Ngậm ngùi bản Sắt

Những cháu nhỏ bản Sắt trốn nắng dưới một góc lán
Những cháu nhỏ bản Sắt trốn nắng dưới một góc lán
TP -  “Chiếc lán tạm này không đủ che mưa, che nắng nên em dạy không có giờ giấc cố định, phải tuỳ vào thời tiết để gọi các em đến lớp. Như hôm nay trời nắng em phải cho các cháu nghỉ sớm buổi sáng, còn buổi chiều phải chờ trời mát mới gọi các em đến lớp. Không xong chương trình thì chong đèn dạy đêm, chứ giờ này mà vào đó nóng hầm hập như lò lửa” – cô giáo Nguyễn Thị Yến nói về tình cảnh dạy và học ở bản Sắt hiện nay.

Cô giáo “kiêm” mẹ hiền

Trận lũ lịch sử nhấn chìm bản Sắt, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) trong biển nước. Cả 34 hộ dân, hơn 150 nhân khẩu của bản Sắt phải chạy lên ngọn đồi phía đối diện để tránh lũ. Lũ bắt đầu rút, người dân bản Sắt rục rịch trở về nhà thì núi Sắt nằm phía sau lưng bản chực chờ đổ sập. Cả bản Sắt lại tháo chạy bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn bao đời gây dựng. Những chiếc lán dựng vội bên bìa rừng để tránh lũ, nay trở thành nơi sinh sống lâu dài của người dân bản Sắt chờ ngày lập bản mới. Và chiếc lán lớn nhất được dân bản dành làm lớp học cho các cháu nhỏ nơi đây.

Từ đường Hồ Chí Minh nhánh Tây vào bản Sắt chỉ có 8km đường rừng, nhưng chúng tôi đã phải mất gần nửa ngày mới vào đến nơi. Anh Nguyễn Văn Tráng, người “vác tù và trong lũ” ở xã Trường Sơn cho biết: Vì đường xấu nên đến nay chỉ có lãnh đạo các cấp và nhà báo được ưu tiên, hỗ trợ phương tiện mới vào được bản Sắt, còn các đoàn từ thiện chỉ dừng ở ngoài đường Hồ Chí Minh nhánh Tây rồi gọi dân ra nhận hàng cứu trợ. Con đường trơn trượt đầy ổ voi, ổ gà, sống trâu ấy, xưa nay như một chướng ngại vật thách thức sự hoà nhập của người dân bản Sắt với bên ngoài.

Chúng tôi vào đến “bản Sắt mới” cũng đã quá trưa. Màu xanh của cây rừng, của những chiếc nhà bạt cũng không thể xua đi cái oi nồng từ những tia nắng quái sau lũ. Mùi xú uế của thảm thực vật, của gia súc, gia cầm ngâm trong nước lũ bốc lên nồng nặc. Chui qua hết mấy chiếc nhà bạt cũng không gặp một ai. Anh Tráng nói: “Chắc là người lớn ra hết ngoài kia nhận hàng cứu trợ. Trời nắng nóng thế này, có lẽ bọn trẻ chui vào đâu đó tránh nóng rồi”.

Trong một ngôi nhà bạt dựng dưới lùm cây, một phụ nữ đang dỗ mấy cháu nhỏ ăn trưa. Thấy người lạ bọn trẻ khóc ré chồm lên ôm lấy cổ người phụ nữ. Tưởng là mẹ chúng, hoá ra là cô giáo cắm bản Nguyễn Thị Yến. Cô Yến cho biết, cha mẹ chúng ra ngoài nhận hàng cứu trợ, gửi chúng lại nhờ cô chăm sóc. Mấy đứa lớn hơn ăn xong đã chạy đi tránh nắng, còn mấy đưa nhỏ này phải đút từng thìa.

Cô Yến kể, cô đã đón học sinh trở lại được hơn hai tuần kể từ sau lũ. Một mình cô dạy 15 cháu trong bản từ lớp 1 đến lớp 3, còn lớp 4 và lớp 5 các cháu được chuyển ra trường nội trú ngoài trung tâm xã để học. Ngày trước ở bản cũ có cả lớp mầm non do một cô giáo nữa đảm trách, nhưng do cơ sở vật chất cho mầm non phức tạp hơn nên đến nay vẫn chưa thể dựng lại lớp học để đón các cháu.

Sau lũ, người lớn trong bản đôn đáo kiếm cái ăn thả mặc bọn trẻ lăn lóc nơi bìa rừng, vậy là sau mỗi buổi dạy cô giáo Yến phải thay cha mẹ chúng nấu nướng, chăm sóc từng bữa ăn cho chúng. “Cô ăn gì thì trò ăn nấy. Không nấu cho chúng ăn là chúng chạy theo cha mẹ ra ngoài đường cái nhận quà, hoặc biến vào rừng săn bắt, hái lượm không chịu đến lớp học. Cũng may đợt này có hàng cứu trợ, cô giáo cắm bản như em cũng được vài suất quà nên còn đỡ đôi chút, chứ một mình lương của em thì không đủ nuôi cô trò nửa tháng” - cô Yến tâm sự.

Ước mơ sớm có một mái trường

Ngậm ngùi bản Sắt ảnh 1 Chiếc lán, nơi làm lớp học cho các cháu nhỏ ở bản Sắt

Không trống, không kẻng… hơn 15 giờ chiều cô Yến thoăn thoắt đi từng lùm cây, bụi cỏ í ới gọi trò đến lớp. Lớp học được dựng từ những khung sắt và phủ bạt lên để che mưa, che nắng. Do khung nhà quá thấp, kết hợp với bạt nhựa hấp thu nhiệt, nên dù đã xế chiều nhưng không gian lớp học vẫn oi nồng, bức bí. Nền lớp học là những tấm ván tháo ra từ nhà văn hoá mang về đây lắp ghép lại, còn còn bục giảng của cô giáo là trên nền đất đầy cỏ dại. Cô Yến nói, trước đây ở bản cũ, phòng học rộng nên có 3 bảng cho 3 lớp, còn nay do chiếc lán quá hẹp nên chỉ đủ đặt 1 chiếc bảng và mặt bảng được chia thành 3 phần cho 3 lớp.

Có chứng kiến mới biết nỗi khổ của những giáo viên dạy lớp ghép. Để không bị gián đoạn giờ học, lớp này tập đọc thì các lớp còn lại làm bài tập; lớp nọ học bài mới thì lớp kia luyện viết… Cứ thế liên tục, cô Yến không một phút nghỉ ngơi, hết cầm tay bạn này luyện viết, lại sang bạn khác hướng dẫn cộng trừ, nhân chia…

Cô Yến kể, cô sinh năm 1988, quê Hà Tĩnh, theo cha mẹ vào Gia Lai lập nghiệp từ nhỏ. Về học đại học Sư phạm ở Huế, gặp chồng người xã Trường Sơn, yêu và lấy nhau rồi theo về quê chồng. Chồng cô dạy THCS được ở trung tâm xã, còn cô dạy tiểu học nên luôn phải cắm bản. Việc nuôi hai con nhỏ gần như do chồng cô đảm trách. Cô Yến mới chuyển về bản Sắt được 1 năm thì gặp trận lũ lịch sử, phải rời bỏ trường lớp khang trang để sang đây dựng lán dạy chữ cho các cháu, thiếu thốn đủ bề, mọi sinh hoạt bị đảo lộn. “Ngày trước ở bản cũ có phòng riêng cho giáo viên ở lại nên cuối tuần em mới về nhà. Còn bữa nay sang đây, cứ hai ngày là em phải băng rừng về nhà một lần để tắm giặt, chứ ở đây em tắm không được. Phụ nữ ở đây có chồng rồi là họ để ngực trần tắm rửa, còn con gái thì cuốn tấm vải. Mình để ngực trần thì không được, cuốn vải thì không quen, dội nước cái là tấm vải lại tuột mất” - cô Yến thẹn thùng tâm sự.

Cô Yến cho biết, những ngôi nhà bạt ở đây ngày thì rất nóng, đêm lại lạnh như cắt, nếu gặp mưa lớn nước mưa ướt hết chỗ nằm. Nói là nhà, nhưng không mấy khi các cháu ở trong nhà mà toàn phải chui rúc ngoài bụi bờ để tránh nóng. Sau lũ đến nay, cả 15 học trò của cô Yến cháu nào cũng bị cảm, ho hen suốt ngày. “Em nghe nói phải chờ quy hoạch bản mới, rồi mới tiến hành xây dựng lớp học thì lâu quá. Khổ mấy em cũng chịu đựng được, chứ bắt các cháu học trong không gian chất hẹp, bức bí này lâu dài tội nghiệp và thương các cháu quá. Giờ giấc thì tuỳ vào thời tiết, đến lớp học thì như lò bát quái, ngoài chuyện ốm đau, không gian, thời tiết ấy các cháu khó có thể tiếp thu bài vỡ” - cô Yến nói.

Tiếng hát hồn nhiên, trong trẻo “Em yêu trường em với bao bạn thân và cô giáo hiền…” phát ra từ chiếc lán dựng vội bên mé đồi của các cháu nhỏ trong bóng chiều tà cứ ám ảnh mãi chúng tôi trên chặng đường về. Hành trình để bản Sắt ổn định cuộc sống còn quá dài và gian nan. Không biết, cô và trò bản Sắt có thể trụ được bao lâu dưới mái lán ngột ngạt và chật hẹp này. 

MỚI - NÓNG
Thông tin 'nóng' về hồ thủy điện Thác Bà
Thông tin 'nóng' về hồ thủy điện Thác Bà
TPO - Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, đến 9h sáng nay (11/9), lượng nước về hồ chứa thuỷ điện Thác Bà đã giảm xuống còn 3150 m3/s, tổng lưu lượng xả là 3200 m3/s (lượng xả nhiều hơn nước về hồ). Thủy điện đã mở 3/3 cửa xả theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sẵn sàng phương án ứng phó để đảm bảo an toàn đập.