Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA cho biết Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đề nghị gửi đặc phái viên tới đối thoại với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, nhưng phía Bình Nhưỡng đã "thẳng thừng" từ chối đề xuất này và gọi đây là lời đề nghị "vô nghĩa, nham hiểm".
Theo Yonhap, việc Triều Tiên từ chối lời đề nghị gửi đặc phái viên cho thấy Bình Nhưỡng không có ý định xoa dịu căng thẳng bằng đối thoại, và sẽ thực hiện một loạt biện pháp cứng rắn để đáp trả vụ thả truyền đơn.
Một trong những biện pháp đó, theo Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Triều Tiên, là điều động quân đội đến khu công nghiệp liên Triều ở thành phố Kaesong và khu du lịch núi Kumgang. Đây vốn là hai biểu tượng của khát vọng hoà giải liên Triều.
Bình Nhưỡng cũng cho biết sẽ khôi phục các đồn gác từng bị loại bỏ tại khu phi quân sự “để tăng cường lực lượng bảo vệ tiền tuyến”, và tiếp tục “tất cả các cuộc tập trận quân sự thường xuyên” gần biên giới liên Triều.
Động thái này cho thấy Bình Nhưỡng sẵn sàng xoá bỏ thoả thuận giảm căng thẳng quân sự từng được hai bên kí kết năm 2018.
Bức ảnh được chụp từ một tháp quan sát trên đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc cho thấy lỗ châu mai trên đảo Jangjae của Triều Tiên đã được mở vào ngày 17/6. Ảnh: Yonhap
Những biện pháp này được công bố một ngày sau khi Triều Tiên cho nổ tung Văn phòng Liên lạc chung ở Kaesong, vào lúc 14h59’ ngày 16/6.
Triều Tiên công bố ảnh cảnh Văn phong Liên lạc chung bị cho nổ tung. Ảnh: Yonhap
Ảnh: Yonhap
Ảnh: Yonhap
Trước đó, hôm thứ Hai, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có bài phát biểu kỷ niệm 20 năm hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên năm 2000.
Trong đó, ông Moon kêu gọi Triều Tiên mở cánh cửa đối thoại và nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng lòng tin giữa hai nước.
Tuy nhiên, bà Kim Yo-jong đã kịch liệt chỉ trích bài phát biểu của ông Moon, cho rằng phía Hàn Quốc chỉ viện cớ mà không hề có thái độ hối lỗi về vụ người đào thoát thả truyền đơn chống Bình Nhưỡng sang Triều Tiên.