Đại diện của Chương trình lương thực thế giới bày tỏ sự lo ngại về sản lượng khoai tây, lúa mì và lúa mạch tại Triều Tiên, được dự đoán là sẽ thấp hơn mức sản lượng năm 2014 đến 50%. “Đây là đợt hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử 100 năm qua tại nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho ngành nông nghiệp”, hãng thông tấn quốc gia KCNA cảnh báo.
Theo một báo cáo của Liên Hợp quốc hồi tháng 4 vừa qua, 70% dân số của Triều Tiên đứng trước nguy cơ “an ninh lương thực không đảm bảo”.
Đáp lại, Chương trình lương thực thế giới đã kêu gọi được 111 triệu USD để giúp đỡ cộng đồng này. Ông David Kaatrud, Giám đốc chương trình tuyên bố: “Nhiệm vụ của chúng tôi không chỉ là những người “canh gác” mà còn phải sẵn sàng phản ứng trong trường hợp cần thiết”.
Tuy nhiên, việc tiếp nhận hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế tới Triều Tiên là một vấn đề khá phức tạp bởi chính quyền nước này muốn nắm quyền tự kiểm soát và phân chia các gói hỗ trợ.
Ngày 18/6, Trung Quốc cũng tuyên bố dự định hỗ trợ lương thực cho Triều TriềuTiên, trong khi Mỹ thì lại “im hơi lặng tiếng” trong bối cảnh Triều Tiên bị cấm vận kinh tế vì các hoạt động hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Có vẻ như thiên nhiên đang không đứng về phía Triều Tiên, nhất là trong bối cảnh mà đàm phán giữa nước này với các quốc gia trên thế giới về vấn đề hạt nhân đang căng thẳng.
Nhiều người đã nhắc lại ký ức về nạn đói năm 1994 - 1997, với hơn 1 triệu người chết. Và điều nguy hiểm hơn cả chính nạn đói đơn thuần, đó là việc biến nó thành vũ khí chính trị - điều mà nhiều chuyên gia nhận định và cảnh báo.
Trong khi Triều Tiên đang đối mặt với hạn hán nghiêm trọng thì Hàn Quốc cũng đang phải nỗ lực đối phó với dịch MERS- CoV.