Hạ sốt càng sâu càng yên tâm?
Chị Nguyễn Phương Linh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, con chị bị sốt vi rút, thời gian tái sốt rất nhanh, uống thuốc hạ sốt chưa kịp hạ, mới xuống khoảng 1 độ, người vẫn còn hâm hấp nóng thì lại đến đợt sốt tiếp theo nên chị rất vất vả chườm hạ sốt, nơm nớp lo con bị co giật.
Nghe mọi người mách nước, chị mua thuốc có hoạt chất ibuprofen cho con uống. Quả nhiên, hạ sốt sâu hơn, thời gian tái sốt cũng lâu hơn.
Theo BS Đỗ Thiện Hải, tâm lý bố mẹ lo lắng trước cơn sốt của trẻ là rất phổ biến. Nhiều trẻ chưa đến mức hạ sốt (khi nhiệt độ lớn hơn hoặc bằng 38 độ thì mới phải hạ sốt) đã hạ sốt; hoặc đang dùng thuốc paracetamol rất lành, nhưng hạ sốt không sâu, thời gian tái sốt nhanh là cuống cuồng tìm loại thuốc khác thay thế, chỉ để giải quyết cho tâm lý lo ngại của cha mẹ mà không lường hết được nguy hiểm.
“Như ibuprofen, thời gian qua, sau vụ dịch tay chân miệng rất nhiều người, cả cha mẹ, nhân viên y tế hay dùng loại thuốc này. Nhưng thuốc này chỉ tốt với bệnh tay chân miệng do vừa hạ sốt, vừa chống viêm, giảm phản ứng viêm. Trong tay chân miệng, cơ chế gây bệnh là tăng đáp ứng viêm thì mới đỡ. Còn với sốt do nguyên nhân khác rất nguy hiểm. Tôi gặp nhiều trường hợp em bé ho, nôn ra máu vì uống loại thuốc này”, BS Hải cho biết.
Nguyên nhân là vừa qua, miền Bắc đang ở dịch sốt xuất huyết. Có nhiều trẻ sốt bác sĩ kê paracetamol để hạ sốt nhưng không đỡ, bố mẹ tự chuyển qua ibuprofen rất nguy hiểm. Do khi trẻ bị SXH, tiểu cầu giảm rất nặng, dùng thuốc này bị ảnh hưởng đến đông máu thì nguy cơ chảy máu càng cao hơn, thậm chí có em bé chảy máu ào ạt. Đã từng tiếp nhận bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết ngày 3 - 4, sốt cao 39 - 40 độ, dùng paracetamol không hạ sốt hiệu quả mẹ em bé đã chủ động đổi thuốc. Đến ngày thứ 2 nôn ra máu, vào viện dừng thuốc là hết vì may mắn bị chảy máu nhẹ vùng họng. Còn nếu chảy máu nặng, ở cả đường tiêu hóa, chảy 1 - 2 tiếng gây tụt huyết áp, e bé sốc có thể tử vong ”, BS Hải nói.
Ngay với sốt vi rút thông thường thuốc này cũng không được khuyến cáo dùng, bởi sốt là phản ứng tốt của “cơ thể trước một nguyên nhân gây bệnh. Khi sốt, các hoạt động chuyển hóa của cơ thể tăng lên, huy động hệ thống bảo vệ cơ thể. Trong khi nhiệt độ cơ thể trẻ đang lên cao, người lớn can thiệp hạ sốt nhanh thì khả năng bảo vệ, huy động nguồn lực của cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh sẽ bị kém đi. Vì thế với sốt vi rút cũng không khuyến khích hạ sốt quá sâu, chỉ xuống dưới 38,5 độ để tránh nguy cơ co giật. Ở nhiệt độ đó, vi rút có vẻ lại giảm đi nhanh hơn.
Loại thuốc hạ sốt thứ 2 mà BS Hải cảnh báo, được sử dụng rất phổ biến ở các vùng quê, vì giá rẻ, hạ sốt tốt, đó là nhóm thuốc chứa chlorpeniramine trong các gói như Babyblec, Babymon. BS Hải đã từng gặp 2 trường hợp bệnh nhi ngưng thở vì uống loại thuốc hạ sốt này. Bởi đây là nhóm thuốc cần theo chỉ định của bác sĩ, không nên dùng, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi vì thuốc có cơ chế có thể gây ngừng thở.
Hạ sốt an toàn cho trẻ
Bác sĩ Hải cho biết, loại thuốc được ưu tiên dùng, ít tác dụng phụ với trẻ nhất vẫn là paracetamol với liều 15/kg cân nặng từ 4 - 6 tiếng uống một lần khi trẻ sốt 38,5 độ trở lên.
Khi dùng thuốc đúng liều, các mẹ cũng cần phải kiên nhẫn vì cái gì cũng cần có thời gian. Với thuốc hạ sốt paracetamol sau uống khoảng gần 1 tiếng thuốc mới bắt đầu phát huy tác dụng và hạ sốt dần. Trong thời gian chờ thuốc có tác dụng, cha mẹ có thể chườm ấm cho trẻ vùng nách, bẹn để hạ sốt, cho trẻ uống nhiều nước oresol, nước trái cây cũng có tác dụng hạ sốt. Trong mùa đông, khi bé sốt không nên ủ chăn, nhiều quần áo. Có gì bất thường khó phát hiện khi em bé nằm trong đống chăn, quần áo.
Khi dùng thuốc hạ sốt, không đỡ, đặc biệt vẫn trên 39 độ thì nên đưa trẻ đến Trung tâm y tế để theo dõi để tránh nguy cơ co giật. Tuyệt đối không tự ý dùng phối hợp thuốc, không dùng các nhóm hạ sốt khác ngoài paracetamol nếu chưa được bác sĩ chỉ định để phòng rủi ro, nguy cơ cho trẻ.