Na Uy
Ở Na Uy, việc giáo dục giới tính không chỉ tập trung vào khía cạnh sinh lý mà còn dạy học sinh cách có một mối quan hệ lành mạnh, khám phá khuynh hướng tình dục của bản thân và thực hiện tình dục an toàn.
Trẻ em Na Uy bắt đầu được dạy về giáo dục giới tính từ khi mới học mầm non. Chương trình giáo dục giới tính trong trường học được coi là môn bắt buộc. Ngoài ra, trên truyền hình công cộng cũng thường xuyên chiếu các video dạy giáo dục giới tính cho trẻ em từ 8 – 12 tuổi, nói về tuổi dậy thì, thủ dâm, cách vệ sinh cơ thể…v…v…
Nhờ phương pháp giáo dục này mà Na Uy luôn được ca ngợi là một trong những quốc gia đi đầu về giáo dục giới tính. Tỉ lệ mang thai tuổi vị thành niên ở Na Uy cũng rất thấp, chỉ 8,9 trẻ sơ sinh/1.000 thanh thiếu niên.
Thuỵ Điển
Thuỵ Điển là một trong những quốc gia tiên phong trong việc giáo dục giới tính cho trẻ em. Môn giáo dục giới tính trở thành môn học bắt buộc tại Thuỵ Điển từ năm 1956. Học sinh Thuỵ Điển được học cách yêu và tôn trọng cơ thể mình, cách sử dụng bao cao su, cách phòng tránh thai…
Ngoài ra, các video hoạt hình dạy giáo dục giới tính có nội dung dễ hiểu, hấp dẫn cũng được phát sóng thường xuyên trên kênh truyền hình cho trẻ em từ 3 đến 6 tuổi để giúp trẻ hiểu thêm về cơ thể đàn ông và phụ nữ.
Nigeria
Vì lí do văn hoá và tôn giáo, việc giáo dục giới tính cho trẻ em tại Nigeria hiện vẫn được coi là chuyện nhạy cảm. Để khắc phục tình trạng này, đồng thời góp phần làm giảm tỉ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên, một tổ chức có tên Education As a Vaccine (EVA) tại Nigeria đã thành lập dịch vụ giáo dục giới tính có tên “MyQuestion”.
“MyQuestion” cho phép trẻ em và thanh thiếu niên đặt câu hỏi về giới tính - tình yêu - tình dục thông qua tin nhắn, goi điện hoặc mạng xã hội… vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu mà không nhất thiết phải cung cấp danh tính, sau đó nhận lại câu trả lời từ các tư vấn viên. Dịch vụ này đang càng trở nên phổ biến. Mỗi tháng, “MyQuestion” nhận được khoảng 12 – 15.000 câu hỏi của người trẻ qua tin nhắn.
Nicaragua
Theo Quỹ dân số Liên Hợp Quốc, Nicaragua là nước có tỉ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên cao nhất châu Mỹ Latinh, với 28% phụ nữ sinh con trước tuổi 18. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là tình trạng bạo lực tình dục đối với trẻ em gái diễn ra phổ biến. Tuy nhiên, môn giáo dục giới tính lại không được giảng dạy rộng rãi ở Nicaragua.
Trước thực trạng đó, tổ chức Plan International đã tổ chức chương trình “Champions of Change” hướng tới đối tượng là các học sinh nam từ 15 đến 19 tuổi. Các học sinh tham gia chương trình sẽ được đào tạo về giới tính trong 18 tháng và được khuyến khích đồng cảm, tôn trọng phụ nữ.
Các học sinh nam tại Nicaragua được học về cách tôn trọng phụ nữ. Ảnh: The Guardian
Canada
Các thành phố tại Canada có quyền tự quyết định cách thức và nội dung giảng dạy môn giáo dục giới tính. Tuy nhiên, hầu hết các thành phố đều có một mô hình giảng dạy tương tự.
Năm 2015, thành phố Ontario quyết định cập nhật chương trình học đã khá cũ của mình và đưa vào những kiến thức mới về thủ dâm, nhắn tin khiêu dâm, quan hệ đồng giới… Phiên bản cập nhật này nhận được nhiều lời khen ngợi từ các vị phụ huynh.
Một số quốc gia khác
Tại Đức, môn giáo dục giới tính bắt đầu được đưa vào chương trình học từ năm 1970. Đến năm 1992, môn học này trở thành bắt buộc và được quy định trong luật pháp.
Tại Pháp, học sinh bắt đầu được học giáo dục từ năm 1973. Các trường học cung cấp cho học sinh khoảng 30 – 40 giờ học về giới tính và phát bao cao su cho học sinh các lớp lớn.
Tại Nhật Bản, giáo dục giới tính là bắt buộc từ 10 - 11 tuổi, chủ yếu đề cập tới các chủ đề sinh học như kinh nguyệt và thủ dâm.
Hình ảnh minh họa trong sách giáo dục giới tính ở Nhật Bản. Ảnh: Japan Society