Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, Uỷ viên thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá, thực hiện Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2015 và Hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá, đến nay các tổ thẩm định liên ngành (gồm đại diện Bộ Công an, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chủ tịch nước…) đã tiến hành thẩm định trên 18.000 hồ sơ đề nghị đặc xá cho phạm nhân của các trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng quản lý. Trong đó, số hơn 18.000 hồ sơ đủ điều kiện được xem xét, quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn, có 32 phạm nhân có quốc tịch nước ngoài và 1 phạm nhân liên quan tới xâm phạm an ninh quốc gia.
Nhằm bảo đảm cho công tác đặc xá năm 2015 được thực hiện đúng đối tượng, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, Hội đồng Tư vấn đặc xá đã yêu cầu Bộ Công an, Viện KSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn cần thiết. Yêu cầu đặt ra cho công tác đặc xá là phải được tiến hành nghiêm minh, chặt chẽ, công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, đúng đối tượng, không đặc xá người thiếu điều kiện và cũng không bỏ sót người đủ điều kiện, kiên quyết không để tiêu cực xảy ra.
Đặc xá là chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và thể hiện truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam đối với những người phạm tội, khuyến khích họ hối cải, rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội... Từ năm 2009 đến nay, thực hiện Luật Đặc xá, Chủ tịch nước đã quyết định thực hiện 5 đợt đặc xá tha tù trước thời hạn cho 63.499 phạm nhân và 678 người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Do có sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ của Chủ tịch nước, Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành và sự chuẩn bị chủ động, tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp nên tuyệt đại đa số người được đặc xá đã trở về nơi cư trú, làm ăn lương thiện, ổn định cuộc sống. Qua theo dõi đợt đặc xá gần đây nhất (năm 2013), sau một năm thực hiện (tính đến 1/9/2014) số người được đặc xá có hành vi vi phạm pháp luật là 114, chiếm tỷ lệ 0,73% so với tổng số 15.523 người được đặc xá. Vì vậy, mặc dù số lượng người được đặc xá đông nhưng tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại các địa phương được đảm bảo, không xảy ra phức tạp do người được đặc xá gây nên.
Để công tác hậu đặc xá năm 2015 đạt kết quả tốt, Hội đồng tư vấn đặc xá đề nghị các cấp, các ngành quan tâm đến công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người được đặc xá trở về địa phương, tránh kỳ thị, đồng thời cần tích cực theo dõi, giúp đỡ, dạy nghề và tạo việc làm cho người được đặc xá trở về cộng đồng, xóa bỏ mặc cảm, làm ăn lương thiện, hạn chế tái phạm tội và vi phạm pháp luật. Đối với những người được đặc xá có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì các cơ quan, đoàn thể, tổ chức kinh tế - xã hội hãy thể hiện trách nhiệm xã hội của mình, quan tâm giúp đỡ họ vay vốn làm ăn, ổn định cuộc sống, tái hoà nhập cộng đồng.
Được biết, sau cuộc họp ngày hôm nay, Hội đồng Tư vấn đặc xá sẽ trình Chủ tịch xem xét quyết định nước danh sách phạm nhân được đặc xá dịp Quốc khánh.