Theo bài trên tờ tạp chí Mỹ này, những chiếc bể quây có vẻ ngoài tương tự như những chiếc bể được các quốc gia huấn luyện động vật biển có vú cho các nhiệm vụ quân sự sử dụng. “Vị thế quân sự của Triều Tiên cho thấy họ đang dạy cá heo thực hiện các cuộc tấn công vào tàu địch trong thời chiến”, tác giả chuyên về hải quân H.I Sutton viết trên Popular Mechanics.
Sutton phát hiện ra vị trí có những bể được cho là nuôi cá heo là một nhánh của sông Taedong, cách cửa sông khoảng 8 dặm, nơi sông đổ ra biển Hoàng Hải. Ở khu vực này ban đầu có hai bể quây hình tròn, như đã thấy ở trên, đã mở rộng thành năm bể trong năm ngoái. Những chiếc bể này lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2016.
Theo chuyên gia Sutton, những chiếc chuồng quây này tương tự như những chiếc chuồng được quân đội Mỹ và Nga sử dụng để nuôi động vật có vú ở biển. Cả hai quốc gia đều có các chương trình huấn luyện động vật có vú ở biển phục vụ hải quân. Các loài động vật được huấn luyện để phát hiện thợ lặn đối phương và những kẻ phá hoại.
Cá heo trong biên chế Hải quân Mỹ được gọi là “hệ thống động vật có vú trên biển Mark 7” và được huấn luyện để gắn các loại mìn dưới nước để thợ lặn xử lý. Ông Sutton tin rằng Hải quân Nga đã gửi cá heo đến căn cứ của họ ở Tartus, Syria để đảm bảo an ninh cho các tàu chiến viếng thăm.
Vị trí của các chuồng nuôi động vật biển ở Triều Tiên đã bác bỏ các nhận định rằng các chuồng này là nơi cư trú của cá, không phải cá heo, nuôi lấy thực phẩm. Bởi bể này khác với các ao nuôi trồng thủy sản được Triều Tiên sử dụng để nuôi cá. Chuồng trại, ao nuôi cá của quốc gia này có hình vuông và được bố trí dày và có rất nhiều dọc theo sông Taedong.
Nhưng các bể quây mà ông Sutton quan sát được rõ ràng cách xa các trại cá và biệt lập. Trong khi cá heo nước mặn cần nước mặn để tồn tại, vị trí này gần với đại dương để được cung cấp nước lợ với độ mặn chấp nhận được.
Tại sao Triều Tiên lại huấn luyện cá heo quân sự? Bình Nhưỡng vẫn giữ một kho vũ khí — bao gồm pháo, tàu ngầm đi kèm biệt kích — để tiến hành các cuộc tấn công quy mô nhỏ chống lại Hàn Quốc. Các cuộc tấn công này nhằm đe dọa và tạo đòn bẩy trước đối thủ phía nam của Triều Tiên.
Vào tháng 3 năm 2010, một tàu ngầm của Triều Tiên được nói là đã đánh chìm một tàu hộ tống của Hàn Quốc, khiến 46 thủy thủ thiệt mạng. Triều Tiên chưa bao giờ thừa nhận trách nhiệm về vụ tấn công con tàu Cheonan. Cuối tháng 11 năm đó, Triều Tiên nã pháo vào đảo Yeongpyeong, giết chết hai lính thủy đánh bộ Hàn Quốc.
Vào năm 2016, Đại tá về hưu Viktor Baranets, người đã quan sát quá trình huấn luyện cá heo của quân đội Liên Xô và Nga sau đó, nói với The Guardian rằng những con cá heo Liên Xô / Nga được huấn luyện để thực hiện các cuộc tấn công cảm tử kiểu kamikaze giống phi công Nhật Bản trong Thế chiến 2, chống lại tàu địch khi mang theo chất nổ tới mục tiêu của chúng. Đó là một nhiệm vụ rất phù hợp với lối đánh của Triều Tiên.
“Có phải đất nước này đang huấn luyện cá heo kamikaze? Chúng ta sẽ không bao giờ biết chắc chắn”, ông Sutton viết.