Tại cuộc họp báo, ông Đoàn Công Huynh, Vụ trưởng Vụ Thông tin cơ sở - Bộ TT&TT, cho biết, trong số nhóm tư liệu được trưng bày có phiên bản các văn bản Hán Nôm, văn bản Việt ngữ và Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam và chính quyền Pháp ở Đông Dương ban hành từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, khẳng định quá trình xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Phiên bản các văn bản hành chính của chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam ban hành trong thời kỳ 1954 - 1975 tiếp tục khẳng định quá trình quản lý hành chính, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa…
Bốn tập bản đồ (atlas) và 30 bản đồ do Trung Quốc xuất bản và phát hành chính thức qua các thời kỳ lịch sử cho thấy Trung Quốc không quản lý Hoàng Sa, Trường Sa.
Bốn atlas do nhà Thanh và chính phủ Trung Hoa Dân quốc xuất bản, gồm Trung Quốc địa đồ (xuất bản năm 1908), Trung Quốc toàn đồ (1917), Trung Hoa bưu chính dư đồ (1919) và Trung Hoa bưu chính dư đồ (1933), đều thể hiện cương giới cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, không nhắc đến Hoàng Sa và Trường Sa.
Triển lãm cũng trưng bày nhiều tài liệu quý khác, trong đó có bộ atlas Universel do Philippe Vandermaelen (1795 - 1869), nhà địa lý học người Bỉ, người sáng lập Viện Địa lý Hoàng gia Bỉ, biên soạn. Ngoài ý nghĩa học thuật, tài liệu này có giá trị pháp lý góp thêm vào bộ hồ sơ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.