Trẻ sinh non và già tháng: Nhiều biến chứng nguy hiểm

Trẻ sinh non tháng hay già tháng đều đối mặt với những nguy cơ về sức khỏe. Ảnh minh họa: internet
Trẻ sinh non tháng hay già tháng đều đối mặt với những nguy cơ về sức khỏe. Ảnh minh họa: internet
Trẻ bị sinh non hoặc già tháng đều phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ.

Trẻ non tháng, dễ mù lòa

Theo TS-BS Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa Hậu sản M, BV Từ Dũ TP. HCM, trẻ được sinh ra ở tuổi thai từ hết 22 đến 36 tuần 6 ngày được xem là sinh non. Các mức độ sinh non được phân loại như sau: sinh non muộn (34 - 36 tuần 6 ngày), sinh rất non (28 - 33 tuần 6 ngày) và sinh cực non (trẻ sinh ra ở tuổi thai nhỏ hơn 28 tuần). Trẻ sinh ra khi tuổi thai càng non thì nguy cơ càng cao. Những trẻ sinh ra ở tuổi thai dưới 28 tuần dễ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm.

Vấn đề gặp phải đầu tiên ở trẻ sinh non là rối loạn hô hấp. Trẻ dễ bị tím tái, thở gắng sức. Nguyên nhân gây rối loạn hô hấp ở trẻ thường do bệnh màng trong, thiếu hụt chất surfactant nên các phế nang không giãn nở tốt để trao đổi khí.

Tiếp đến, các bé sinh non rất dễ bị nhiễm trùng. Tình trạng nhiễm trùng dễ xảy ra do chức năng miễn dịch của trẻ kém. Các bệnh nhiễm trùng hay gặp là viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm màng não, đặc biệt là viêm ruột hoại tử. Khi bị nhiễm trùng, những triệu chứng lâm sàng của trẻ thường không đặc hiệu, khó chẩn đoán, nguy cơ tử vong cao.

Ngoài ra, ở trẻ sơ sinh non tháng, do sự thiếu hụt các yếu tố đông máu nên dễ bị xuất huyết dạ dày, phổi, đường tiết niệu. Trường hợp nặng, bệnh nhi có thể bị xuất huyết não, khiến trẻ co giật, hôn mê và tử vong.

Một bệnh lý thường gặp khác ở trẻ sinh non là rối loạn chuyển hóa gây hạ đường, hạ canxi máu. Hạ canxi máu thể sớm xuất hiện trong vòng ba ngày đầu sau sinh. Hạ canxi máu thể muộn xuất hiện sau một tuần và thường có liên quan đến các tình trạng làm tăng phosphate máu như suy cận giáp, mẹ sử dụng các thuốc chống co giật và thiếu vitamin D.

Một nguy cơ vô cùng nguy hiểm khác dễ xảy ra ở trẻ sinh non là xơ hóa võng mạc, dẫn đến tổn thương thần kinh thị giác, khiến trẻ bị mù lòa.

Trẻ sinh già tháng, nguy cơ tử vong cao hai-bốn lần

Trẻ sinh già tháng cũng gặp nhiều nguy hiểm không kém. Theo TS-BS Thu Hà, trẻ sinh già tháng có tỷ lệ tử vong chu sinh tăng gấp hai-bốn lần so với trẻ sinh đủ tháng. Gọi là thai già tháng khi tuổi thai trên 42 tuần (trên 294 ngày tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối).

Thai nằm lâu trong tử cung, bánh nhau thoái hóa dần sẽ gây ra các ảnh hưởng nghiêm trọng. Cụ thể, chức năng nuôi dưỡng thai của bánh nhau giảm làm tiêu hao dần chất dự trữ như mỡ và glycogen trong gan của thai nhi. Các bé sinh già tháng bị teo lớp mỡ dưới da, gầy còm, cơ nhão, bụng lép, da nhăn.

Ở thai già tháng, cơ thể đào thải chất bã giảm, máu bị cô đặc do mất nước, rối loạn điện giải, hồng cầu và huyết sắc tố tăng. Không chỉ thế, việc trao đổi khí giảm còn khiến cho máu trẻ có độ bão hòa oxy kém, chỉ từ 30 - 50% (bình thường phải trên 60%).

Nguy hiểm nhất ở thai già tháng là biến chứng trẻ hít nước ối có lẫn phân su gây ngạt, suy hô hấp.

Trẻ sinh non tháng và già tháng cần được điều trị kịp thời các bệnh lý. Phương pháp và hiệu quả điều trị tùy thuộc vào từng bệnh và tình trạng của trẻ. Một số bệnh lý có thể can thiệp, nhưng cũng có những bệnh lý hiện y học chưa có cách điều trị hiệu quả. Chẳng hạn với bệnh lý bong võng mạc trẻ sơ sinh, BS Nguyễn Chí Trung Thế Truyền, chuyên khoa nhãn nhi, Bệnh viện Mắt TP.HCM cho biết gần như không thể can thiệp. “Khi trẻ bị bong võng mạc thì tiên lượng rất xấu. Việc phẫu thuật chỉ để cho mắt khỏi teo chứ không bảo tồn được chức năng”, BS Truyền nói.

Tránh nguy cơ sinh non tháng và già tháng, TS-BS Thu Hà khuyên phụ nữ nên có sự chuẩn bị tốt về sức khỏe trước khi mang thai. Chị em hãy khám và điều trị các bệnh như thiếu máu, tiểu đường, viêm nhiễm sinh dục (nếu có); tiêm ngừa các bệnh như sởi - quai bị - rubella, viêm gan B, thủy đậu.

Thai phụ cần khám thai định kỳ đều đặn, dinh dưỡng tốt, cố gắng tránh những nguy cơ như cảm lạnh, nhiễm trùng, té ngã, giữ tinh thần thoải mái, nghỉ ngơi đầy đủ, tránh tiếp xúc hoặc sử dụng các chất kích thích như rượu, thuốc lá..., tránh mang vác nặng. Nếu thấy các dấu hiệu hướng đến sinh non: nặng bụng, đau bụng từng cơn, đau vùng lưng dưới âm ỉ liên tục, ra huyết hồng âm đạo, ra nước hoặc máu âm đạo, thai phụ cần đến ngay bệnh viện có chuyên khoa sản để được xử trí kịp thời.

Trong buổi trò chuyện về cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc trẻ sơ sinh diễn ra tại TP.HCM ngày 21/11, BS Nguyễn Thị Từ Anh, Trưởng khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ cho biết, mỗi năm Việt Nam có 12.000 trẻ tử vong do sinh non có biến chứng, nhiễm trùng sơ sinh, ngạt sau sinh và dị tật bẩm sinh. Trong tổng số 139 triệu trẻ được sinh ra hằng năm trên thế giới, bốn triệu trẻ tử vong trong tháng đầu tiên, ba triệu trẻ tử vong trong tuần đầu tiên và một triệu trẻ không thể vượt qua ngày đầu tiên của cuộc đời.

Theo Trâm Anh

Theo Phunuonline
MỚI - NÓNG