Quan tâm đặc biệt
Còn nhớ, ngay khi trận lũ lịch sử vừa rút nước, PV Tiền Phong lội bộ hơn 8km đường rừng để vào với bà con. Cả 34 hộ dân với hơn 150 nhân khẩu đồng bào Bru Vân Kiều của bản Sắt phải sống lay lắt trong những ngôi nhà bạt nóng như lò bát quái. Lúc đó đã quá trưa nhưng bản Sắt vắng hoe. Hỏi ra mới biết, người lớn kéo nhau đi nhận hàng cứu trợ, còn trẻ nhỏ chạy đi đâu đó trốn nóng. Người lớn duy nhất của bản Sắt lúc chúng tôi bắt gặp là cô giáo dạy tiểu học Nguyễn Thị Yến, đang đút cơm cho mấy cháu nhỏ.
Bản Sắt mới hôm nay |
Ánh mắt buồn rười rượi, cô Yến kể về tình cảnh của chính mình và những gì người dân bản Sắt đang phải đối mặt sau trận lũ lịch sử. Nhà cô Yến ở ngoài trung tâm xã Trường Sơn vào bản Sắt dạy học được gần 1 năm. Cùng với người dân Bản sắt, cô Yến phải bỏ lại mái trường thân yêu chạy theo học trò lên mái đồi xơ xác này để dạy lũ trẻ. Dân bản dành cho cô ngôi nhà bạt lớn nhất làm lớp học nhưng cô trò cũng không thể lên lớp đúng giờ vì phải trốn nóng. Một mình dạy từ lớp 1 đến lớp 3, để đuổi kịp chương trình, cô Yến phải chong đèn dạy lũ trẻ vào ban đêm, nên nửa tháng rồi cô chưa về nhà. Lớp học mầm non chưa thể phục hồi sau lũ, dân bản lại lo kiếm cái ăn chống đói, nên ngoài giờ lên lớp cô Yến còn phải kiêm thêm chăm sóc các cháu nhỏ…
Sau khi Tiền Phong đăng bài “Ngậm ngùi bản Sắt”, ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã băng rừng vào bản Sắt. Chứng kiến cảnh sống cơ cực của người dân, ông Trần Thắng chỉ đạo các ngành, đặc biệt là huyện Quảng Ninh cần gấp rút xây dựng một bản Sắt mới để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Ông Trần Văn Muôn, Trưởng bản Sắt kể: Sau chuyến thăm của ông Trần Thắng, liên tục các ngành cấp tỉnh và cấp huyện về bản Sắt khảo sát, lắng nghe ý kiến người dân để lập quy hoạch bản Sắt mới với đầy đủ hạ tầng. Thời điểm đó, nhà ở kiên cố cho 34 hộ dân của bản Sắt được ưu tiên hàng đầu. Và rất may, Ban Cứu trợ tỉnh Thái Bình đã hỗ trợ với tổng số tiền 3,06 tỷ đồng. Mỗi ngôi nhà trị giá 90 triệu đồng, được gấp rút xây dựng theo mẫu nhà sàn, phù hợp với truyền thống văn hoá và phong tục, tập quán của đồng bào Vân Kiều.
Cùng đó, Ban Cứu trợ TP Hà Nội tặng thêm công trình nhà cộng đồng tránh lũ kết hợp trường học với tổng mức đầu tư 3,5 tỷ đồng. Nhà có quy mô 2 tầng, tổng diện tích sàn 505 m2, trong đó bố trí 2 phòng học cho học sinh tiểu học, 1 phòng học cho trẻ mầm non, 2 phòng nghỉ cho giáo viên, 2 phòng vệ sinh và hệ thống hàng rào, sân nền lát đá sạch đẹp.
Cô giáo Tâm và các cháu mầm non trong lớp học khang trang |
An cư lạc nghiệp
Dẫn chúng tôi đi thăm từng ngôi nhà mới, ông Muôn cho biết: Theo kế hoạch ban đầu, toàn bộ các công trình tại bản Sắt sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trước mùa mưa lũ, khoảng cuối tháng 8/2021. Tuy nhiên, với mong muốn để người dân bản Sắt được ổn định đời sống trong điều kiện sớm nhất, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo địa phương và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thi công, nhà nào hoàn thành trước thì bàn giao trước. Và đến ngày 15/7/2021, ngôi nhà cuối cùng của bản Sắt cũng được hoàn thành và bàn giao cho người dân sử dụng. “Nhà tôi nhiều đời sinh sống ở bản Sắt rồi, sợ nhất là mùa mưa lũ, nước ngập, sạt lở. Sau trận lũ lịch sử vừa rồi, tôi đã tính chuyện bỏ bản đi nơi khác ở. Nay được Đảng, Nhà nước quan tâm xây cho nhà mới, mà còn đẹp hơn nhà cũ nữa nên mừng lắm!”, anh Hồ Biên, một người dân bản Sắt nói.
Theo Trưởng bản Sắt, mỗi hộ gia đình ở đây được cấp 300m2 đất ở. Theo thiết kế xây dựng, các ngôi nhà mới tại bản Sắt có diện tích 40m2, bao gồm khung bê tông, tường được làm từ sắt, ván phin và mái tôn chống nóng. Đặc biệt, từ nơi ở mới, người dân bản Sắt dễ dàng canh tác vì rất gần cánh đồng lúa nước. Chị Hồ Thị Bua, một người dân tại bản Sắt chia sẻ: “Cả bản có 7,5ha đất trồng lúa. Có nhà mới rồi, bà con dân bản phấn khởi, yên tâm sản xuất. Vụ lúa vừa rồi trồng được, chăm sóc được, năng suất cao nhất từ trước tới nay nên dân bản ai cũng no cái bụng”.
Gặp lại những học sinh ngày nào bỏ nhà bạt, trốn nóng dưới những gốc cây rừng đang nô đùa giữa sân trường. Hỏi mới biết, cô giáo Yến đã chuyển đi dạy ở bản khác, thay cô Yến là thầy Nguyễn Xuân Thành, còn dạy mầm non là cô giáo Nguyễn Thị Tâm. “Em vào tiếp nhận lớp mầm non ở đây sau trận lũ lịch sử. Khi đó cả bản Sắt còn ngổn ngang lắm, dân chưa có nhà mới để ở, trường lớp cũng chưa có, các cháu phải học tạm bợ trong những ngôi nhà bạt. Gian khó như thế, giờ mới thấy quý những gì đang có” - cô giáo Tâm chia sẻ.
Nhằm tạo sinh kế lâu dài cho người dân bản Sắt, MTTQVN tỉnh Quảng Bình mua tặng đồng bào bản Sắt hơn 8.000 cây dỗi lấy hạt. Trồng gần một năm, cây sinh trưởng tốt, hứa hẹn sau vài năm hạt dỗi sẽ cho giá trị cao, không chỉ tạo thêm thu nhập mà còn tạo sinh kế cho đời cháu, chắt của bản Sắt.
Cũng cô Tâm cho biết thêm, do xã Trường Sơn có nhiều bản ở vùng sâu vùng xa, địa hình hiểm trở, nên cứ đến đầu năm học các thầy các cô lại thay phiên, đổi cho nhau để chia sẻ sự vất vả. Nhưng vào dạy ở bản Sắt không phải ai cũng đi được, vì đường sá quá hiểm trở, phải những người có máu liều và tay lái xe máy thuộc dạng siêu phàm mới dám nhận vào bản Sắt. “Nhưng giờ đỡ hơn rồi. Con đường mới nối từ đường Hồ Chí Minh nhánh Tây với bản Sắt đang hoàn thành. Tới đây giáo viên nào cũng có thể vào dạy ở bản Sắt anh à”, cô giáo Tâm nói.
Ông Lương Ngọc Hùng, Giám đốc Công ty Trường Minh đơn vị thi công con đường cho biết: “Đây là lần đầu tiên công ty chúng tôi thi công một con đường khó khăn như vậy, Vật liệu xây dựng đội giá, mưa rừng liên miên. Công trình gần 10km đường bê tông, tổng mức đầu tư 9 tỷ đồng, ký hợp đồng thi công trong 18 tháng. Nhưng chứng kiến cảnh người dân đi lại khó khăn, thương bà con bản Sắt, chúng tôi đã huy động tối đa nhân lực, vật lực phấn đấu rút ngắn thời gian thi công xuống một nửa để bà con sớm có con đường giao thương với bên ngoài”.