Lấy ý tưởng và dựa trên concept chủ đề: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”, nhóm dự án “Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam” và nghệ sỹ Phan Hải Bằng đã mang đến triển lãm không gian nghệ thuật đầy thơ mộng.
12 mô hình áo tơi- Trúc Chỉ và một dòng sông Trúc Chỉ hơn 100m được sắp đặt thích ứng với không gian trưng bày tại Viện Goethe Hà Nội.
Trúc Chỉ là một dự án nghiên cứu, một loại hình nghệ thuật thủ công trên giấy do họa sĩ Phan Hải Bằng, Giảng viên trường Đại học Nghệ thuật Huế cùng các đồng sự khởi lập từ năm 2000. Qua nhiều năm giảng dạy và nghiên cứu, tìm tòi tác giả và nhóm cộng sự đã cho ra đời sản phẩm Trúc Chỉ dựa trên quy trình chế tác giấy thủ công từ rơm, mía, chuối và tre… trên nền của vật liệu trúc chỉ các tác phẩm về nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật ứng dụng được triển khai.
Bên cạnh đó, dự án “Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam” là một nỗ lực để thay đổi quan niệm về khái niệm “giấy”: làm cho giấy thoát khỏi thân phận làm nền cho các sáng tạo khác để trở thành tác phẩm tự thân, trở thành một loại hình nghệ thuật.
Chia sẻ tại buổi triển lãm, họa sĩ Phan Hải Bằng cho biết: “Khó khăn khi tôi “bén duyên” với nghệ thuật Trúc Chỉ chính là sự định kiến, dửng dưng và dè bỉu của dư luận. Họ xem chúng tôi là những người làm giấy bình thường. Cách chúng tôi vượt qua là biến khó khăn thành động lực để cố gắng và thành công”.
Từ triển lãm đầu tiên tháng 4/2012 được ra mắt đầu tiên tại Huế cho đến nay, nghệ thuật Trúc Chỉ được đánh giá là loại hình nghệ thuật đậm nét truyền thống, gần gũi với văn hóa dân gian, giàu sự gia công, sáng tạo nhưng cũng rất tinh tế, thanh cao.
Triển lãm “Trúc Chỉ- Lời của dòng sông” sẽ đón khách từ 2-15/7/2016, thời gian mở cửa từ 9h-19h hàng ngày tại Viện Goethe Hà Nội.
Dưới đây là một số hình ảnh tại buổi khai mạc triển lãm “Trúc Chỉ- Lời của dòng sông”:
Khách tham quan ấn tượng với không gian triển lãm Trúc Chỉ.
Nghệ sỹ Phan Hải Bằng.
Dòng sông Trúc Chỉ dài hơn 100m được trưng bày thích ứng với không gian triển lãm.
Cận cảnh một trong những tác phẩm Trúc Chỉ.
Khách tham quan thích thú và tò mò trước sự mới lạ của nghệ thuật Trúc Chỉ.
Tận tay cảm nhận nghệ thuật Trúc Chỉ.
Nhóm dự án "Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam" và nghệ sỹ Phan Hải Bằng chụp ảnh lưu niệm.