Trị 'bệnh' ì ạch trong giải ngân vốn đầu tư công: Xử nghiêm người đứng đầu

Cao tốc Bắc-Nam đang cần vốn đầu tư công
Cao tốc Bắc-Nam đang cần vốn đầu tư công
TP - Sáng 16/7, chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc để đôn đốc việc giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị gắn kết quả giải ngân với thi đua, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ và đi liền với đó là xử lý nghiêm người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ, kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan.

“Nói hoài, nói mãi, không chịu làm”

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm nay vẫn thấp so với yêu cầu. Hiện tại, chỉ có 3 bộ, cơ quan trung ương và 9 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50%; 33 bộ, cơ quan trung ương và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó 7 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%. Đáng chú ý là Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, trong 6 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt 10,1% kế hoạch được giao, khó có khả năng hoàn thành đúng kế hoạch.

Nhấn mạnh thực tế  rằng, nhân dân đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, công nhân mất việc làm, kinh tế đất nước tăng trưởng thấp, Thủ tướng yêu cầu phải tập trung giải ngân vốn đầu tư công, gần 28 tỷ USD, tương đương hơn 633 nghìn tỷ đồng.

“Đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng để chúng ta vượt qua khó khăn”, người đứng đầu Chính phủ nói. Song ông cũng bày tỏ sự sốt ruột trước tình trạng, các địa phương, bộ ngành luôn xin vốn của Nhà nước để đầu tư phát triển nhưng khi nhận vốn rồi thì không tổ chức thực hiện đến nơi đến chốn. “Điều này diễn ra nhiều năm, nhiều thập kỷ, nhất là những năm gần đây tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất thấp”, Thủ tướng cho hay.

Trị 'bệnh' ì ạch trong giải ngân vốn đầu tư công: Xử nghiêm người đứng đầu ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Về nguyên nhân, theo đánh giá của Thủ tướng thì “chủ quan là chính”. Khi cùng cơ chế đó, có địa phương lại giải ngân rất tốt, còn nhiều địa phương lại rất ì ạch. “Đó là do sự quan liêu của các cấp, ngành, không chịu sâu sát giải quyết công việc. Bí thư, Chủ tịch, Bộ trưởng đi xin vốn về cứ để mãi, cứ nói chung chung, không trực tiếp xử lý vướng mắc, khó khăn”, Thủ tướng nói và khẳng định, chính bệnh quan liêu, xa dân làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư công.

Lấy kết quả giải ngân để đánh giá năng lực cán bộ

Nhấn mạnh, chỉ còn 25-26 tuần là hết năm, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện báo cáo 2 tuần một lần về giải ngân và kiểm tra, đôn đốc thực hiện. “Quốc hội, Chính phủ đã mở ra một cơ chế cho các địa phương, các ngành thì các đồng chí phải lo việc tiêu tiền trên mảnh đất của mình, trên lĩnh vực, ngành mình quản lý”, Thủ tướng nói.

Trên cơ sở kế hoạch đề ra, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, từ đầu tháng 8 tới tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển vốn từ các bộ, ngành, địa phương không giải ngân được để tập trung cho các công trình, dự án có khả năng giải ngân.

“Anh không làm phải có biện pháp với anh, chứ không phải không làm, biết đó mà không xử lý. Nói hoài, nói mãi không chịu làm. Không lẽ chúng ta vô hiệu lực trong chuyện này sao? Lần này phải đưa ra các chế tài cần thiết”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh

Thủ tướng cũng yêu cầu, Bí thư, Phó Bí thư, Thường trực tỉnh ủy và thành ủy phải trực tiếp chỉ đạo, hỗ trợ các huyện thay vì khoán trắng. Các đơn vị, địa phương cần phát động phong trào thi đua yêu nước về giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư tư nhân, đầu tư FDI; học tập, trao đổi kinh nghiệm, quyết tâm khắc phục những tồn tại, khuyết điểm để làm tốt hơn việc giải ngân vốn đầu tư công và đầu tư xã hội.

Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị gắn kết quả giải ngân với thi đua, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ và đi liền với đó là xử lý nghiêm người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ, kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan không có chuyển biến. Trong vấn đề thủ tục, Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành ở Trung ương phải tạo mọi điều kiện cho địa phương, tiếp tục phân cấp, giao quyền công khai, minh bạch.

“Hồ sơ tới Bộ Tài nguyên và Môi trường, tới Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì bao nhiêu ngày phải giải quyết xong, chứ không để tình trạng là hồ sơ ngâm quá 1 tuần”, Thủ tướng yêu cầu.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.