Giày đi bộ, giày tập gym, giày leo núi,... những đôi giày dáng thể thao (hay còn gọi là sneaker) có giá từ vài trăm USD đến cả ngàn USD đang được giới trẻ, đặc biệt là thế hệ 10x, săn đón khiến nhiều người lớn cũng phải choáng váng về độ chịu chơi.
Phong trào chơi giày cả ngàn đô
Vừa chuyển tiền thanh toán qua mạng, Nguyễn Việt Hùng, học sinh lớp 11 của một trường phổ thông trung học trên địa bàn Hà Nội, cho biết, cậu chuyển khoản cho một người bán hàng online để đặt mua đôi giày hàng hiệu thuộc hãng Nike, giá gần 5 triệu đồng.
Hùng giải thích, do cậu chưa mở tài khoản ngân hàng nên bố mẹ cậu đưa sẵn cho con trai một chiếc thẻ ATM đứng tên mẹ, mỗi tháng chuyển cho Hùng 15-20 triệu đồng tiêu vặt. Chưa kể, nếu cầu mua sắm gì, cậu chỉ “alo” một tiếng, ngay lập tức tiền sẽ đổ về tài khoản.
“Gia đình em làm kinh doanh nên có điều kiện, bố mẹ cũng thoải mái nhưng em không thích chơi bời gì hết. Thứ duy nhất em thích là sưu tập giày. Có những đôi giày được các ca sĩ nổi tiếng trên thế giới đi, em cũng muốn sở hữu chúng”, Hùng tâm sự.
Được biết, hiện Hùng đang sở hữu một “gia tài” gồm 50 đôi giày hàng hiệu, từ Vans, Nike, Adidas hay xa xỉ hơn là đôi thể thao thêu họa tiết của hãng Gucci, có giá lên tới cả ngàn đô. Đôi rẻ nhất cũng 3-4 triệu đồng, đôi đắt nhất là 2.000 USD, tương đương với gần 45 triệu đồng tiền Việt.
Không chỉ Việt Hùng, một số bạn trẻ sinh năm 2000, 2001, 2002 cũng có sở thích tương tự. Họ tự lập ra một nhóm trên facebook chỉ để khoe những đôi giày mình mới tậu được, hay để trao đổi về những đôi giày mới ra mắt, những thương hiệu giày đắt đỏ mà giới trẻ đang săn lùng khiến không ít người phải trầm trồ, xuýt xoa.
“Bọn em không tiếc tiền mua những đôi giày hàng hiệu này, bởi nó không chỉ là thương hiệu mà còn là niềm tự hào. Không phải ai cũng có niềm đam mê, có điều kiện và có đủ hiểu biết về cách nhận biết những đôi giầy hàng hiệu. Đi những đôi giày này, bọn em thấy “đẳng cấp” hơn hẳn”, Phạm Mai Ly, một cô gái trong nhóm chơi giày ngàn đô, chia sẻ.
Nói xong, Mai Ly liền mở điện thoại khoe những bức ảnh chụp tủ giày của mình, sơ sơ cũng tới 20 đôi thể thao, đôi nào cũng thuộc tên vanh vách. Đôi rẻ nhất không có giá dưới 3 triệu đồng. Chưa kể, Ly còn đang “order” một đôi giày nằm trong bộ sưu tập giới hạn có giá tới 17 triệu đồng.
Thú chơi mới xa xỉ
Theo Nguyễn Ngọc Anh, một người chuyên nhận order giày xách tay tại Vương quốc Anh, chị có hơn 100 khách hàng thân thiết với tần suất đặt giày đều đặn trung bình khoảng 1 đôi/tháng/khách, trong đó, có những khách còn đặt tới 3-4 đôi/tháng. Đối tượng khách hàng thường xuyên đặt giày của chị phần lớn là học sinh, sinh viên, có những người mới chỉ ở độ tuổi 15, 16 tuổi.
“Hầu hết các em đang đi học, gia đình có điều kiện nên thoải mái mua sắm những gì mình thích. Có những em đặt hàng của tôi đến quen mặt”. Ngọc Anh tiết lộ: "Điều các ‘thượng đế’ quan tâm không phải giá tiền, mà phải đẹp, độc, lạ và nhất định phải là hàng hiệu".
"Có một cậu học sinh học trường quốc tế ở Hà Nội là khách ruột của tôi. Năm nay tôi lưu sổ, chỉ trong vòng 8 tháng trời mà cậu ấy order đến 21 đôi giày hàng hiệu. Đôi rẻ nhất 5 triệu đồng còn đôi đắt nhất là trên 10 triệu đồng", chị Ngọc Anh cho hay.
Thừa nhận trào lưu này, anh Nguyễn Phúc Đạt, chủ một cửa hàng giày nằm trên đường Nguyễn Lương Bằng (Đống Đa, Hà Nội), nói thêm, cửa hàng của anh chủ yếu bán giày xách tay nước ngoài về, mỗi đôi trung bình 2-3 triệu đồng, đắt hơn thì khoảng 5 triệu đồng. Còn những đôi đắt đỏ, giá tới cả chục triệu, nếu khách có nhu cầu thì chỉ cần đặt tiền sẵn, anh sẽ lùng mua cho bằng được.
Theo anh, mới cuối năm ngoái, có em học sinh cấp 3 của một trường quốc tế, ăn nói rất lịch sự, chồng sẵn một tập 500.000 đồng để nhờ anh đặt mua đôi giày Yeezy Boots Low sản xuất giới hạn. Đôi đó có giá niêm yết trên website là 200 USD, tương đương hơn 4 triệu đồng, nhưng do được sản xuất hạn chế, ra mắt nhỏ giọt nên đẩy giá ngoài chợ đen lên tới 15 triệu đồng.
"Khoảng gần một tháng sau có giầy, em học sinh cấp 3 đó hớn hở đến nhận giày về và đặt tôi mua thêm cho một đôi giày thể thao nữa với giá gần 7 triệu đồng", anh Đạt chia sẻ.