Xét xử vụ Ethanol Phú Thọ:

Trịnh Xuân Thanh kêu oan cho 'anh em'

0:00 / 0:00
0:00
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh trình bày tại tòa
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh trình bày tại tòa
TP - Bị xác định xin chỉ định thầu trái pháp luật, Trịnh Xuân Thanh nói đang thụ án chung thân nên không sợ thêm án tù nhưng phải kêu oan cho “các em, các anh” của mình.

Vô trách nhiệm

Ngày 12/3, đại diện Viện KSND TP Hà Nội đối đáp với quan điểm bào chữa của 12 bị cáo trong vụ án thất thoát 543 tỷ đồng tại dự án Ethanol Phú Thọ. Kiểm sát viên khẳng định, dự án là nhiệm vụ Chính phủ giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và PVN đã yêu cầu các đơn vị thành viên chuẩn bị thực hiện đồng thời thành lập Ban chỉ đạo các dự án nhiên liệu sinh học do bị cáo Đinh La Thăng - Chủ tịch PVN làm Trưởng ban. Các đơn vị có vốn của PVN sau đó thành lập Cty CP hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) để làm chủ đầu tư dự án.

Tuy nhiên, ông Thăng dùng chức vụ của mình yêu cầu PVB chỉ định thầu xây dựng dự án cho Tổng Cty Xây lắp dầu khí (PVC) dù đơn vị này không đủ năng lực. Năm 2013, PVC phải dừng thi công, gây thiệt hại 543 tỷ đồng. Theo kiểm sát viên, PVB do 3 công ty con thuộc PVN góp vốn thành lập nên bị chi phối và lệ thuộc vào sự chỉ đạo của PVN và Chủ tịch Đinh La Thăng. “Bị cáo Thăng giao nhiệm vụ trực tiếp cho PVC và chỉ đạo người đại diện phần vốn góp tại PVB chỉ định thầu cho PVC” - người giữ quyền công tố đối đáp.  

Kiểm sát viên cũng nhắc lại bị cáo Thăng khi tự bào chữa đã cho rằng bản thân không có trách nhiệm phải biết liên danh nhà thầu của PVC có năng lực thi công hay không. Kiểm sát viên phản bác quan điểm này và cho rằng, ông Đinh La Thăng với vai trò Trưởng ban chỉ đạo các dự án nhiên liệu sinh học phải biết năng lực của PVC theo đúng quy định khi thành lập ban. “Đây là hành vi vô trách nhiệm, bất chấp các quy định về chỉ định thầu và đi ngược lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” - kiểm sát viên nói.

Đối đáp lại, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng cáo trạng và phần luận tội của đại diện viện kiểm sát cơ bản giống nhau và “nếu chỉ lấy lời khai và nội dung cáo trạng để buộc tội thì mở phiên tòa làm gì?”. Theo ông Đinh La Thăng, kiểm sát viên vẫn cáo buộc ông chỉ đạo PVB như chỉ đạo công ty “con”, công ty “cháu” là không chính xác bởi thẩm quyền quyết định chỉ định thầu thuộc chủ đầu tư. PVN không có vốn tại PVB nên không thể quyết định công việc tại PVB.

Đã chung thân nên không sợ tù

Tại phiên tòa này, phía truy tố đề nghị phạt ông Đinh La Thăng từ 12 - 13 năm tù; Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch PVC từ 21 - 23 năm tù cho 2 tội danh.

Được đối đáp, Trịnh Xuân Thanh cho rằng, dự án Ethanol Phú Thọ đã được đưa ra khỏi danh sách 12 “đại dự án thua lỗ” của ngành công thương. Lý do, dự án này do công ty cổ phần làm chủ đầu tư và tại đây, vốn nhà nước ở mức thấp, không có quyền chi phối. Bị cáo phân tích, dự án được triển khai trong giai đoạn giá dầu cao, ở mức 120 - 140 USD/thùng nhưng sau đó giảm xuống 60 USD/thùng nên làm tiếp nhiên liệu sinh học sẽ không có lãi. Ông Thanh cho rằng, Ethanol Phú Thọ bị dừng thi công vì các chủ đầu tư không tiếp tục rót vốn, không phải vì PVC không đủ năng lực như viện kiểm sát xác định.

Về cáo buộc mình xin được chỉ định thầu cho PVC, bị cáo Thanh khẳng định chỉ ký 2 văn bản giấy tờ để PVB lựa chọn nhà thầu công khai và nói: “Chúng tôi là doanh nghiệp phải có công ăn việc làm, không làm được sẽ không xin nhưng cáo trạng nói tôi không đủ năng lực mà vẫn xin, thế là không đúng. Tôi  chung thân rồi, thêm 5 năm, 10 năm tù nữa không vấn đề gì nhưng phải kêu vì những người em, người anh của tôi không phạm tội mà vẫn phải đi tù”.

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.