Hai người thợ đang lau kính phía bên ngoài tầng 16 của một cao ốc năm trên đường Huỳnh Thúc Kháng (Ba Đình - Hà Nội). Đây là một công việc đòi hỏi người thợ phải có thần kinh vững vàng, không sợ độ cao.
Nghề lau kính nhà cao tầng thường được các công ty dịch vụ vệ sinh nhận thầu, sau đó thuê thợ đa phần là những người ngoại tỉnh đã có kinh nghiệm và "dạn" độ cao để thực hiện công việc.
Các thiết bị an toàn của người thợ lau kính thường thô sơ, đơn giản. Khi treo mình ngoài trời lau kính sẽ có 2 dây, một dây đu chịu lực khoảng 1 tấn và một dây cứu sinh cùng vài trang bị bảo hộ như mũ, khẩu trang, dây an toàn toàn thân.
Công việc này thường hoạt động nhiều vào mùa hè hoặc khi trời khô ráo. Những ngày mưa, có gió lớn thì tuyệt đối không ai làm việc. Khi treo mình trên tòa nhà chọc trời bằng sợi dây cáp mỏng manh, tốc độ gió là yếu tố khách quan phải được quan tâm hàng đầu.
Lỉnh kỉnh cùng người thợ là 2 xô đựng các loại dụng cụ như dụng cụ lau kính, hóa chất tẩy rửa, nước uống... Ở độ cao chóng mặt, mọi dụng cụ cần được bảo vệ chắc chắn để phòng tránh gây tai nạn cho người phía dưới và chính bản thân người thợ.
Chốt khóa an toàn và sợi dây có thể chịu lực 1 tấn đưa người thợ lên khắp mọi tầng của tòa nhà. Lau kính là một nghề nguy hiểm và được trả công khá cao dù không cần bằng cấp. Trung bình người làm việc lâu năm có kinh nghiệm được trả 300 nghìn/ngày công. Làm việc tại các tầng nhà càng cao thì càng được trả nhiều tiền.
Phan Văn Đức đã có 2 năm kinh nghiệm trong nghề lắp các bảng đèn LED đang chuẩn bị các thiết bị an toàn trước khi đu mình làm việc ở một tòa nhà cao tầng tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (Thanh Xuân - Hà Nội)
Làm việc ngoài trời ở độ cao hàng chục tầng nhà khi nắng nóng là vô cùng cực nhọc, nếu không uống đủ nước tại chỗ sẽ gây mất nước và chóng mặt bởi ở độ cao này dễ xảy ra tai nạn.
Anh Đức chia sẻ rằng bệnh đau lưng là một dạng bệnh nghề nghiệp bởi người thợ luôn phải gồng mình đu dây gây mỏi lưng thường xuyên.
Một người thợ nhìn qua vệt loang lổ của tấm kính đang lau dở. Đây là một nghề nguy hiểm và kén người làm, rất nhiều lao động đã bỏ việc ngay sau ngày công đầu tiên vì không chịu được "đòn" cân não ở độ cao hàng chục mét.