Bình Nhưỡng bất ngờ cho công bố những bài báo có ảnh màu rõ nét, trong đó cung cấp thông tin chi tiết về một loạt các vụ thử hạt nhân cũng như nhiều hoạt động khác, thể hiện rõ những nỗ lực nhanh chóng của Triều Tiên trong việc chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân ICBM. John Schilling, một kỹ sư hàng không vũ trụ, đã chia sẻ với tờ Reuters rằng “những bức ảnh cận cảnh do Triều Tiên cung cấp về các hoạt động thử nghiệm vũ khí hạt nhân dưới lòng đất là tiền lệ gần như chưa từng có trước đây”.
Trước đây thông tin về chương trình phát triển vũ khí của Triều Tiên vẫn là bức màn bí mật với các quốc gia bên ngoài, có chăng chỉ là một vài thông tin rò rỉ từ các chuyên gia và chính phủ nước ngoài dựa trên các hình ảnh vệ tinh, hay những mẫu vật nhỏ xíu của các mảnh nguyên tử thu lượm được sau các vụ thử hạt nhân hoặc những mảnh vỡ không còn nguyên vẹn phục hồi được từ các vụ phóng tên lửa tầm xa.
Theo các chuyên gia phân tích, Bình Nhưỡng bất ngờ tiết lộ những thông tin này có thể là do họ cho rằng việc chế tạo vũ khí hạt nhân có ý nghĩa rất quan trọng với Triều Tiên, nhưng cùng với đó việc thuyết phục cả thế giới, cũng như chính người dân trong nước tin vào năng lực chế tạo vũ khí hạt nhân của họ cũng quan trọng không kém.
“Sự cởi mở của Triều Tiên cho thấy chiến lược sâu xa của quốc gia này vừa mang ý nghĩa ngoại giao, vừa mang ý nghĩa quân sự, theo đó: điều mang ý nghĩa quan trọng với Triều Tiên không chỉ là việc họ có khả năng chế tạo thành công vũ khí hạt nhân, mà còn là việc họ cần chúng ta tin rằng họ có khả năng làm được điều đó”, Schilling chia sẻ.
Michael Elleman, một chuyên gia về tên lửa của Mỹ nhận định, những thông tin được hé lộ cho thấy Triều Tiên không hề có ý định chùn bước trước các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc và những cảnh báo cứng rắn từ Washington hay bất kì quốc gia nào khác.
“Những thông tin được tiết lộ, những tuyên bố chính thức và cả những cuộc thử nghiệm dường như là một phần trong chiến dịch xây dựng nhận thức của Triều Tiên về một thực tế là họ đã có, hoặc sắp có, một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân và có thể đe dọa đến an ninh của nước Mỹ”, ông Micheal cho hay.
Các chuyên gia quốc tế về vũ khí ngày càng tin rằng khả năng của Triều Tiên có thể còn vượt xa hơn những gì thế giới nghĩ về họ trước đây. Theo một nguồn tin tình báo về chương trình vũ khí của Triều Tiên của chính phủ Mỹ, tên lửa ICBM của Triều Tiên có thể còn thô sơ nhưng vẫn có khả năng hoạt động bình thường.
Yang Moo-jin đến từ trường Đại học nghiên cứu Triều Tiên của Hàn Quốc cho rằng, mục đích của việc tiết lộ những thông tin trên là nhằm thay đổi thái độ hoài nghi của các nước về khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, đồng thời gióng hồi chuông cảnh báo Hàn Quốc và Mỹ, và phục vụ cho công tác tuyên truyền trong nước trước khi Đại hội của đảng Lao động diễn ra vào tháng 5 tới.
“Với quân đội các nước, thông thường việc phát triển vũ khí luôn được coi là vấn đề tối mật, nhưng với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, sau nhiều năm chịu sự chèn ép của Hàn Quốc và Mỹ, điều ông ấy muốn làm bây giờ là nâng mức độ đe dọa của chương trình hạt nhân mà ông đang theo đuổi lên mức cao nhất để thách thức Seoul và Washington”, ông Yang Moo-jin nói.
Hồi tháng 3, ông Kim tuyên bố rằng Triều Tiên đã thu nhỏ thành công một đầu đạn hạt nhân để có thể lắp vào tên lửa đạn đạo. Truyền thông Triều Tiên sau đó công bố hình ảnh một vật thể hình cầu và hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un tươi cười bên cạnh một vật có hình dạng giống như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa KN-08. Theo một số ý kiến phân tích, những hình ảnh như vậy mang dáng dấp tuyên truyền chính trị hơn là một cuộc kiểm tra kỹ thuật nghiêm túc.