏng vấn Vietnam Net của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Dũng)

Bữa ấy gặp buổi râm trời nên đứng ở chân thác phụ, tôi không có được dịp may ngắm sắc cầu vồng huyền ảo thường đột ngột vút lên từ chân thác do hơi nước ngào quện với ánh nắng mà thành.

Dưới chân thác vẫn là mặt sông rộng, phẳng như gương. Hai bên bờ vẫn là những thảm cỏ, vạt rừng ngút ngát xanh.

Tạm dứt câu chuyện với các chiến sĩ biên phòng về những năm chộn rộn lẫn yên hàn, tôi men theo chiếc cầu gỗ nho nhỏ bắc qua nhánh phụ của con suối dẫn ra từ sông Quy Sơn.

Từng tốp du khách, người vội lẫn người thư thả hết thảy đều đếm bước qua những lán ở tạm của các chiến sĩ bộ đội địa phương làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự cũng như thành viên trong tổ công tác phân giới cắm mốc.

Hết thảy đều đến quây tụ chỗ chân thác phụ đang ào ạt đổ xuống để ngắm cảnh chụp ảnh ghi hình!

Trở lại Thác Bản Giốc ảnh 2
Toàn cảnh thác Bản Giốc

Tò mò theo cánh tay của một chiến sĩ, tôi nghe láng máng rằng đường biên giới sắp tới được phân định sẽ là  từ phần đỉnh giữa của ngọn thác chính chiếu thẳng xuống sông Quy Sơn. Tóm lại là mỗi bên một nửa. Tùy đó mà bày biện ra các phương tiện để mà kinh doanh để mà thu hút du khách.

Tôi ngó lâu hơn cái con đò có mui đang lững lờ chỗ đám cây đột ngột trổ lên từ mặt sông Quy Sơn kia và xa hơn một chút có hai người đang hi hóp bơi lặn dáng chừng như đánh cá...

Thuyền ấy, người ấy là ta hay bạn? Lại ngó xa hơn sang mép sông bên kia, chạm mắt những thuyền những mảng  trên đó có kết hoa cờ xí phấp phới phục vụ cho du khách tới chiêm quan con thác có vẻ bên bạn đã bài bản chu đáo việc kinh doanh du lịch xôm tụ hơn bên mình?

Trở lại Thác Bản Giốc ảnh 3

Một cái cầu tự tạo do hai mảnh ván ghép bắc qua mấy trụ gạch và những khúc cây cắm không chắc lắm xuống mặt sông duềnh sang chân thác phụ. Tất thảy du khách đều qua cái cầu độ mấy chục mét để đến chân thác phụ.

Lệ phí qua cầu hai ngàn đồng một người. Người thu tiền là một đàn ông tướng tá cao ráo. Câu chuyện lúc đứt lúc nối do âm thanh thác một phần, phần nữa là ông phải ngưng để thu tiền...

Nhưng tôi cũng biết ông tên là Bế Văn Dân, người xã Đàm Thủy đây. Ông Dân mười mấy năm nay tự mình làm cái việc bắc cầu, giữ cầu để phục vụ du khách.

Đơn giản, nếu không có cái cầu nho nhỏ này, du khách chẳng thể đến được đám cây xanh ngắt giăng ở chân thác phụ để thưởng ngoạn toàn cảnh cũng như những góc đẹp bắt mắt của Thác Bản Giốc.

Chuyện ông Dân dẫn tôi về những năm gần năm xa, thời yên lẫn loạn. Về thung thổ quê nhà có con cá dầm xanh chuyên gặm thứ rêu sông Quy Sơn thịt bùi ngậy và thứ cá mè bốn mùa cứ béo nhẫy chứ không như nơi khác cứ là mùa hè cá sông mùa đông cá đồng.

Trở lại Thác Bản Giốc ảnh 4
Ảnh:Xuân Ba

Và chuyện cả cây vối cổ thụ bạc phếch vỏ lẫn lá đứng trầm mặc ở góc kia như một thứ nhân chứng bao thuở buồn vui nơi đầu trời đầu đất này của Tổ quốc vv...

Tôi chưa kịp hỏi ông, chính quyền địa phương có giao cho ông việc dựng cầu lẫn thu phí hay không (với lại thử làm con tính số lượng du khách thưa thớt dường kia thì đẫy ngày, ông Dân kiếm được cũng chả mấy hột tiền).

Nhưng nội ngần ấy năm trời, ông cứ tỉ mẩn kiên trì làm cái việc coi cầu, giữ cầu đủ thấy người công dân Thác Bản Giốc của xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh này nặng lòng lắm lắm với chủ quyền quốc gia tại chính con thác thiên tạo này!

Ngó lại một lần nữa những bè mảng du lịch bài bản đang giăng ở bờ bên kia, tôi bất giác nghĩ đến một vế đối mới. Công việc phân định đường biên giới quốc gia sắp sửa hoàn thành. 

Rồi quyết định của Thủ tướng mới đây phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch Thác Bản Giốc đáp ứng nhu cầu đón khoảng 90 nghìn lượt du khách đến năm 2010, trong đó có hơn 13 nghìn lượt khách quốc tế và định hướng đến năm 2020 có thể đón một triệu lượt khách hằng năm.

Việc đầu tư sẽ được thực hiện theo ba giai đoạn từ nay đến năm 2020. Giai đoạn một tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và kỹ thuật phục vụ du lịch, bảo tồn môi trường tự nhiên.

Giai đoạn hai tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và xây dựng các công trình theo dự án chi tiết. Và giai đoạn ba là hoàn thành về cơ bản các mục tiêu xây dựng đề ra, đưa nơi đây trở thành trọng điểm du lịch của khu vực và cả nước. 

Đất có tuần nhân có vận. Thác Bản Giốc, một vưu vật của thiên nhiên của tạo hóa mai này sẽ có một vế đối hoàn chỉnh, một vế đối hữu nghị của hai bờ.

Đó là việc xôm tụ các dịch vụ du lịch, thứ của địa phương của trung ương thay thế chiếc cầu gỗ thô sơ mà hàng ngày ông Dân đang phải lẻ loi gom từng đồng bạc vụn!  

Đầu năm 2009

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.