Trịnh Tú sợ làm bạn buồn. Cứ theo cách nghĩ dân gian anh xứng đáng xếp hạng giàu: “Giàu vì bạn”. Có thể gặp anh trong cuộc nhậu ở nhà riêng của Ngô Thảo. Cũng có thể gặp anh trong nhóm Lê Thiết Cương, Nguyễn Quang Thiều… ở một triển lãm tranh tưởng nhớ Trịnh Công Sơn. Trịnh Tú không nổi bật giữa đám đông, anh không thuộc hàng hoạt ngôn nhưng sự thong thả, an nhàn, phảng phất vẻ “quí tộc” ở Trịnh Tú khiến những người chưa biết gì về anh không khỏi tò mò.
Người ta nói Trịnh Tú may mắn, anh không phản đối: “Được là con của bố mẹ tôi, được cho ăn học đầy đủ đó là may mắn lớn”. Trịnh Tú là con nhà nòi, cha anh là họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc (1912-1997), sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thời kỳ đầu. Cố họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc từng mở một xưởng gỗ với máy móc nhập từ Pháp, được coi là nhà trang trí nội thất và làm đồ gỗ hiện đại đầu tiên ở Việt Nam. Ông sinh được 12 người con, Trịnh Tú là con thứ 10.
Những người con của Trịnh Hữu Ngọc đều là những tên tuổi được khán giả yêu nghệ thuật biết đến: Họa sỹ, dịch giả Trịnh Lữ (tên thật Trịnh Hữu Tuấn), anh trai của Trịnh Tú. Nghệ sỹ Piano Trịnh Thị Nhàn, em gái của Trịnh Tú, hiện đang sống ở Pháp... Họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc không truyền lại cho các con bí quyết làm giàu, thứ quí giá nhất ông để lại cho con chính là niềm đam mê với nghệ thuật: “Chúng tôi được sinh ra trong gia đình giàu có lúc ấy nhưng cha tôi luôn dạy chúng tôi biết quí từng cành cây, cọng cỏ. Ông thắp trong chúng tôi tình yêu nghệ thuật. Yêu nghệ thuật hơn yêu tiền bạc”.
Trịnh Tú rành tiếng Pháp. Có thể nói tiếng Pháp gần bằng tiếng Việt nhưng anh chưa bao giờ dịch sách, chỉ dùng tiếng Pháp để đọc sách, những cuốn sách anh thích. Anh cũng chơi được piano vì được cha cho học từ bé nhưng cũng không theo con đường trở thành nghệ sỹ piano chuyên nghiệp.
Trịnh Tú cũng thích viết, anh đã từng gắn bó 20 năm ở báo Lao Động, để viết bài, biên tập. Nhưng con đường đam mê lớn nhất, kéo dài từ thuở niên thiếu cho đến khi tóc bạc của anh vẫn là hội họa. Trong hội họa cũng như trong cuộc đời, Trịnh Tú luôn hướng về hai chữ: Bình yên. Cho dù có người nói bình yên quá đôi khi thành nhạt nhẽo.
Bài học từ cố giáo sư Tôn Thất Tùng
Trung Trung Đỉnh tổng kết về Trịnh Tú: “Giàu sáng tạo và… ham chơi”. Trịnh Tú cười, xác nhận vế sau đúng. Nhìn anh thong thả nhâm nhi cuộc đời, ít ai biết rằng Trịnh Tú cũng từng có biến cố lớn ở tuổi trưởng thành.
Đang học năm thứ 3, ĐH Mỹ thuật, ở khu sơ tán vào một ngày đẹp trời, anh cùng đám bạn phát hiện ra một nhà thờ nhỏ xinh gần đó, có một vị cha đạo hiền từ. Vị cha đạo một lần gọi anh đến nhờ sơn lại bức tường nhà thờ vì biết người trẻ tuổi đang học hội họa. Sẵn nguyên liệu trong tay, anh hồ hởi làm ngay, sơn lại bức tường đẹp đẽ. Vị cha đạo hài lòng, thưởng cho anh một đĩa xôi gà. Những tưởng sự việc êm xuôi, nào ngờ với quan điểm khắt khe ấu trĩ ngày đó, Trịnh Tú bị đuổi học.
“Tôi cố gắng tránh biến cố bằng sự nhún nhường và bao dung. Ở đời này, cứ lao vào cuộc đấu tranh hơn thua là mệt lắm. Làm được điều tốt nên làm, không làm điều xấu cho ai, không gây thù chuốc oán”.
Trở về nhà, anh không bị cha, họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc, la mắng câu nào. Cha anh vốn thân thiết với giáo sư Tôn Thất Tùng. Biết Trịnh Tú vừa bị đuổi học, Tôn Thất Tùng nhận anh giúp việc cho ông. Tất cả những công trình của Tôn Thất Tùng hơn mười năm trước khi ông mất đều mang dấu ấn của Trịnh Tú.
Anh chính là người thực hiện toàn bộ minh họa cho sách của ông. Quá trình được giúp việc cho giáo sư nổi tiếng, đã giúp Trịnh Tú học được bài học lớn về lòng bao dung. Trong mỗi bước đường của cuộc sống, anh đã dùng lòng bao dung để giải mã vấn đề khó khăn, tìm được sự bình yên cho mình: “Tôi cố gắng tránh biến cố bằng sự nhún nhường và bao dung.
Ở đời này, cứ lao vào cuộc đấu tranh hơn thua là mệt lắm. Làm được điều tốt nên làm, không làm điều xấu cho ai, không gây thù chuốc oán”. Trịnh Tú được giáo sư Tôn Thất Tùng coi như con: “Không ngày nào ông không la tôi. Bởi vì tính ông nóng, bởi tính tôi thỉnh thoảng lại hay quên”. Họa sỹ rất vui vì năm ngoái anh vừa hoàn thành được việc lớn, xây lại mộ cho người cha thứ hai, giáo sư Tôn Thất Tùng: “Anh Bách (giáo sư Tôn Thất Bách, con trai giáo sư Tôn Thất Tùng - PV) đã mất, chỉ còn hai người con gái chân yếu tay mềm, tôi tự thấy mình phải đứng ra gánh vác việc này, vì gia đình đã coi tôi như con”.
Tranh lành như tính
Những năm gần đây, Trịnh Tú “sống gấp” với hội họa. Anh liên tục trình làng hai triển lãm cá nhân. Năm ngoái, anh giới thiệu đến những người yêu nghệ thuật ở Sài Gòn triển lãm: “Người mẫu và hoa”, tranh bán sạch. Năm kia, để chia tay cô con gái yêu sang Ý du học hội họa, anh làm triển lãm “Xúc cảm” ở một khách sạn nhỏ tại Hà Nội. Những triển lãm chung Trịnh Tú cũng tham gia tích cực.
Trịnh Tú tự nhận mình lành. Xem tranh anh cũng thấy điều đó. Anh dẫn tôi lên “cõi riêng” là xưởng họa. Diện tích xưởng không rộng nhưng ngập tràn nắng, gió bởi cửa sổ tứ phía. Những bức tranh hoàn thành hoặc sắp hoàn thành đang bày ngổn ngang. Khác với nhiều họa sỹ bây giờ hướng đến tranh khổ lớn, Trịnh Tú thích sinh nở những tác phẩm vừa phải về mặt kích thước. Anh cũng không dùng màu sắc chóe. Trong cuộc chơi màu, Trịnh Tú tỏ ra điềm đạm, dung dị.
Một tác phẩm của Trịnh Tú.
Cũng như nhiều nam họa sỹ, anh không tránh khỏi niềm đam mê vẽ nude. Có lúc anh vẽ nude do hứng, lúc lại vẽ theo đơn đặt hàng. Có những phụ nữ không quản ngại đường sá xa xôi, bay ra Hà Nội để gửi gắm họa sỹ lưu lại “tòa thiên nhiên” trong kỳ đẹp đẽ. Chắc tại Trịnh Tú lành nên phái đẹp mới mạnh dạn “cởi mở”? Thế giới nude của Trịnh Tú không ồn ào cuộn sóng.
Những người đàn bà với vẻ đẹp hoặc viên mãn, hoặc nồng nàn, hoặc mong manh sương khói, đều không hề khiêu khích, họ khoe mình an nhiên như những đóa sen đầu hạ. Xem tranh Trịnh Tú, bất giác khiến tôi nhớ đến Thạch Lam trong văn chương.
Chẳng ồn ào, chẳng đình đám, Thạch Lam cứ hớp hồn người ta bằng cái sự tí tách, nhẹ nhàng. Giữa thế giới náo động với những sự kiện vui, buồn đan xen, tranh Trịnh Tú đưa người xem vào thế giới của bình yên. Vì thế chăng, nên giữa thị trường tranh đang ảm đạm chợ chiều, anh vẫn bán túc tắc?
Hỏi anh mong muốn gì trong những năm mùa thu cuộc đời? Họa sỹ ước: “Sẽ vẽ đẹp hơn, bởi tôi thấy tranh mình chưa đẹp”. Anh quí trọng nhiều họa sỹ trong nước nhưng người duy nhất ngưỡng mộ chính là cố họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc: “Cha dạy cho tôi về cách sống và ảnh hưởng lớn tới quan niệm hội họa của tôi”. Một ngày của Trịnh Tú luôn bắt đầu bằng vẽ và kết thúc cũng bằng vẽ. Chưa bao giờ anh thấy mình dồi dào năng lượng và khát khao sáng tạo như bây giờ.
Mỗi cuộc tình là một phần thưởng
Trịnh Tú đi qua hai lần đò, có hai người con gái. Anh không thấy mình thua thiệt vì giàu con gái: “Con nào chẳng là con”. Cô con gái lớn đang sống cùng vợ đầu ở Úc. Người con gái thứ hai, Trịnh Cẩm Nhi, đang theo học ở một trường hội họa danh tiếng và đắt đỏ ở Ý. Bức chân dung đẹp nhất về Trịnh Tú chính là bức chân dung do con gái Trịnh Cẩm Nhi vẽ: “Bởi vì nó yêu tôi nhất”.
Anh trân trọng những tình cảm đã đi qua trong đời. “Mỗi cuộc tình với tôi là một phần thưởng của trời đất”. Người vợ hiện tại kém anh gần hai con giáp, chị là “dân” văn phòng, không liên quan nghệ thuật: “Nàng rất lành”, anh nhận xét. Bí quyết để nuôi dưỡng hôn nhân 20 năm với người vợ trẻ chính là sự hài hước: “Mới dẫn nàng đi mua giày, người ta nhầm là bố - con, tôi cười bảo rằng: Chúng tôi là vợ chồng, vì sự nhầm lẫn này đề nghị cửa hàng giảm giá”.
Trịnh Tú là “tay” sành rượu, nhất là rượu vang. Anh mở một chai vang và giới thiệu: “Chai vang này đặc biệt, bởi nó sinh ra từ một lâu đài trồng nho nổi tiếng của Pháp vào một mùa nho ngon. Những câu chuyện về vang như kinh thánh, hay và phong phú vô cùng”. Anh lại tiếp tục “bài ca rượu vang”: “Chai vang này dịu dàng lắm. Lát nữa mới ngon. Vang cũng cần thời gian để thở, nên trước khi uống nên mở trước khoảng nửa tiếng để cồn trong chai bay đi”. Họa sỹ gợi ý lúc uống rượu vang nên nghe nhạc Chopin. Anh vừa nói thì âm thanh bất hủ của bản Concerto số 1 viết cho Piano và dàn nhạc của Chopin đã tràn ngập xưởng vẽ.