Triển lãm tranh 'ngọ nguậy'

Nghệ sĩ Chris Mcbride mang triển lãm AR đến Đà Nẵng.
Nghệ sĩ Chris Mcbride mang triển lãm AR đến Đà Nẵng.
TP - Tranh “ngọ nguậy” là cách gọi của mọi người về Triển lãm nghệ thuật Augmented Reality (AR) - nghệ thuật đưa hình ảnh tĩnh trở thành hình ảnh động, đang diễn ra tại Đà Nẵng. Đây cũng là triển lãm đầu tiên về loại hình này ở châu Á.

Cụ rùa bơi trong tranh

Trong ngôi nhà nghệ thuật ở số 52 Võ Nghĩa (quận Sơn Trà), từ sân, hành lang đến những phòng trong cùng trưng 31 bức tranh với chủ đề “thập cẩm”. Nhưng có một điểm chung mà bằng con mắt của một người thường, ta cũng cảm nhận được hình như chúng đều thiếu nét gì đó, hay nói cách khác là chưa hoàn thiện. Như bức vẽ về một bàn tay hờ hững đưa lên khung giấy trắng trơn, bức tượng Phật bỏ trống phần đầu. Một nghệ sĩ nước ngoài giải thích đây là tranh nghệ thuật AR, nên không thể thưởng thức trọn vẹn nó bằng cách xem trực tiếp như những loại tranh khác.

AR là công nghệ đưa hình ảnh tĩnh trở thành hình ảnh động thông qua một thiết bị điện tử nhằm mang đến cái nhìn thú vị hơn. Người xem chỉ cần tải ứng dụng EyeJack về điện thoại, sau đó đưa lên trước bức tranh, ấn nút chụp hình, lập tức bức tranh sẽ “ngọ nguậy”, “mọc” thêm nhiều chi tiết với màu sắc, âm thanh vô cùng thú vị.

Thử ngay với bức tranh vẽ về hồ Gươm bình lặng ngay trước sân nhà, qua màn hình điện thoại, cả bức tranh bắt đầu chuyển động. Từng đợt sóng bỗng nhấp nhô, cụ Rùa từ từ ngoi lên, mang theo thanh gươm. Từ những “ngọ nguậy” và chi tiết ấy, người ta sẽ nhớ ngay  đến truyền thuyết về hồ Gươm. Hay bức tranh có đôi tay hững hờ cũng bắt đầu ve vuốt, nâng niu một mái đầu, một người con gái. Trong 31 bức tranh, theo giới nghệ sĩ, cuốn hút hơn cả là bức “Chiến tranh thế giới thứ nhất” và “Thiên hà – dãy Neon huyền bí” bởi cả hai được vẽ cầu kỳ, chi tiết.  Qua màn hình điện thoại, “Chiến tranh thế giới thứ nhất” cho ta thấy được sự tàn khốc của cuộc chiến, còn “Thiên hà – dãy Neon huyền bí” mang lại ý nghĩa trừu tượng hơn, là tâm trí của một con người qua hình ảnh hộp sọ và khả năng tư duy vô hạn qua thiên hà.

31 bức tranh trên của 30 nghệ sĩ trên khắp thế giới sáng tác. Để có một tác phẩm nghệ thuật AR, điều kiện tiên quyết là họ cần có một ý tưởng hay, sau đó là kinh nghiệm về chỉnh sửa video, đồ hoạ hoạt hình. Các nghệ sĩ cho hay để đưa từ ý tưởng vào thực tế, họ phải tạo ra một hình ảnh tĩnh, tạo minh hoạ hoạt hình, hay dùng hình ảnh , tranh vẽ... Kế đó tạo ra hình ảnh động với bất kỳ phong cách hoạt hình nào, từ rất đơn giản với một hoặc hai hình ảnh 2D đến hoạt hình mô phỏng 3D phức tạp. Khi   file hình ảnh động được tải lên “Eyejack”, ứng dụng sẽ tự động nhận ra hình ảnh tĩnh và ghép các hình ảnh động cho tác phẩm của bạn. Từ đó, họ có một bức tranh AR có thể xem qua điện thoại thông minh.

Cơ hội phát triển AR

Người mang triển lãm thú vị này đến Việt Nam là họa sĩ, nhà làm phim người Anh Chris Mcbride,  đã sống và làm việc tại Đà Nẵng được 3 năm. Lý do ông tổ chức triển lãm và gọi bạn bè nghệ sĩ khắp năm châu về giới thiệu cũng thật đơn giản, “vì tôi thực sự thích thành phố này”. Ông nói rằng, không gian nghệ thuật ở Đà Nẵng còn nhỏ và muốn nó phát triển hơn. Bằng triển lãm AR, ông kỳ vọng sẽ thổi nguồn cảm hứng, khuyến khích mọi người tham gia vào nghệ thuật.

“Từ khi bắt đầu triển lãm đến nay, rất đông nghệ sĩ cũng như  người dân liên tục tới xem và bày tỏ mong muốn có thêm nhiều triển lãm tương tự. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức một số cuộc hội thảo để giới thiệu AR và các kỹ thuật hoạt hình cơ bản cho các nghệ sĩ”, ông nói.

Theo ông, AR là một công nghệ mới, Việt Nam chỉ đang ở giai đoạn khởi đầu, nhưng ông chắc chắn nó có thể phát triển vì không khó, nhất là khi bắt tay vào làm, người ta thường bị loại hình này lôi cuốn. Khi thực hiện được tranh AR, có thể ứng dụng vào tranh treo tường, truyện tranh, sách, quần áo, hình xăm. Nó không có giới hạn nào cả, nếu các bạn chịu khó tưởng tượng và sáng tạo.

MỚI - NÓNG