Trình Quốc hội dự án luật để các vấn đề liên quan đến đất đai có hiệu lực sớm 5 tháng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chiều 19/6, Chính phủ trình Quốc hội tờ trình dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, việc đưa các luật trên vào thực tiễn, giúp sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế của pháp luật hiện hành; đồng thời khơi thông nguồn lực đất đai, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, tạo động lực mới cho phát triển đất nước.

Theo đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8 (riêng khoản 10, điều 255 và khoản 4, điều 260 của Luật Đất đai, đề xuất có hiệu lực từ ngày 1/1/2025).

Bộ trưởng Khánh cho biết, trong tổng số 260 điều của Luật Đất đai, có 97 điều giao Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng, HĐND, UBND cấp tỉnh quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật.

Trình Quốc hội dự án luật để các vấn đề liên quan đến đất đai có hiệu lực sớm 5 tháng ảnh 1

Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh. Ảnh: Như Ý

Đối với các nội dung không phải quy định chi tiết sẽ phát huy ngay hiệu quả khi thi hành, đặc biệt là các nội dung liên quan đến quyền của người sử dụng đất, như chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm khâu trung gian trong quản lý, sử dụng đất, giảm bớt chi phí tuân thủ trong tiếp cận đất đai.

Đối với Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có các nội dung mới, đột phá về thị trường bất động sản, phát triển nhà ở gồm nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, cải tạo xây dựng lại chung cư; giải quyết tranh chấp, khiếu nại quản lý chung cư.

Theo Bộ trưởng Khánh, nhiều chính sách trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có thể thực hiện ngay mà không cần hướng dẫn chi tiết như chính sách miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội...

Chính phủ khẳng định, việc đưa các luật này sớm đi vào cuộc sống sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế, nhất là trong công tác định giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đang là nguyên nhân của tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, không dám làm như các đại biểu đã phát biểu tại nghị trường.

Báo cáo thẩm tra, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đã thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, khắc phục hạn chế, vướng mắc của các luật trước đây.

Nội dung các luật này cũng có nhiều quy định đổi mới, tiến bộ, được người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

“Việc 3 luật này sớm đi vào cuộc sống không chỉ là mong muốn mà còn là yêu cầu đặt ra của Quốc hội khi biểu quyết thông qua các luật này”, ông Vũ Hồng Thanh nói và bày tỏ ủng hộ sớm đưa các luật này đi vào cuộc sống.

Trình Quốc hội dự án luật để các vấn đề liên quan đến đất đai có hiệu lực sớm 5 tháng ảnh 2

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Ảnh Như Ý

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ đánh giá tác động về vấn đề sử dụng đất của cá nhân người nước ngoài, doanh nghiệp có một phần vốn của tổ chức, cá nhân nước ngoài, vấn đề sở hữu nhà ở của cá nhân, tổ chức nước ngoài…

Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý, đến ngày 18/6 mới chỉ có 1/16 văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai được ban hành; 7 văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở và 4 văn bản quy định chi tiết Luật Kinh doanh bất động sản đều chưa được ban hành.

Theo cơ quan này, việc sửa đổi hiệu lực của các luật sớm hơn 5 tháng sẽ tạo áp lực rất lớn trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng của các văn bản cần được ban hành, nhất là các văn bản do các địa phương ban hành.

Từ đó, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, triển khai thi hành luật tại các địa phương.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung về kết quả, tiến độ soạn thảo và ban hành trên thực tế các văn bản của địa phương; đồng thời dự báo khó khăn, vướng mắc và khả năng khiếu kiện của nhà đầu tư, người dân trong trường hợp chậm ban hành hoặc chất lượng chưa bảo đảm đối với các văn bản để có giải pháp phù hợp.

MỚI - NÓNG
Phó Chủ tịch ICDV gọi núi Bà Đen là “thiên đường” khi đến tham quan và thảo luận về Vesak 2025
Phó Chủ tịch ICDV gọi núi Bà Đen là “thiên đường” khi đến tham quan và thảo luận về Vesak 2025
Ngày 28/9/2024, khu du lịch núi Bà Đen Tây Ninh đón Ban tổ chức cùng đoàn đại biểu của Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (ICDV) đến thăm và Thảo luận chương trình Đại lễ Vesak 2025. Tại đây, các đại biểu đồng nhất cho rằng núi Bà Đen sẽ là điểm phải đến của hàng nghìn đại biểu trong dịp Đại lễ Vesak.