Tranh luận về cách dạy và học nhân bài văn duy nhất đạt điểm 10

Tranh luận về cách dạy và học nhân bài văn duy nhất đạt điểm 10
TPO - Hiện tượng bài văn duy nhất trên cả nước trong kỳ thi ĐH-CĐ vừa qua đạt điểm 10 lại quá giống với bài văn mẫu đã gây sự chú ý của bạn đọc. Cách dạy văn, học văn, ra đề thi và chấm thi đang được nhiều bạn đọc đề cập tới. Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

>> Từ điểm 10 Văn, nhìn lại phương thức giáo dục

>> Toàn văn bài thi văn đạt điểm 10

>> Thi cử như hiện nay là khuyến khích học vẹt

>> Bàn tròn trực tuyến : Để học sinh rung động trước những áng văn hay

>> Diễn đàn : Giải pháp nào cho chất lượng giáo dục ?

Ý kiến bạn đọc

Tên: Đỗ Hải Vương

Tôi muốn chia sẻ

Ngay sau khi đọc bài báo về thí sinh duy nhất đạt điểm 10 môn Văn trong kỳ thi đại học vừa rồi, tôi thực sự phấn khởi và đã có nhiều thiện cảm với tác giả bài văn. Lập tức, tôi chép nguyên bài báo và đưa lên Blog ( Nhật ký điện tử) của mình. Vậy mà hôm nay, sau khi biết tin này tôi hoàn toàn thất vọng.

Năm nay tôi 23 tuổi, làm việc trong ngành CNTT, nhưng thời còn học phổ thông môn Văn là môn học tôi rất yêu thích bên cạnh những môn tự nhiên khác. Điểm làm Văn của tôi luôn luôn cao nhất lớp, bài làm của tôi luôn được đọc trước lớp. Tôi rất hãnh diện vì điều đó, không phải hãnh diện vì điểm cao mà vì những tìm tòi, đầu tư của mình cho bài làm đã đạt được thành quả tốt. Nói thật, tôi rất ghét Văn mẫu, trong suy nghĩ của tôi Văn là phải sáng tạo, phải có cái hồn của người viết, cho dù là văn nghị luận hay là cảm nhận các tác phẩm văn chương.

Suốt thời gian phổ thông, tôi chưa bao giờ có trong tay một cuốn văn mẫu, không phải vì văn mẫu không tốt mà tôi sợ khi đọc văn mẫu tôi sẽ đánh mất mình, nếu không lấy cắp thì cũng sẽ ảnh hưởng đến những ý tưởng trong đó. Mà tôi thì rất cần sự sáng tạo. Thế nhưng có một điều tôi không hề biết là nếu không đọc văn mẫu, tôi cũng chỉ sáng tạo được trong những lý lẽ của một bài nghị luận, cách hành văn, cách dẫn dắt, mở đầu và kết thúc bài văn mà thôi.

Còn để cảm nhận một bài văn thì sao? Tôi hoàn toàn lệ thuộc vào bài giảng của giáo viên và bắt buộc phải làm như vậy nếu muốn được điểm. Tối đã tỉ mẩn ghi chép đâu là giá trị nghệ thuật, đâu là giá trị nội dung, tính cách nhân vật A này thế nào, thể hiện qua những đoạn thơ câu văn nào ... và cuối cùng thì phải học thuộc tất cả.

Rõ ràng một bài văn với những vấn đề đó, những nội dung đó thì lấy đâu ra đất để thí sinh khi làm bài có những cảm nhận riêng của mình, mà nếu có ai nhỡ viết một vài câu khác với những gì đã được giáo viên cho chép, thế nào cũng được highlight kèm theo một vài dòng nhắc nhở.

Văn, theo tôi là một môn học rất hay trong quá trình hình thành nhân cách và thẩm mỹ của con người. Khi phân tích một bài văn, tính cách nhân vật sẽ được người học tiếp thu, tính cách đó sẽ giúp người học suy nghĩ để hoàn thiện mình hơn. Những đặc sắc nghệ thuật của bài văn, bài thơ sẽ hình thành nên các giá trị thẩm mỹ cho người đọc. Vậy dạy văn phải là việc hướng dẫn người học khám phá ra các giá trị đó, những bài văn được giới thiệu trong chương trình là công cụ, ví dụ để giúp người học học cách cảm nhận văn chương.

Vậy mà lối học và " cảm nhận văn chương" trong môi trường giáo dục của ta thì sao? Chương trình quá nhiều, quá cồng kềnh giữa các tác phẩm và số tiết học. Để chạy chương trình, giáo viên bắt buộc phải đọc và chép và bắt học sinh phải học thuộc lòng. Không có một sự định hướng, không có một hướng dẫn nào cho sự cảm nhận mà thay vào đó là ép học sinh phải cảm nhận theo giáo khoa.

Về phía người học cũng vậy, lối sống thực dụng ngày càng ăn sâu vào mỗi học sinh. Học phải là học Toán, Lý, Hóa chứ ai lại học Văn, có chăng chỉ là đối phó. Một tác phẩm văn học học sinh chưa bao giờ đọc hết một nửa, vậy mà có thể đọc vanh vách các dẫn chứng. Người học cũng không cần thiết phải đầu tư gì nhiều, mọi thứ đã có giáo viên lo, cho ghi chép vào tập. Cứ học như vậy để đủ điểm đạt tiên tiến, thi tốt nghiệp thì điểm Văn bao giờ cũng trên bảy điểm. Nếu có thi đại học, thì cũng bao nhiêu đó mà làm, có cần suy nghĩ gì thêm đâu.

Nhưng lỗi không nằm ở người học lẫn người dạy mà lỗi nằm ở khâu quản lý. Bệnh thành tích lâu nay đã đè nặng lên đầu giáo viên, giáo viên lại gây áp lực lên học sinh, học sinh là nhỏ nhất rồi, đành đè lại lên đầu mình, biến nó thành con vẹt. Hệ quả của nó là một chuỗi những lối sống tầm thường, những gu thẩm mỹ và thị hiếu tầm thường đang đầy rẫy trong xã hộ ta.

Bản thân tôi và nhiều người nữa rất cần sự cải cách, cách đánh giá môn học này từ những người có trách nhiệm.

Tên: Trinh Vũ Dũng

Đã có quá nhiều bình luận về bài văn điểm 10 trong kỳ thi tuyển đại học 2006 này, tôi xin phép chỉ nói thêm 1 ý và 1 đề xuất : - Học trò đạt điểm 10 này hoàn toàn không có lỗi. - Phải chăng đã đến lúc thay vì thi môn văn bằng môn thi tiếng Việt. Những cái còn lại xin dành cho các nhà quản lý giáo dục và những nhà nghiên cứu khao học xã hội xem xét. Chỉ có thể nêu hiện tuợng trong các Trường ĐH hiện nay là : Ngữ pháp tiếng Việt của sinh viên sai nhiều lắm. Trân trọng.

Tên: ĐOÀN VĂN NGHIÊU

Có thể nói kết quả của kỳ thi tuyển vào Đại học, Cao đẳng với kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT cho thấy đây là hậu quả của nền giáo dục nước nhà trong nhiều năm qua chỉ lo chạy theo chủ nghĩa hình thức mà quên đi trọng trách của khâu chuyên sâu đào tạo nguồn năng lực và nhân tài cho Quốc gia.

Mới đây Quốc Hội đã sớm phát hiện và đã có những điều chỉnh bước đầu là tìm ra người đứng đầu chịu trách nhiệm cải cách nền giáo dục đang mắc bệnh trầm kha này.

Đây mới chỉ là thay một cái đầu (Người đứng đầu). Nhưng nếu chúng ta không có gíải pháp thay máu (cải cách khâu tổ chức, quản lý, dạy và học) thì liệu có làm thay đổi kết quả như ý. Mặt khác thay máu mà không lột xác (vẫn để y nguyên một số cán bộ giáo viên bảo thủ trong soạn thảo giáo trình, soạn thảo sách giáo khoa, cũng như không chấn chỉnh thay đổi số giáo viên không có đủ tư duy, năng lực trách nhiệm trong giảng dạy) liệu kết quả có khả quan?

Thiết nghĩ: Người làm công tác giảng dạy ngoài kiến thức văn hoá, kiến thức chuyên môn phải có, còn phải chú trọng nâng cao năng khiếu sư phạm. Đây được coi là những yếu tố quan trọng để truyền đạt kiến thức đến các em học sinh một cách hiệu quả nhất.

Còn nhớ vào những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước: Khi học sinh tham dự ở tất cả các kỳ thi môn văn các em chỉ phải làm một bài văn viết ở đó thông qua cấu trúc câu, bố cục bài và diến giải nội dung, thể hiện chủ đề là Thầy Cô chấm đã có đủ cơ sở để đánh giá kiến thức về trình độ văn phong, ngữ pháp và kiến thức lý luận văn học cũng như khả năng tư duy văn học của các em.

Trong khi đó hiện nay hầu hết ở các kỳ thi môn văn thường cho ra đề manh mún, thiếu tập trung, phân tán kiến thức. Trong khi một bài văn viết thiếu đi hẳn phần hồn chỉ còn lại những ý theo hệ thống gạch đầu dòng của giáo viên giảng dạy là có thể chấm điểm cao. Như vậy đến bao giờ chúng ta mới có được những học sinh giỏi văn cùng với những bài văn hay. Hơn nữa việc học tập của các em bị khô cứng, thụ động, không phát huy được tính năng động sáng tạo và tư duy trong học tập nói chung, với môn văn nói riêng.

Thông qua một số giảng viên giảng dạy môn văn trên kênh truyền hình tôi thấy hầu hết các bài giảng không có hồn, ý tứ văn chương bị hạn hẹp bó khuân mà thiếu đi sự bay bổng trào lộng vốn có của môn văn. Như vậy làm người nghe dễ nhàm chán dẫn đến ngại học. Có thể nói năng khiếu giảng dạy môn văn đang cần phải khảo sát lại và có biệt pháp kích hoạt lên may ra mới có tác dụng trong điều kiện bùng nổ thông tin nghe, đọc như hiện nay.

Những ý trên đây chỉ là cảm nhận, tuyệt nhiên không có sự bài xích hay chỉ trích mà người viết chỉ muốn nêu tâm tư cùng với những băn khoăn của mình trước thực trạng của nền giáo dục nước nhà trong giai đoạn hiện tại.

Hy vọng sẽ là ý kiến xây dựng chân thành đến những người có trách nhiệm trong sự nghiệp "Vì hạnh phúc trăm năm trồng người". Mong sớm có biện pháp khoa học, tích cực nhất để nâng tầm đào tạo nguồn nguyên khí vô giá của Quốc gia đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị mà toàn Đảng, toàn dân đang mong đợi.

Tên: Pham Quang Thang

Tôi đã đọc hết bài văn mà thí sinh đạt điểm 10 duy nhất trong kỳ thi đại học năm nay 2006. Phải nói thật rằng đây là một bài viết hay, cách viết thật thông minh, câu từ gọn gàng sạch sẽ. Rất tiếc cho ai đó nói rằng đó là đạo văn.

Chúng ta nên khuyến khích các tài năng tương lai của đất nước, đừng vô tình làm các em nghĩ sai về suy nghĩ của người lớn. Dù có chép lại y hệt bài văn mẫu trong hoàn cảnh đặc biệt như trong phòng thi đại học thì đó cũng là bài văn xứng đáng đạt điểm 10. Hãy nên dành thời gian nhiều hơn động viên cho những tương lai của đất nước.

Tên: Trần Thu Hà

Tôi là một người ngoại đạo của ngành giáo dục. Tôi không biết chính xác barem điểm thi môn văn trong kỳ thi đại học vừa qua. Tuy nhiên, đọc bài văn điểm 10, cũng như đọc phần bình luận của hai giáo viên chấm bài, đọc một số bài bình luận của một số giáo viên khác, tôi có cảm tưởng rằng mặc dù cần có barem cụ thể cho từng môn thi để thuận lợi cho người chấm điểm và cũng tạo ra công bằng cho các thí sinh, nhưng đối với môn văn mà xây dựng barem cụ thể đến từng 0,25 điểm cho mỗi ý và trọn vẹn cho đến tận điểm tối đa - 10 điểm là một điều vô cùng phi lý.

Văn đi liền với nhân. Văn là biểu hiện của tình cảm của con người. Viết văn cần có cảm xúc riêng của người viết (cho dù cảm xúc đó là ướt át hay khô khan, ngắn gọn, xúc tích hay dài dòng; dào dạt, bay bổng hay cục mịch, hững hờ...).

Vậy thì theo tôi đề thi cũng cần dành "đất" cho người viết được bộc lộ cảm xúc riêng, cũng như dành "đất" cho người chấm được quyền cảm nhận cái hay, cái đẹp trong bút pháp của người viết bằng chính cảm xúc của người chấm chứ. Nếu đề thi có barem (có lời giải sẵn) cụ thể đến tận 10 điểm, thì theo tôi, nếu bài thi của em Hoàng Thuỳ Nhi đáp ứng trọn vẹn barem đó, em xứng đáng được 10 chứ.

Ngay cả khi thực sự bài văn của em coppy nguyên văn bài văn mẫu. Vấn đề là ở chỗ em đã học thuộc và đủ những nội dung cần thiết để trả lời đúng yêu cầu của câu hỏi. Trong trường hợp này, chúng ta cần đặt trong tình huống giống như em thi những môn khác như môn sử chẳng hạn. Và nếu như vậy thì lời nhận xét cũng như điểm chấm của hai thầy giáo chấm bài là hoàn toàn đúng.

Nói hơi quá, trong thời tiết nóng nực như vậy, trong tình huống phải đọc và chấm bài của hàng trăm, hàng nghìn thí sinh, có những người thậm chí không viết nổi một câu ra hồn và cho đúng chính tả, thì một bài viết đủ ý, có những cảm xúc nhất định (cho dù là sao chép) và đặc biệt là có lối văn phong rõ ràng, mạch lạc và chữ đẹp nữa thì tại sao thầy không cho điểm tối đa được chứ.

Vậy điều cần bàn là phải cải tiến lại cách ra đề và chấm điểm môn văn. Nên chăng, barem điểm cho phần đủ ý chỉ cần khoảng 7 - 8 điểm, số điểm còn lại hãy để dành cho người viết và người chấm được quyền "thả hồn" mình vào bài văn. Khi đó, những bài văn được 7 -8 điểm cũng là cao rồi, và những bài được 9 - 10 điểm thì thực sự phải là những bài có cảm xúc đặc biệt, ý và lời văn phải bay bổng đưa người đọc đến những tầng cảm xúc tuyệt vời nhất. Điều này phải được thẩm định bởi nhiều người đọc chứ không phải chỉ là thiểu số những người chấm.

"Văn mình vợ người". Có thể một bài văn người này cho là hay nhưng người kia lại không cho là hay, chính là ở quan điểm về phần "đất" dành cho cảm xúc ấy. 

Điều đáng tiếc cho cô bé Thuỳ Nhi, vì lỗi của người khác, vì lỗi của cả một "cơ chế" giáo dục hiện nay mà phải chịu trận. Ở vào hoàn cảnh riêng cũng như lứa tuổi của Thuỳ Nhi, việc học thuộc những gì cần thiết để đáp ứng đủ barem cho 3 môn của kỳ thi đại học đã là một kỳ tích rất đáng ghi nhận rồi.

Xin chia sẻ một vài suy nghĩ với các bạn đọc khác cũng như với Thuỳ Nhi và các thầy cô giáo liên quan. Trân trọng!

Tên: Nguyen An Phuong

Cuon sach " ...van 12" la cuon sach ma nhieu nguoi deu biet. Chau Nhi da hoc va ghi nho de lam bai nhu vay la dang khen lam. Khong the goi la dao van duoc, vi chau khong thuoc gioi sang tac.

Dang suy nghi la doi ngu cac thay cham bai. Toi nghi rang, mot bai van duoc cong nhan la dat diem 10 thi khong the chi co 2 thay cham bai doc no ma phai rat nhieu thay da doc no. Vay ma mot cuon sach khong phai la hiem trong linh vuc chuyen mon cua minh, tat ca cac thay cung khong biet!?

Nhu vay la viec doc sach cua cac thay con it qua! Tat ca cac thay cham thi dai hoc mon van ma khong biet den mot cuon sach rat pho bien trong nghe day van thi that su la dang buon lam thay!?

Tên: Nguyễn Viết Phú

Tôi thấy cách soạn văn giáo trình, sách giáo khoa và môn Lịch Sử như hiện nay chỉ bóp chết tư duy và sáng tạo của học sinh mà thôi, vì giáo trình, dạy và học theo khuôn mẫu và hướng tư duy của người dạy và học theo lối nghĩ cứng nhắc của người và cơ quan soạn sách.

Nó không làm cho người học đánh giá độc lập theo quan điểm, tư duy sáng tạo và phát hiện mới, nó làm cho các thế hệ học sinh, sinh viên và giáo viên bị quen, ám thị theo lối của nhà Soạn sách, giáo trình.

Nói chung hầu như các bộ môn xã hội không hiện nay (về giáo trình, dạy và học) không làm cho con người có tính đánh giá, tư duy một cách độc lập.

Tên: Hà Minh Đức

Nhiều bạn đọc và giáo viên đã có nhiều ý kiến xung quanh bài văn này, riêng tôi sau khi đọc bài văn thấy rằng không khó khăn gì khi nhận thấy bài văn được viết theo một khuôn mẫu mà không thể hiện tư duy sáng tạo bay bổng như người chấm đã nhận xét.

Hai câu kết ở bài Sóng và Rừng xà nu có thể nói là chỉ thay từ ngữ mà không có sự sáng tạo trong nhận định về Nhà thơ Xuân Quỳnh và Nhà văn Nguyễn Trung Thành.

Qua bài văn này chúng tôi thấy buồn về cách dạy và học thời nay. Các em học sinh chỉ tư duy theo khuôn mẫu, như chính em Nhi đã nói là đọc nhiều văn mẫu thì sẽ có những ý tưởng trùng lặp. Vậy thì ý tưởng trong bài văn của em là của văn mẫu chứ đâu phải tư duy sáng tạo.

Cách chấm bài của của các thầy cũng phải nên xem lại để các em không bị thiệt thòi khi viết bài bằng chính cảm xúc của mình nhưng lại không giống hệt như đáp án, và như vậy tất nhiên không bao giờ đạt điểm cao.

Tên: Vũ Anh

Tôi nhớ đến Ac-si-met khi đọc bài văn đạt điểm 10!

Tôi đã đọc rất kỹ bài thi của em Nhi, và.... Hãy cho tôi một "đáp án", tôi sẽ "trở thành một Nhà Văn". Xin lỗi Nhà bác học vĩ đại, nhưng buộc tôi phải mượn lời của ông, và nếu như có ai đó đồng tình, ủng hộ cho "áng văn hay" đã được thể hiện lại trong bài thi của em Nhi thì tôi cũng dám chắc, Việt Nam sẽ trở thành một Quốc gia sở hữu nhiều Nhà Văn vĩ đại nhất thế giới khi có "đáp án".

Và vậy, sẽ chẳng bao giờ có những Victor Hugo hay Nguyễn Trãi nữa. Nền Văn học của Việt Nam sẽ trông dựa vào những "thần đồng Văn học" như thế này sao?

Tên: Hoàng Chất

Ý kiến phụ huynh thí sinh Hoàng Thuỳ Nhi

Mấy ngày gần đây, con gái tôi, Hoàng Thuỳ Nhi, thí sinh đạt điểm 10 môn Văn trong kỳ thi tuyển sinh vào đại học Đà Nẵng, đã được các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận nhắc nhở đến tên nhiều lần. Đó là một vinh dự cho con tôi và gia đình chúng tôi.

Bây giờ dư luân đã lắng xuống, chúng tôi có mấy điều xin thưa : Việc một thí sinh đạt điểm tối đa về một môn học trong một kỳ thi là bình thường. Trước khi đi thi, học sinh nào cũng phải ôn tập bài vở trong các sách mẫu của các bậc thầy; ôn tập càng kỹ càng tốt. Việc đó đáng khen.

Tại phòng thi, trong bầu không khí căng thẳng, với thời gian hạn chế, nếu trúng đề, thí sinh viết lại với câu chữ rõ ràng, ý tưởng phân minh, không đi lạc đề, lại là một điều đáng khen nữa.

Bài văn của thí sinh tại phòng thi không phải là một luận án tiến sỹ mà đòi hỏi một cách tuyệt đối phải có sáng tạo. Lẽ dĩ nhiên, nếu có đôi chút sáng tạo thì tốt.

Sau khi đọc được một vài ý kiến cho rằng bài thi con chúng tôi "giống như đúc" bài luận mẫu, là "đạo văn", là "học vẹt", chúng tôi đã tìm đọc bài mẫu số 84 có đề giống y đề thi trong sách "99 bài văn" của Tạ Đức Hiền, chúng tôi thấy bài thi của con chúng tôi có phần thêm, phần bớt.

Tuy nhiên những phần thêm phần bớt ấy vẫn làm cho người đọc thấy ý tưởng bài văn nhất quán. Ngoài đề "Sóng" hiện đáng nổi sóng, ở hai đề còn lại, con chúng tôi vẫn viết với một văn phong y như ở đề "Sóng". Ý tưởng ở phần giải 2 đề này vẫn xuôi mạch thông suốt, câu chữ vẫn rõ ràng. Nhờ thế, đã chinh phục được sự chú ý đặc biệt của 2 giám khảo.

Chúng tôi nghĩ một số vị đã viết, phát biểu nào là : "giống như đúc bài văn mẫu ", nào là "đạo văn" (đạo nghĩa là ăn trộm) nào là "học vẹt" (vẹt là con vật chỉ biết nhái lại mà không biết suy nghĩ). Chúng tôi không biết khi phát biểu quí vị có ẩn ý gì ? Quý vị có biết lời nói quý vị tác hại đến tinh thần một học sinh non trẻ đến mức nào không ?

Tên: Nguyễn Thanh Tuấn

Tôi thiết nghĩ rằng, bài văn điểm 10 của thí sinh trong kỳ thi ĐH 2006 vừa qua chưa nói lên vấn đề gì cả. Nếu cho rằng nó quá giống với bài văn mẫu, thì giống ở điểm, chi tiết nào ?

Và hãy đứng nhìn cục diện một cách khách quan nhất rồi mới đưa ra kết luận chung nhất, chính xác nhất. Phải xử lý trường hợp này một cách công bằng để không bị oan sai cho một bên nào cả vì xung quanh bài văn này có rất nhiều thông tin trái ngược nhau vừa khen vừa chê không biết đâu mà lần gây ra sự hiểu nhầm trong dư luận ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh những lớp tiếp sau và cả trong quần chúng.

Mong rằng qua đây Bộ Giáo Dục có những điều chỉnh cho cách dạy và học không hợp lý đã gây ra nhiều bất cập cho giáo viên và học sinh mà báo chí đã nêu lên trong những số báo vừa qua.

Tên: Một độc giả

Thứ nhất:Theo tôi, tất cả ý kiến của chúng ta đều chỉ là ý kiến,tựu trung lại là xoay quanh nền Giáo dục của chúng ta trong thời gian gần đây (Theo tôi là cực kỳ xuống cấp).Quan trọng là những nơi, những người trực tiếp liên quan đến vấn đề này có nhận được, có hướng xử lý được hay không?

Thứ hai: Bài văn, hay bất kỳ bài thi môn nào đó, nếu làm đúng theo barem, vẫn xứng đáng nhận được điểm số tương ứng.Vấn đề đáng nói là công đoạn bài giảng-ra đề-barem-chấm điểm. Tôi không đồng ý, đặc biệt không hiểu ai đó khi gọi bài thi đó là ĐẠO VĂN thì thực ra họ có hiểu ĐẠO VĂN là gì không?

Thứ ba:Không được động đến, nhắc đến một cách tiêu cực đối với thí sinh làm bài thi đó. Hãy động viên, khuyến khích tương lai của đất nước một cách tích cực hơn nữa.

Duc Huy

Loi hoan toan khong phai tai hoc sinh !

Toi xin loi vi khong co phong danh tieng Viet, nen gui den toa soan bang cai tieng Viet khong dau nay nhe. Toi da doc tren bao tien phong ve bai thi dat 10 diem van duy nhat.

-Ban dau toi hoi bang hoang vi thay hoc sinh nay viet tai qua, sau khi doc het doan ket cua cau

2- toi phat hien ngay la co van de roi, buc mat ca tuan nay.

 -Toi da voi doc tat ca cac bai binh tren bao dien tu cua Tien phong, y kien cua toi la the nay: Loi hoan toan khong phai tai hoc sinh ! 

-Vay thi LOI TAI AI????? Tai thay giao?-Khong phai! vi thay giao cung tung la hoc sinh thoi

-Loi tai Bo GD & DT?- Khong phai u?

-AI LA NGUOI DUNG CAM DE TRA LOI CAU HOI NAY? HAY LA KHONG MOT AI CO DU TRINH DO DE TRA LOI? Vi de chua duoc benh thi Bac si , viec dau tien la phai tim ra can nguyen cua benh, chu cu di chua trieu chung thi lam sao khoi duoc.

Tên: Trần Tuấn

Thời tôi đi học, làm gì có những bài văn mẫu, chỉ có tham khảo những bài văn hay của học sinh giỏi, xuất sắc được in thành quyển tuyển tập. Vâng cả học sinh làm bài và thầy giáo chấm bài đều phải suy nghĩ, cảm thụ. Trò làm bài văn thể hiện kiến thức, sáng tạo của mình. Thầy cũng phải cảm nhận kiến thức của trò, và tham chiếu với đáp án để chấm bài thi.

Còn đối với bài văn như đã đăng tải, hay dở thì đó là quan điểm, mục tiêu đào tạo của ngành GD, chứ không thể đem bài văn này để tán thưởng hoặc chỉ trích được trên các mặt báo được, khi không xác định được thí sinh vi phạm quy chế, hoặc đạo đức... còn khen bài văn hay thì hay ở chỗ nào, hay ở chỗ học theo đáp án, hay ở sáng tạo văn học, mà chính thày chấm bài còn không nhận ra được.

Tên: Đỗ Anh Tuấn

Tôi hoàn toàn đồng ý với điểm 10 của em Nhi. Tôi thực sự bất bình với một số ý kiến của độc giả và đặc biệt là của tác giả một số bài báo. Chúng ta thử đặt hoàn cảnh chúng ta là em Nhi mà xem - hoàn cảnh của một thí sinh đi thi đại học. Liệu chúng ta có làm được như vậy không.

Theo tôi em Nhi làm được bài văn như vậy là quá xuất sắc, kể cả nội dung bài làm có gần trùng lặp với nội dung của một bài văn mẫu vì em Nhi đã thuộc bài!

Tôi nghĩ rằng tất cả những ai đã từng đi thi đại học thì cũng đã từng học môn Văn học, đặc biệt là các nhà báo chắc chắn đã từng thi môn Văn học trong kỳ thi vào đại học thế mà lại có những bài viết, những nhận xét thiếu tính hiểu biết thực tế và thiện cảm về bài thi của em Nhi.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng mỗi chúng ta nói điều gì, làm điều gì cũng phải có cái tâm, phải có suy xét cho đúng, hợp lý và đặc biết là phải có trách nhiệm.

Tên: Phạm Thanh Hà

Lỗi ở người dạy

Tôi đã đọc bài văn được điểm 10 của thí sinh và đã đọc các bài tranh luận về bài văn này trên các trang Web. Theo tôi, bài văn này thực sự chưa phải là áng văn "hay". Nó mang tính công thức theo các bài văn mẫu.

Nhưng biết nói thế nào khi MỤC TIÊU cần đạt được của thí sinh khi đi thi tuyển là phải GIÀNH ĐƯỢC ĐIỂM CAO để vào trường. Mà thày chấm cứ theo đáp án của bài thi để chấm điểm. Ở đây cũng cần thấy những lỗ hổng trong dạy và học văn cũng như các môn học khác mà các báo đã nêu rất nhiều từ nhiều năm nay đã làm cho tính sáng tạo của học sinh bị thui chột đi.

Tôi mong muốn qua sự việc này, bộ Giáo dục - Đào tạo cần xem xét lại ngay việc dạy và học và có một cuộc cách mạng trong giáo dục dù phải đau đớn.

Tên: VÕ HƯƠNG GIANG

Lúc em học lớp 12, có bạn trong lớp làm bài văn nhưng y chang trong sách văn mẫu, chúng em đã rất tức vì bạn ấy được điểm cao. Trong khi đó em và một số bạn làm bài bằng thực lực thì chỉ được bằng điểm như vậy. Vậy bài văn điểm 10 cũng thế thôi có khác gì trường hợp của em đưa ra đâu?

Các bạn khác làm bài bằng chính sức của mình , bằng cảm xúc và tất cả lòn quyết tâm thì sao? Phải chấp nhận kết quả như vậy sao ? Thật không công bằng khi chấm thi như thế.

Như vậy niềm tin của chúng em về các thầy cô có còn không ? Rồi sau này các thế hệ sau sẽ làm văn bằng văm mẫu hay bằng cảm xúc đây ?

Tên: Phạm Hồng Hà

Tôi xin có thêm vài ý kiến nhỏ về bài văn của em Nhi và việc dạy, học văn: Thứ nhất, tôi đánh giá cao khả năng của em Nhi và nếu em làm bài đúng đáp án thì điểm 10 là hoàn toàn xứng đáng.

Xin nhớ rằng đây là một kì thi tuyển sinh Đại học, để kiểm tra kiến thức các em đã được học ở phổ thông, và để đánh giá, so sánh hàng vạn thí sinh theo một thang chung nên xin đừng lạc đề sang các lĩnh vực khác. Để hiểu về một tác phẩm văn học cho trọn vẹn đã là một việc rất khó, nó đòi hỏi sự trải nghiệm và tri thức tổng hợp.

Vậy nên, ở một góc độ nhất định, tôi thấy nếu các em học sinh mà chịu khó 'học thuộc' được những gì những người đi trước đã tích luỹ và tổng kết thì đã là quí lắm rồi, các em đâu chỉ được dạy vài ba tác phẩm mà học thuộc.

Xin có một câu hỏi: Nếu không có một sự yêu thích nhất định thì liệu chúng ta có đủ kiên nhẫn để học thuộc không? Đây không phải là một tác phẩm nên không thể qui kết tội 'đạo văn' cho em Nhi được.

Thứ hai, đành rằng ai cũng đòi hỏi, hô hào sáng tạo, có cái mới, độc đáo, sợ nếu chỉ biết rập khuôn thì sẽ xáo mòn... nhưng xin hỏi: Không bỏ công sức trèo lên để "Đứng trên vai người khổng lồ" (như Newton đã nói) thì sáng tạo cái gì, nhìn rộng ra được cái gì, hay lại quay lại 'sáng tạo' những thứ mà người ta đã làm ra từ hàng vài thế kỉ trước? Xin hãy tập đứng và đi cho vững trước khi bàn đến chuyện chạy nhảy.

Về mặt 'kĩ thuật' cán bộ ra đề chỉ được phép hỏi sao cho với vốn kiến thức phổ thông, thí sinh có thể hoàn thành bài thi trong vòng 3 giờ đồng hồ. Giả thiết rằng có đề thi yêu cầu thí sinh tự sáng tạo tối đa, vậy với những môn giàu tính xã hội- nhân văn như môn Văn, chúng ta sẽ dùng qui chuẩn gì để so sánh, đánh giá đây?

Tôi lại xin hỏi thêm một câu: Liệu một luận án Tiến sĩ Văn học giả sử không tham khảo bất kì một tài liệu nào (điều này hơi phi lí) thì bàn được bao nhiêu phần về ba tác phẩm này? Vậy nên hãy làm thế nào để cán bộ 'dám ra đề' và thí sinh 'dám đi thi' với vốn kiến thức phổ thông.

Thứ ba, xin đề nghị một giải pháp nhỏ: Đề thi văn nên bố cục 6 điểm cho phần 'cứng', nghĩa là nếu thí sinh mà 'thuộc' được những gì đã được viết ra, tổng kết và thừa nhận chính thống thì sẽ đạt mức trung bình (5-6 điểm); 4 điểm còn lại dành cho phần 'linh hoạt, sáng tạo'. Trong 4 điểm đó, thí sinh có quyền tự chọn: 0-4 điểm cho khả năng nhận định, bình luận một vấn đề xã hội, một tác phẩm hiện thời (nên để một chuyện ngắn ngắn, một ý twởng, hoặc một nhận định hiện tại về thực trạng xã hội về cuộc sống, về trào lưu) hay 0-4 điểm cho khả năng sáng tác theo chủ đề...

Đến đây thì xin nhường cái khó trong việc dạy, ra đề và chấm bài cho các thầy cô, việc học thế nào cho hiệu quả của các em học sinh. Xin trân trọng cảm ơn!

Tên: Minh Trang

Theo tôi, em Nhi xứng đáng được điểm 10. Chúng ta không nên bàn cãi nhiều vì thực sự trong số biết bao nhiêu thí sinh thi chỉ một mình em Nhi làm được điều đó.

Mặc dù chúng ta không khuyến khích thí sinh học thuộc nhưng với cách dạy và học hiện nay buộc các em phải làm như thế. Đừng trách các em mà hãy xem lại cách dạy và học hiện nay. Chúng ta đừng phê phán nhiều quá mà đau lòng em, em đã bỏ biết bao thời gian và công sức để đạt được điều đó.

Tên: Hà Anh- Nghĩa hưng- Nam Định

Tôi đã đọc nhiều ý kiến của bạn đọc báo điện tư trên báo Tiền Phong, mục "Diễn đàn". Có nhiều ý kiến hay nhưng cũng không ít ý kiến quá khắt khe, chứ không nói là dở.

Tôi thật buồn khi hàng chục vạn thí sinh thi đại học môn văn, chỉ có một bài được điểm 10 mà còn có nhiều ý kiến chê trách...Chẳng thế mà rất nhiều học sinh ngại học văn!

Tôi thật tâm đắc với ý kiến của ông Nguyễn An Ninh ở Cục khảo thí và ý kiến của thạc sĩ Lê Thị Thu Trang. Theo tôi, chúng ta cần có cái nhìn công bằng hơn khi so sánh với các môn học khác và xu thế chung hiện nay.Chúng ta ai cũng đã có một thời đi học. Chúng ta đều phải học thuộc các định lí, tiên đề...của môn toán, các định luật.. của môn lý. Nói chung chúng ta vẫn phải học thuộc lòng kiến thức cơ bản của từng môn học. Nếu không chỉ cần sai một chữ của một định lí nào đó lập tức ta bị trừ điểm.

Vậy thì việc em Thùy Trang học thuộc kiến thức trong " kiến thức cơ bản văn 12" có gì mà phải bàn và chê nhiều như vậy. Nhưng cũng không hẳn là như vậy. Vì bài thi có ba câu, em Nhi đều làm tốt cơ mà. Câu mà nhiều người phê phán chỉ có 5 điểm. Chứng tỏ em không hoàn toàn " học vẹt", em có năng lực và nỗ lực rất lớn. Điều này chúng ta nên trân trọng và ghi nhận. Bởi vì em chỉ là một học sinh ở Trung tâm hướng nghiệp, không phải học sinh công lập cũng không phải học sinh ở trường chuyên, lớp chọn, càng không được học thêm, học nhiều như nhiều bạn khác có điều kiện.

Em chỉ là con một gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn. Tôi còn thấy ý kiến của chị Nguyễn Hồng Ngân có chỗ không đúng. Trong bài làm của Nhi có trích thơ " Sông không hiểu nổi mình/Sóng tìm ra tận bể"là đúng theo sách giáo khoa văn 12, chị lại bảo là sai, chắc chị không đọc sách văn 12. Cuối cùng tôi chỉ muốn nói rằng học sao để đạt điểm cao nhất, vào được đại học là đích duy nhất của học sinh bây giờ, mà điều này có phải em nào cũng làm được.

Tên: Bảo Ngọc

Tôi đã đọc toàn bộ bài văn của em Nhi cùng đề thi. Tôi cũng đã đọc gần hết những ý kiến góp ý của các quý vị. Cá nhân tôi nhận thấy nếu với đề thi như vậy thì điểm 10 của em Nhi là hoàn toàn xứng đáng, cho dù còn một vài lỗi nhỏ.

Phần lỗi nhỏ đó, theo tôi nó giống như hàng ngàn năm nay chúng ta vẫn ăn cơm và vẫn làm rơi vãi đôi hạt, nó càng thể hiện tính tương đối của vạn vật trên đời. Tuy nhiên, tôi thấy một vài vị có sự cực đoan, quá khắt khe trong đánh giá của mình, điều đó là không nên!

Hãy nhìn nhận một em bé dù là chép văn mẫu từ trong óc mình ra thì cũng là người tài năng vì trí nhớ hơn hẳn hàng ngàn người khác, đáng được khen ngợi. Đừng tưởng việc đọc và nhớ những điều cần thiết cho ta là học "vẹt".

Nếu 50% những người lớn đọc và nhớ được những điều cần thiết cho mình và xã hội rồi làm đúng như thế, nước ta phát triển như G8 từ lâu rồi! Đừng chê bai con trẻ nữa, hãy tự hỏi xem mình nhớ được bao nhiêu % luật giao thông, luật hình sự...

Tên: Nguyễn Hường

Tôi là người rất hay đọc báo và quan tâm đến các tin tức thời sự cũng như những tin tức nóng hổi của xã hội. Tôi thực sự bất ngờ khi những bài văn điểm 0 và cũng bất ngờ khi bài văn đạt điểm 10 của em Nguyễn Thùy Nhi

Tôi thấy, điều đáng nói ở đây không phải là do lỗi của em Nhi mà đó là sản phẩm tất yếu của phương pháp học đọc chép. Tôi là một cựu sinh viên của trường Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia HN. Từ nhỏ tôi đã rất yêu môn văn, vì nó cho tôi cái thư thái của cuộc đời, cho tôi cái khí phách để vươn lên. Chính vì vậy các bài văn của tôi chưa bao giờ dưới 7 điểm, nhưng tôi cũng chỉ có một điểm 10 duy nhất của môn văn đó là bài trả lời miệng.

Nói như vậy, việc một bài văn đạt điểm 10 là rất khó. Tôi thiết nghĩ, không biết các thầy cô khi chấm bài văn này có quá "phóng tay" không khi cho em Nhi điểm 10. Với tôi, văn không phải là công thức, là 1 + 1 = 2, mà là sản phẩm của trí tuệ.

Tôi đồng ý, nếu làm đúng đáp án thì bài văn hay có thể đạt 8, 9 điểm. Nhưng để đạt điểm 10, bài văn đó ngoài câu từ mạch lạc, đúng ý thì phải có tính sáng tạo trong văn chương. Nhưng đọc bài của em Nhi, tôi không nhận được tính sáng tạo trong đó. Tôi cảm nhận được về câu từ và mạch văn, nhưng những gì mà em Nhi viết thì tôi đã đọc được rất nhiều từ khi tôi còn là một cô bé học sinh cấp 3.

Khi vào Đại học, mặc dù lớp tôi có những bài viết thật xuất sắc, nhưng không mang tính chất nghiên cứu và không có tính sáng tạo trong đó thì bài viết đó chỉ có thể đạt điểm 7,8 mà thôi.

Chính vì vậy, theo tôi, văm học là bạn phải biết biến cái sách vở thành cái của chính mình. Câu từ đó không phải là của sách, của giáo sư, tiến sĩ mà phải là của cô cậu học trò. Một bài văn đúng chỉ cần đủ ý là được, nhưng một bài văn hay phải cần gửi gắm được ý tưởng của mình trong đó.

Tôi rất không đồng lòng với nhiều độc giả của báo nói rằng "Dù sao thì bạn Nhi cũng đã làmđúng với đáp án đề ra và xứng đáng điểm 10". Còn tôi, tôi không đổ lỗi cho bạn Nhi, nhưng tôi nghĩ, các thầy cô khi chấm bài này đã chấm theo sản phẩm đọc chép của các thầy, và với bài văn mẫu như thế, các thầy cô cũng đã không quan tâm đến sách vở nhiều lắm thì phải.

Tên: Đăng Khoa

Một bài văn hay được cho điểm 10 là chuyện bình thường của việc học và dạy học, thế nhưng cái gì ở đằng sau điểm 10 cho bài văn đó và việc Thầy, Cô Giáo chấm cho điểm 10 ấy mới là điều đáng quan tâm và suy nghĩ...

Sau khi đọc xong bài văn "lạ" được chấm điểm 10 tôi không thấy bất ngờ bởi nội dung của bài viết khá xúc tích, cảm xúc thơ, văn chặt chẽ và hơi lãng mạn, câu cú gọn, có âm hưởng của "sóng" Xuân Quỳnh.

Xin cảm ơn Cháu đã viết được phần lớn cảm xúc của Nữ thi sỹ Xuân Quỳnh khi viết Bài thơ này.

Những bất ngờ của người "Đọc" : Chẳng ai trách thí sinh tên Nhi đã viết được bài văn trong khoảng thời gian 180 phút hay đến vậy.Tuy nhiên tôi chợt nghĩ đến những lời biện luận trôi chảy, đễ nghe và rất thuyết phục của chương trình : "nữ sinh và tương lai" phát trên truyền hình trong thời gian gần đây của các nữ sinh Trung học phổ thông...nhưng người xem cũng sẽ thấy chối tai, ngượng ngùng, thậm chí ái ngại khi các nữ sinh và tương lai trả lời câu hỏi phụ của Ban Giám khảo...

Rõ ràng rằng các cháu học sinh của chúng ta đã được bố trí như một chiếc máy chỉ cần nhấn nút là phát ra những từ ngữ, âm điệu sẵn có từ trước mà thôi...còn khi biện luận thực sự thì chất lượng đến đâu chắc Các quý vị và các bạn cũng đã rõ.

Nghĩ đến việc Học và Dạy học hiện tại tôi thấy có nhiều điều cần suy nghĩ.Tôi cứ băn khoăn việc phân ban trong thời điểm hiện nay.Nếu gọi là đào tạo phổ thông thì phải đào tạo toàn diện tại, sao lại phân ban trong đào tạo phổ thông.

Và nếu muốn phát huy thế mạnh của học sinh với từng môn học thì nên chăng ta đào tạo phổ thông 10 năm - 02 năm còn lại phân ban để các cháu có dịp phát huy sở trường của mình... Vài suy nghĩ xin được bày tỏ cùng quý vị và các bạn.

Tên: Bùi Công Thuấn

Học sinh đạt điểm 10 bài văn vừa qua là hoàn tòan xứng đáng với công lao học tập của em. Lỗi không phải tại em , cũng không phải tại phương pháp dạy và học môn Văn ở Phổ Thông , mà lỗi hòan tòan do người ra đề .

Người ra đề đã không ý thức được rằng đào tạo ĐH là đào tạo ra những người biết sáng tạo. ĐH không đào người làm thợ, nghĩa là chỉ biết làm theo mẫu. Vì thế đề thi ĐH phải có yêu cầu đánh giá năng lực tư duy và khả năng sáng tạo của học sinh .

Kiểu đề của đề thi ĐH môn Văn vừa qua là kiểu đề kiểm tra kiến thức đã học, vì thế mới có bài làm lấy kiến thức ở những bài văn mẫu . Thí dụ , đề ra : " Qua hình tượng sóng , phân tích sự mới mẻ về tư tưởng và tư duy nghệ thuật của Xuân Quỳnh trong việc thể hiện tình yêu lứa đôi. Là người trẻ , anh ( chị )có suy nghĩ gì về thông điệp tình yêu Xuân Quỳnh gửi gắm trong bài thơ ?

Với kiểu đề như trên, đề sẽ lọai bỏ tất cả những bài mẫu, đồng thời phát huy tối đa năng lực tư suy và cảm thụ riêng của cá nhân thí sinh.

Tên: Đinh Phạm Hà Xuyên

Tôi năm nay học lớp 10, một học sinh học chương trình SGK cải cách.Sau khi đọc xong bài làm của chị Nhi,tôi cảm thấy bất mãn vơí những lời nhận xét chung quanh vô cùng.Mọi người nói rằng chị ấy đã đạo văn,đã chép một bài văn mẫu và giành được điểm cao một cách dễ dàng.

Làm sao có thể như vậy được? Tất cả những điều chúng ta cảm nhận qua bài văn ấy chỉ là một sự hoàn hảo,chặt chẽ. Lẽ nào vì vậy mà ghép cho chị ấy cái tội khuôn mẫu? Nếu như thế,chúng ta phải nhìn lại cách chấm văn thường có,đó là: văn vẫn có đáp án, bài làm học sinh phải đáp ứng những điểm đã nêu trong đáp án ấy.V ậy,cần gì phải thêm vào đề những chữ "Theo ý em","Bằng cảm nhận của riêng em"?

Một học sinh yêu văn tha thiết,muốn thể hiện chính kiến của mình cũng phải e dè xem xét khi định thêm một điều nào đó mới lạ vào bài kiểm tra HK và cuối cùng đành chặc lưỡi làm như khuôn cho chắc ăn thì thử hỏi,làm sao có thể tìm kíếm những ý tưởng mới mẻ,chưa từng có trong một bài thi quan trọng như của chị Nhi.

Theo tôi,chị ấy đã hoàn thành xuất sắc bài thi của mình, một bài thi chặt chẽ, tròn ý, dù những ý ấy có bị trùng lặp với một bài văn nào đó,nhưng vẫn không thể phủ nhận sự sắp xếp, triển khai luận điểm một cách phù hợp, một bài thi đã đáp ứng yêu cầu đề bài và hoàn toàn không phải là sự ăn cắp ý thô thiển, học thuộc rồi tọng vào bài một cách vô ý thức như những học sinh thường làm để đối phó.

Tôi rất đồng tình rằng bài văn chị Nhi xứng đáng được 10 điểm, dù cho tôi không thích cách hành văn không đậm dấu ấn cá nhân của chị, một cách làm an toàn mà mọi người thường khuyên tôi nên làm trước khi ra thi để dễ đậu nhưng tôi lại chẳng bao giờ có thể đặt bút xuống viết lại những điều hàng trăm người đã viết, và có thể vì lẽ đó, văn tôi hiếm khi được chấp nhận.

Tình yêu văn thì quan trọng đấy, nhưng đạt điểm cao để đậu vào một trường chuyên nào đó nhằm tiếp tục sự nghiệp văn chương của mình, đôi khi lại quan trọng hơn.

Thanh Thanh

Kính thưa các bậc cô chú bác tại sao các bậc cô chú bác lại trách cứ em Nhi. Trước hết các cô chú bác hãy trách cách giáo dục của nước nhà.học sinh có nhiệm vụ học và trả bài,văn ,toán ,hoá ,sinh,sử....đều phải học và trả bài.

Nếu môn sử trả bài giống sách vở cô chú có trách em Nhi không? bởi vậy trong muôn nghìn bài văn mẫu em Nhi đã cảm thụ và biến thành kiến thức của mình như vậy em mới có thể trả bài tốt như vậy.

Trong một bối cảnh thi đại học,tâm lý căng thẳng,em đã suy nghĩ và nhớ những điều đã học thì đó chính là kiến thức của em. Chúng ta không có quyền lên án em, làm em hoang mang trước ngưỡng cửa cuộc đời. Điều đó là không công bằng với Nhi.

Tại sao hàng nghìn thí sinh thi đại học đã không làm được bài văn như vậy, bởi vì các bạn đó chưa cảm thụ và chưa biến thành kiến thức của mình. Tôi mong rằng các cô,chú,bác phải độ lượng hơn trong đánh giá bài văn của em Nhi.

Tôi nghĩ em Nhi thật đáng khen,vì học hiểu trả lời đúng và chính xác. Cách dạy của chúng ta hiện nay đã cho các em tự do suy nghĩ và nói ý kiến của mình chưa? chắc chắn là chưa, nếu em viết có ý kiến của cá nhân em chắc còn phải bàn nhiều và không nằm trong khung điểm, vậy thì em trả bài giống bài văn mẫu có gì là sai, khi mà đã học, đã hiểu, và đã thành kiến thức của mình.

Điều quan trọng ở đây là chúng ta phải đổi mới cách dạy văn,học văn trong nhà trường phổ thông.

Tên: pham do minh

Chúng ta gieo hạt nào thì gặt được quả ấy Chúng ta dạy học trò thế nào thì học trò trả lại bài như thày đã dạy. Đã soạn ra văn mẫu, in ra thành sách cho học trò học. Nay học trò trả bài đúng như văn mẫu dạy. Thế là không tốt ư? mà phê phán khen chê? Cháu ấy được điểm 10 là rất đúng.

Các thày giáo chấm thi có dám chấm bài "sáng tạo" khác với "barem" của Bộ hay Hội đồng không ạ? Sau này, vào cuộc đời này, học trò ấy có hoặc không có sáng tạo gì nữa thì lại là câu chuyện của ngày sau. Bàn trước làm gì? 

Tên: Thuỳ Dung

Năm nào cũng vậy, sau mỗi một kỳ thi ĐH tôi lại hồi hộp chờ đợi để được đọc những bài văn ấn tượng của thí sinh. Hay có và không hay có, tuy nhiên năm nay khi đọc bài văn điểm 10 tôi không thực sự cho đó là một bài văn hay và có sự sáng tạo.

Tôi thấy nó rất giống với những gì mà cô giáo tôi giảng cho tôi nghe ngày còn đi học. Tôi thấy bài văn đó đã đưa ra được đủ ý mà bài làm yêu cầu. Còn "sáng tạo" ư? tôi thấy chưa có gì để cho tôi thực sự ấn tượng.!

Tên: Hoàng linh

Học văn và thi văn .....

Em nghĩ bạn đó có lẽ đã có cách học rất hay , bạn đã học văn mẫu vì văn mẫu có nhiều ý đúng và trùng với đáp án thi . Ngay chính em là một học sinh chuyên văn nhưng em cũng không thấy xấu hổ khi chính em cũng học các bài văn mẫu để làm bài kiểm tra nhưng ko có nghĩa là học thuộc lòng mà học được cách chọn ý sap cho đúng và chính xác như đáp án đã ra ,lắm lúc em cũng muốn thử theo cách khác nhưng áp lực điểm số luôn là vấn đề khiến cho cách học cũng bị ảnh hưởng !

Bây giờ đề thi ra đáp án cũng vậy ,cũng cho ý và các thầy soi ý đó để làm điểm ,vậy nên bài viết đôi lúc mở rộng hoặc có thêm những suy nghĩ khác về tác phẩm ,có thể được thêm điểm nhưng em lại không dám thử vì không hi vọng vào điểm thêm đó ! em nghĩ hiện tượng nhiều bài văn lạ xảy ra cũng là cách các thầy cô nhìn nhận lại cách giảng dạy, nhiều bạn thậm chí học môn văn học thuộc để lấy điểm đủ phẩy !chứ nếu nói thích học văn thì các bạn sẽ nói là hơi hơi nếu bài đó không quá khó và quá yêu cầu ý phải như giáo viên giảng dạy . Em chỉ có một chút ý kiến như vậy ,có gì không đúng hi vọng mọi người thông cảm !

Tên: Đinh Văn Bình

Lại một vấn đề dạy và học được đặt ra đối với đất nước ta. Những năm cuối thập kỷ 60 đầu thập kỷ 70, chúng tôi học văn không như bây giờ. Làm gì có bài văn mẫu, làm gì có những rừng sách đọc thêm bây giờ.

Chính những phương pháp dạy và học của chúng ta bây giờ đã và đang làm mất đi tư duy sáng tạo và suy luận của học sinh. Hậu quả thật nặng nề về cách nghĩ và cách logic vấn đề của học sinh. Thày cô dạy trên lớp chỉ gợi ý dàn bài, còn học sinh tự suy tư làm bài thì chắc chắn rằng điểm 10 kia là điểm 10 trọn vẹn.

Nhưng chúng ta cũng không trách em học sinh đó được vì em không vi phạm qui chế thi (chép nguyên bài trong phòng thi) mà em chỉ học thuộc và chép ra. Chúng ta cũng không trách các thày cô chấm bài là những máy chấm được vì bài hay thì không có lý do gì mà lại không cho điểm cao.

Do vậy, cần phải có cuộc cách mạng về cách dạy và cách học. Mặt khác, có nên có quá nhiều những tài liệu đọc thêm như bây giờ để học sinh cứ theo thế mà tư duy, mà suy nghĩ theo con đường đã vạch ra mà không cần động não, không cần sáng tạo.

Có một dạo, tôi thấy dư luận đưa tin tốt nghiệp đại học phải làm luận văn để người cử nhân khi ra xã hội còn biết làm văn bản, biết logic vấn đề. Thế rồi lại không thấy bàn nữa.

Trước tình trạng kể cả những cử nhân, kỹ sư, bác sĩ mới ta trường viết văn bản, đơn thư còn sai lỗi chính tả, sai cú pháp như hiện nay, tôi đề nghị ngành giáo dục tăng số giờ dạy và học văn học, tiếng Việt đối với cấp giáo dục và cần dạy thêm môn văn học trong tất cả các trường đại học kể cả ngành kỹ thuật, ngành y...

Tên: Đỗ thị Dung

Đây là lần đầu tiên một bài văn điểm 10 được công khai là "chép nguyên văn" từ một tài liệu được in ấn hợp pháp cho học sinh lớp 12 tham khảo, trong giai đoạn một vị Bộ Trưởng mới nhậm chức với quyết tâm :"nói không với tiêu cực trong thi cử".

Chắc chắn, đây không phải là trường hợp duy nhất về việc "chép nguyên văn" từ trước đến nay, có điều chính điểm 10 này với kỳ thi đại học và vào thời điểm nóng này khiến ai cũng phải lật lại những vấn đề cơ bản :

1/ Phương pháp dạy môn văn

2/ Cách ra đề thi.

3/ Sách tham khảo, sàch văn mẫu được xuất bản quá nhiều.

Việc "đạo văn" , không ai chấp nhận , nhưng "văn mẫu" vô tình đã được trả giá tác quyền khi xuất bản, tác giả không khiếu nại nhưng dư luận xôn xao, vậy thì việc này theo tôi, xin thỉnh thị ý kiến của đương kim bộ trưởng Giáo Dục là Ông Nguyễn Thiện Nhân.

Tính đến thời điểm thí sinh làm bài, thí sinh hòan tòan không có lỗi, vì không có việc cấm chép văn mẫu mà trái lại văn mẫu tràn ngập khắp nơi. Giám khảo thì cũng không ai nằm lòng hết những bài văn mẫu để phát hiện , hơn thế nữa, cho dù phát hiện , thì sẽ phải làm như thế nào ? Việc đó lại tùy ở vị giám khảo chấm.

Riêng về môn Văn, xin đựoc nói thêm :

1/ Từ xưa đến giờ, bài luận văn hầu như không bao giờ có điểm tuyệt đối như Tóan, Lý, Hóa, Sinh. Ngọai ngữ cũng thế, vì có bài luận văn viết bằng ngọai ngữ, ở đây không nói đến thi theo lối trắc nghiệm.

2/ Các vị trong ngành Giáo Dục biết rõ nhất việc dạy và học Văn, ra đề và chấm bài thi.

3/ Văn là người, xin hãy để các học sinh được thể hiện chính mình qua những bài văn . 

Tên: Nguyễn Hoàng Ngân

Bài văn điểm 10 có nhiều chỗ sai cơ bản

1- Thí sinh viết: Xuân Quỳnh là " nữ nhà thơ" là không đúng ngữ pháp, phải gọi là " nhà thơ nữ" hoặc dùng từ Hán Việt là " nữ thi sĩ" .

2- Thí sinh viết sai thơ của Xuân Quỳnh: SÔNG không hiểu nổi mình Sóng tìm ra tận bể. Thực ra phải là " SÓNG không hiểu nổi mình". SÓNG chứ không phải SÔNG. Chính vì nhầm SÓNG với SÔNG nên thí sinh mới phân tích đây là "Hành trình của sóng từ SÔNG ra đại dương".

3- Thí sinh dẫn thơ Tố Hữu: " Máu kêu trả máu đầu van trả đầu". Nhiều tài liệu viết là: " Máu kêu trả máu đầu kêu trả đầu" . Tôi cho rằng " kêu" hay hơn " van"

Tên: Nguyên Nhật Quang, giảng viên ĐH

"Văn mình, vợ người"

Xung quang bài văn điểm 10 có nhiều ý kiến cần suy ngẫm, nhất là về cách dạy, cách học và cách đánh giá kết quả của hệ thông giáo dục hiện nay, không riêng thi đại học. Thi học sinh gioi cung "luyện" theo lò, theo bài với mục tiêu là "đoạt giải" để làm rạng danh ! Dù nếu bài văn điểm 10 này không "na ná" bài mẫu ở đâu đó thì việc có một sự thống nhất cao về điểm tuyệt đối cho bài văn là hầu như không thể !

Đơn giản là ai cũng có thể nêu ra một hạn chế hay thiếu sót nào đó từ những ý kiến của người thầy. Tôi cũng là giảng viên đại học, cũng đã chấm thi nhiều năm. Tôi thấy một điều là lớp sinh viên sau thông minh hơn lớp trước và thông minh hơn thầy. Nhưng tại sao trong nhiều năm chấm thi lại không có một bài thi văn 10 điểm ? Do thầy dạy kém ? Do sinh viên kém ? hay do chúng ta quá khắt khe, hẹp hòi?

Tôi nhớ, cách đây 6 năm, tôi hỏi một sinh viên trong kỳ thi vấn đáp môn học rằng, em thi đỗ vào trường và học hai năm nay có gì không hài lòng không? Sinh viên này trả lời: Em chỉ có một ân hận là bài thi văn đầu vào của em chỉ được 5 điểm ! Trong khi em học chuyên văn Ámtecdam thuộc vào top đầu, chưa bao giờ "bị" điểm 8 cả.

Tôi nhớ lại cách chấm tuyển sinh: chấm như máy, chỉ lo một buổi chấm được bao nhiêu bài cho kịp chỉ tiêu. Bình quân mỗi bài thi văn chỉ chấm khoảng 3 phút! (ở một trường cụ thể).

Quay lại cách dạy, cách quản lý giáo dục. Tại sao lại phải soạn sách những bài văn mẫu ? Đã có thời gian dài Bộ GD-ĐT khuyến khích và biểu dương chăng ? Bộ muốn ôm nhưng ôm không xuể nên bỏ viêc quan trọng. Tại sao thẻ sinh viên cũng phải mua của Bộ? Đơn dự thi, biểu mẫu... cũng của Bộ?

Rõ ràng tham một đó bỏ một mâm. Biết rằng chấm thi các môn khoa học xã hội là có dung sai lớn hơn và chúng ta không nên cầu toàn khi nhìn về bài văn điểm 10 với sự khắt khe quá mức cần thiết. Dân gian có câu "văn mình vợ người" mà ! 

Tên: Thạc sỹ Lê Thị Thu Trang

Tôi là một BS đã rời khỏi ghế trường phổ thông 22 năm, đã lâu lắm rồi do điều kiện công tác của một BS ngành HSCC nên tôi không có nhiều thời gian dành cho các tác phẩm văn học- một đam mê mà thời học sinh đã có lúc tôi muốn theo đuổi.

Thế nhưng, dù ít dù nhiều, cả tôi và chồng tôi vẫn luôn ngưỡng mộ những bài thơ hay, những áng văn bất hủ, thậm chí chỉ là một đoạn văn hay một lời bình giàu cảm xúc, giàu tâm huyết ... Con gái tôi còn nhỏ nên tôi cũng chưa quan tâm lắm đến việc dạy và học môn văn hiện nay tại nhà trường phổ thông, thế nhưng có những khi cần tìm tài liệu để viết một cái gì đó tôi đã thực sự bị hẫng hụt, tất cả những cái tôi tưởng sẽ tìm được trong sách phổ thông, trong các cháu học sinh cấp 2, cấp 3- điều mà thời tôi còn cắp sách đến trường chúng tôi biết rất rõ, thì bây giờ đã hầu như không thể.

Cứ mỗi lần như thế tôi rất buồn và thường hỏi chồng tôi: Liệu có phải mình quá ấu trĩ hay không? Chúng tôi cũng thừa nhận rằng: thời bây giờ các cháu học sinh có thể biết nhiều điều mà trước đây chúng tôi không biết, thế nhưng điều đáng buồn là hình như các kiến thức đó rất rời rạc theo kiểu đáp án của một bài trắc nghiệm, hay theo tư duy của một người máy (không biết tôi có võ đoán hay không?).

Cũng chính từ đó, chúng tôi thường có tâm lí không tin rằng văn học hiện đại còn có thể có những gì như ngày xưa, cũng như khó tin rằng có những bài văn của các em học sinh viết bằng nguồn cảm xúc mãnh liệt, trong sáng như các bạn bè giỏi văn cùng thời với tôi.

Vậy nên khi đọc báo điện tử thấy đưa tin về bài văn của em Hoàng Thuỳ Nhi, cả gia đình tôi, một số bạn bè đồng nghiệp của tôi đã xúc động thực sự. Tôi cảm nhận rất rõ những kí ức xa xôi ngày xưa- những gì mà chúng tôi đã từng hiểu, từng viết...Bất luận là bài văn có làm đúng với đáp án chuẩn hay không, bất luận là em Nhi có đọc được bài mẫu ở đâu đó hay không... thì qua cách viết của em với lối tư duy mạch lạc, những cảm xúc dâng trào và sự thể hiện bằng những câu văn giản dị trong sáng đến thế...đặc biệt là sự nối kết hết sức hợp lí giữa dẫn chứng và lời bình, giữa tư duy - cảm xúc của người khác và những suy nghĩ - xúc cảm của riêng em.

Chúng tôi thấy rằng, chỉ riêng điều đó thôi thì em Hoàng Thuỳ Nhi cũng đáng để chúng ta trân trọng. Mặt khác, nếu em Nhi có học thuộc lòng văn chương của ai đó đến mức không quên cả dấu chấm phẩy để ghi trọn "Cái tủ" của mình ra khi may mắn "Trúng tủ" thì cũng đã là quá đủ đối với một thí sinh đi thi chỉ cần có điểm (vì em đã làm tròn nhiệm vụ người học sinh là học thuộc bài và trả bài tốt).

Tôi thấy thực sự bị sốc vì tại sao những người lớn như chúng ta lại làm đau lòng con t rẻ, em Nhi vừa được TUYÊN DƯƠNG bằng những ngòi bút chưa ráo mực thì đã nhận ngay những công kích mổ xẻ quá đáng - Tôi nghĩ nếu quả thật bài làm của em Nhi chưa xứng đáng để khen tặng thì cũng có khó gì đâu một cách giải quyết vừa đẹp lòng mọi người lại vừa tránh gây tổn thương cho em, cũng là để em yêu quí hơn cuộc sống, trân trọng kiến thức của những người thầy và bồi bổ thêm kiến thức của riêng em (vả chăng dù là kiến thức của ai mà trong hoàn cảnh thi cử căng thẳng như thế nhưng em đã làm bài trọn vẹn đến thế thì em cũng xứng đáng được ngồi dưới mái trường đại học).

Ngay khi đọc được bài văn của em Nhi tôi đã có ý điịnh muốn gặp em để tìm hiểu xem em đã học như thế nào, có yêu những tác phẩm văn học mà tôi đã yêu hay không. thế nhưng cho đến lúc này - khi tôi đang buồn rầu và lòng đầy trách cứ vì những gì mà các bài báo đã đem đến cho em (tôi nghĩ thà rằng đừng ai khen tặng em còn hơn), thì tôi vẫn chưa được gặp Nhi, nhưng tôi đang băn khoăn không biết tôi có nên gặp cháu hay không, không phải là tôi bị tác động vì những lời người ta chỉ trích em nên không còn quí em nữa, mà thực sự tôi chỉ sợ gặp em tôi không biết nói với em thế nào để em hiểu cái quí giá ở con người là nhận thấy giá trị của chính mình để không ngừng vươn lên sống tốt hơn cho mọi người.

Tôi hy vọng nhận được sự đồng cảm của nhiều đọc giả như tôi. Cầu mong mọi người, nếu không cần thiết thì hãy để cho em Nhi được yên ổn, được hưởng trọn niềm vui đỗ đại học như các bạn bình thường khác.

Tên: Hoàng Anh Thuận

Theo tôi nếu đọc thuộc cả hàng nghìn bài văn mẫu như thế cũng xứng đáng cho 10 điểm ( vì hàng vạn thí sinh đã đọc tại sao không áp dụng để có kết quả cao)

Tên: Đỗ Hạnh Linh

Tại sao thí sinh lại học thuộc lòng được sát đề đến vậy?

Chăc hẳn thí sinh này và cùng hàng vạn thí sinh thi đại học năm nay cũng không giám học tủ vậy tại sao lại có thể làm 1 bài văn giốn như văn mẫu đến vậy?Không thể tin đó là 1 sự trùng hợp ngẫu nhiên, và lại nếu thí sinh nói trên mà đạt 10 điểm đồng nghĩa với việc khuyến khích những thí sinh năm sau học vẹt trong những quyển sách lớp 12 để mong đỗ đại học vì có vẻ như để đạt được 10 điểm văn dễ dàng quá,không cần đến cảm thụ văn học, không cần những suy nghĩ, những ý tưởng riêng mà chỉ cần........... 1 quyển văn mẫu thì quá dễ dàng.

Tên: Bùi Anh Tuấn

 SẢN PHẨM CỦA PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC - ĐỌC CHÉP

Không cần nói nhiều, sự việc đau buồn, trở trêu nêu trên là một minh chứng hùng hồn cho phương pháp dạy học lạc hậu kéo dài hàng thập kỷ chủa nền giáo dục hiện đại của Việt Nam.

Cách đây 7 -8 năm khi đang là một thí sinh đi thi tôi vừa rất tư tin để thi vào khoa văn các trường đại học nhưng cũng lo vì cách ra đề của ngành giáo dục chúng ta. Tôi khao khát những đề thi vừa có kiểm tra kiến thức nhưng đồng thời cũng cần để phát huy trí thông minh cuả học sinh để chọn ra những thí sinh có năng lực thực sự.

Nhưng tôi đã thất vọng, những lo lắng của tôi vì khi được nhào nặn bởi phương pháp dạy học "tuyệt hảo" của các thầy, các cô đã trở thành hiện thực. Tôi làm bài mà phải gò mình để nhớ lại toàn bộ phần kiến thức trong sách giáo khoa và lời thầy dạy để hoàn thành bài thi mà “ toát mồ hôi hột” như những bác đi cày ruộng (vì đề yêu cầu phải như vậy thì sẽ rớt).

Thử hỏi cảm xúc ở đâu, văn học ở đâu? Bây giờ được chứng kiến trường hợp "cười ra nước mắt" là một thí sinh được Hội đồng chấm thi Trường Đại học SP Đà Nẵng chấm điểm mười môn văn nhưng lại là bài viết chép lại trong sách “Những bài văn mẫu” thì...

Có thể ở môn học khác thì còn có thể chấp nhận được nhưng môn Văn học là môn yêu cầu bài văn phải giàu tính sáng tạo, giàu cảm xúc và mang cái tôi cá nhân rất rõ rệt (văn phong), còn người chấm văn bình thường ngoài sử dụng kiến thức còn có cảm nhận nghề nghiệp và cảm thụ văn học (nghệ thuật) thì cũng nhận ra bài viết ở tầm nào và từng đối tượng.

Huống hồ gì một bài văn của học sinh được chép lại từ sách “Những bài văn mẫu” mà các thầy lại "siêu" đến như vậy khi đặt bút cho điểm mười. Tôi không biết các vị đã chấm biết bao nhiều bài văn của bao nhiêu thế hệ học sinh để tuyển chọn đúng trình độ của các em vào đại học rồi, tôi nghi ngờ sự chính xác này lắm, không khéo các vị lại làm cái điều ngược lại - là gạt những em có năng lực để chấm cho những em chỉ biết chép lại sách giáo khoa và lời thầy giáo dạy.

Tên: Hạnh

Tại sao báo chí rùm beng nhiều về vấn đề này mà không thấy rằng em HS đó đã rất xuất sãc trong bổn phận của người HS? tôi là một phụ huynh rất quan tâm đến việc học hành của các cháu và tôi thật sốc khi báo chí ngày hôm qua nói rằng đây là điểm 10 duy nhất và rằng đây là bài văn hay nhất ,để rồi hôm nay lại nói là đạo văn...

ĐÂY LÀ HỌC SINH THUỘC BÀI MỚI ĐÚNG vì sách thì bán ở thị trường và đây là sách lớp 12 chẳng ôn thi ở các sách lớp12 thì ôn ở đâu? đáp án có nói là cấm nội dung ở trong sách đâu? sao các thí sinh khác không ôn thi như vậy để cả xã hội cùng hân hoan phấn khởi với kết quả học thuôc của con em mình..

Tôi cũng rất hoang mang khi một HS làm bài ,thuộc bài đến nhuần nhuyễn và đưa vào bài làm của mình như các bài kliểm tra khác mà bị báo chí và các phương tiện bình luận đến đau lòng. đây không phải là một bài thơ , cũng không phải một bài báo cũng không phải một bài hát hay bất cứ một tác phẩm nghệ thuật mà chỉ đơn giản là một bài thi thì tại sao phải làm ầm ĩ thế . Phải có ai đố bênh vực em đó chứ , nó có làm gì sai đâu?

Tên: Nguyễn Anh Nguyên

Tôi nhận thấy bài thi của bạn Nhi đạt điểm 10 là xứng đáng, bởi vì bạn đã tham khảo sách khá kỹ trong quá trình học tập.

Tên: Phan Nhân Hữu

Lỗi tại ai ?

Chuyên bài thi văn duy nhất vào đại học năm nay đạt điểm 10, theo tôi đừng bàn nhiều về tác giả của nó. Rõ ràng em học sinh này rất giỏi trong cách vận dụng và có trí nhớ tuyệt vời (nhớ máy móc).

Vấn đề là phương pháp ra đề và cách xây dựng đáp án. Những bài viết "không đủ ý" theo đáp án nhưng lại viết rất sâu về những "mảng" khác, thực sự có gía trị về văn học thì có khi lại thấp điểm hơn những bài văn nêu đủ ý mà hời hợt ( mà chắc chắn là như thế).

Ai cũng biết văn học không phải như các môn khoa học tự nhiên khác, một cộng một bằng hai. Vậy thì cần phải có tư duy mới để trong đáp án thể hiện được cách đánh giá tính sáng tạo, phát hiện cái mới, cái đặc sắc trong cách viết, sự nhìn nhận đa chiều của người viết. Về vấn đề " Dạy và học" tôi xin phép không bàn.

Tên: chau vinh linh

Thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên ngày 12 tháng 8 năm 2006

Em đã đọc rất kĩ nội dung của báo điện tử 'Bài văn điểm 10 duy nhất chép từ sách bài văn mẫu". Sau đây là một số ý kiến và quan điểm của em : Em rất đồng ý với Thạc sĩ Lương Vĩnh An. Đoạn cuối cùng, thầy đã khẳng định : "Theo tôi, với nội dung lẫn hình thức của bài viết như thế cho điểm 10 là xác đáng. Theo tôi, chuyện học sinh học vẹt và học thuộc các bài văn mẫu là chuyện hoàn toàn khác nhau, chúng ta không nên đánh đồng điều này. "

Với em - hiện nay chỉ đang là học sinh chuẩn bị lên lớp 11- tuy là học sinh chuyên Anh nhưng em lại rất thích môn văn và đã từng làm rất nhiều bài văn. Đối với các dạng đề văn yêu cầu phân tích một bài văn xuôi hoặc một bài thơ, khi học bài em đều học thuộc lòng các tư liệu tham khảo trong các bài làm văn mẫu. Nhưng không phải hoàn toàn như thế, trước khi học, em đã lược bỏ bớt đi một số ý mà em cho là dư thừa và em có chính sửa hoặc thêm vào một số ý cần thiết.

Thật sự khi học văn, em không thể nào phân tích cho hoàn hảo một bài văn hay thơ nào mà không đọc qua tư liệu trong sách văn mẫu. Và khi làm văn ở truờng, tuy em không thể nào nhớ được từng câu từng chữ trong sách như đã học, nhưng ít nhất em cũng nắm được cái ý và biết cách phát hoạ ý văn đó theo ý tưởng của mình.

Như thế, em lại càng yên tâm hơn vì không sợ mình bị mọi người chê rằng chỉ biết học vẹt và không có tư duy suy nghĩ. Hơn nữa, vì trong mọi kì thi đều có barem nên em phải học thuộc từng ý, từng nội dung của bài văn đó, thì mới có khà năng đạt điểm cao. Em còn nhớ, em đã từng học thuộc rất kĩ một bài văn mẫu, không ngờ khi thi học kì lại ra trúng bài văn ấy. Lúc làm bài, em đã chép lại từng câu từng chữ. Cuối cùng em đã đạt 4,5/5 điểm.

Em không thể nào không học các bài trong sách văn mẫu, vì đó là những bài văn đã làm một cách rất hoàn hảo và đạt điểm cao nên mới được chọn làm mẫu và in thành sách. Hơn nữa, văn mẫu giúp cho em hiểu được gần như trọn vẹn cả bài văn, thơ. Nó luôn cho em đạt điểm khá cao. Vả lại đó là những gì mà học sinh cần phải nắm, chứ em không thể nào nói khác đi và nói xa hơn được, bởi vì cách phân tích một bài văn, thơ nào lâu nay chỉ có những ý tưởng ấy, vẫn theo đường mòn ấy.

Theo em nghĩ rằng, văn học trong chương trình phổ thông là những gì giúp cho học sinh nắm được những nội dung cần thiết chứ không nên yêu cầu cao, bắt học sinh phải đi thêm. Mà chỉ bắt làm điều ấy với những học sinh đi chuyên văn.

Với các học sinh thiên về các môn tự nhiên nói riêng và các môn học khác nói chung thì khi thi đại học không có môn văn, và họ cũng sẽ rất ít sử dụng môn văn trong chuyên ngành của mình. Với trình độ môn văn mà họ đã học ở phổ thông, họ vẫn đủ kiến thức và trình độ để tham gia vào các hoạt động xã hội. Em xin hết ạ !

Tên: nguyễn thị diệu trang

Xin lỗi các thầy cô dạy ở các trương Đại học,đặc biệt ở trường đại học sư phạm thực tế các thầy cô này chưa bao giờ hoặc có dạy thì dạy ở mức hẹp ở phổ thông nên đa số không thực tế với phổ thông nên cách nhìn nhận rất không đúng .

10 điểm môn văn không phải là chuyện dễ .Cách đánh giá của thầy tiến sĩ là cách đánh giá cho tiến sĩ,thạc sĩ môn văn chứ không phải cho người chấm và bài làm của thí sinh .

Thiết nghĩ các thầy ,cô dạy ở đại học nếu dũng cảm thì hãy nên xuống thực tế dạy ở phổ thông một thời gian để lấy thực tế ( nên về các trường bình thường ) từ đó mới định hướng được cách dạy,cách học cho sinh viên của mình.

Tên: Lê Văn Thắng

Theo tôi văn chương là phải khơi nguồn cảm xúc, đưa ra những cái mới, tránh đi theo con đường cũ, lối mòn cũ. Vẫn biết trong cả rừng sách tham khảo. Giáo viên khó có thể đọc hết nhưng nếu cứ công nhận bài văn nói trên thì hiện tượng "Đạo văn" sẽ trở thành phổ biến và làm khô kiệt những nguồn cảm xúc mới, những sáng tạo mới.

Tên: Hoàng Lê Hà Phương

Ra cho học sinh một bài toán và đưa cho chúng đáp án, thì chúng phải lấy đáp án làm phương án đúng nhất, an toàn nhất, và chắc chắn chúng sẽ sử dụng phương án đó nếu chỉ được đưa ra đáp án một lần. Nếu tôi đi thi đại học, tôi sẽ không liều đưa ra một đáp án mới của riêng tôi, và cũng sẽ không dám mạo hiểm dạy con tôi làm như vậy.

Vấn đề ở đây là có lẽ chỉ nên có đáp án cho những kiến thức bất di bất dịch, con số, ngày tháng v.v. Còn cảm thụ văn chương, liệu có đáp án hay không? Người làm bài văn 10 điểm không sai, người ra đề cũng không hẳn sai, cái sai hoàn toàn thuộc về người đã quy định cách ra đề đó, cách làm bài đó. Cứ người đó mà hỏi thôi!

Tên: nguyen van tuyen

Khong the noi la bai van diem 10 la chep tu bai van mau duoc vi em hoc thuoc thi tai sao goi la chep hoac tu duy cua em trung voi bai van mau la chuyen binh thuong van de dat ra la co do tai lieu khong ? neu khong thi diem 10 la hoan toan xung dang khong viec gi phai ban luan ca.

Tên: nguyễn văn Thanh

Tôi hoàn toàn không đồng ý về quan điểm nhận xét về em học sinh nghèo vượt khó mà thi được điểm văn cao của các Nhà giáo, giảng viên đại học, đồng thời kịch liệt phản đối ý thức của người viết bài đăng trên 1 tờ báo đã đi quá sâu vào đời tư của em, nói xấu em, cứ cho dù trước kia em thế nào đi chăng nữa, nhưng những thành quả em đạt được ta cũng phải tự hào có được cô học trò chăm chỉ như vậy.

Các cụ xưa đã có câu “ Lấy cần cù bù thông minh”, Lê nin đẫ nói “Học , học nữa, học mãi”, hay nói về triết học thì đó là phạm trù “Nhân-quả”. Vậy tại sao các vị lại đưa chuyện này lên để bàn cãi, thay vào đó là những lời chúc mừng có phải hay hơn không.

Đất nước ta cần những con người chăm chỉ và những con người thông minh, thẳng thắn, đó cũng là điều cần thiết hiện nay của toàn xã hội chống lại toàn bộ thói hư tật xấu mà ta phải sửa. Bài văn trên của em bé bán rau tuy có giống đáp án nhưng đó lại là kết quả của sự cần mẫn của em vượt lên trên sự mọi rào cản của số phận hiện tại mà phấn đấu, nó là tấm gương cho thế hệ trẻ của chúng ta hiện nay, nếu mọi người ngoảnh lại xem điểm thi của các cấp hiện nay? điểm thi đại học ra sao?các cháu học ở trường đã tích luỹ được như thế nào? ý thức của Giáo viên và Phụ huynh? mới thấy được sự quý giá của cháu bé bán rau.

Còn nói về chương chình cấp III và thi đại học, tôi thấy khống chế chương trình là đúng, không sai, không được phép mở rộng, vì các cháu vẫn là những đưa trẻ mới lớn, trí óc của các cháu không thể tiếp thu được nhiều ( trừ những trường hợp đặc biệt), mà ngay đến các giảng viên, giáo viên, hàm vị cao vẫn còn phải tiếp tục nghiên cứu trong phạm vi khống chế chuyên môn của mình cả đời và không thể đạt được trong một vài năm đâu.

Chỉ có một điều tôi thấy cần góp ý với bộ giáo dục và đào tạo là đối với môn văn nên chỉ cho một hoặc hai đề chính (chẵn, lẻ) để các cháu làm như trước kia là tốt nhất, đừng xé ra nhiều câu vì như vậy giống như chấm theo thống kê, môn văn phải có đặc thù riêng của nó.

 Còn ý kiến của Thạc sĩ Lương văn An tôi hoàn toan đồng ý. Chuyện học sinh học vẹt và học thuộc các bài văn mẫu là chuyện hoàn toàn khác nhau, chúng ta không nên đánh đồng điều này.

Tên: Nguyễn Thị Tươi

Điểm 10 "những ai chấp nhận được"?

Khi đọc xong bài văn đạt điểm 10, tôi rất bàng hoàng không biết vì sao lại có một điểm 10 như thế. Bài văn không có hồn, không có những từ ngữ trong sáng của một học sinh đang học phổ thông, có chỉ là những từ ngữ được trau chuốt chép ra từ trong 1 bài mẫu. Tại sao người chấm thi không nhận ra được điều đó.

Tên: Lê Văn Dũng

Tôi đã có đọc vài lần bài văn này và tôi ấn tượng nhất là bài làm câu 2 - phân tích hình tượng sóng trong bào thơ sóng của Xuân Quỳnh. Xét trên góc độ sư phạm tôi là người ngọai đạo.

Đọc xong bài làm của thí sinh tôi thấy dù là làm theo bài văn mẫu nhưng để viết được bằng chính tay mình bài viết này, đủ cho thấy trước hết người viết có cảm thụ văn học khá sâu sắc.

Việc thi cử thí sinh làm bài đúng đề, đúng đáp án là được điểm. Bài làm có ý sáng tạo được xem xét thưởng điểm, nếu không đúng sẽ không được điểm mà không phải bị trừ điểm. Tôi thấy vấn đề thật dễ hiểu và đơn giản.

Vậy mà sao có vị cứ nhân danh này nọ soi mói kiểu chẻ sợi tác làm tư để phân tích, đánh giá. Tôi thấy điểm 10 cho bài văn của cháu Thùy Nhi hoàn toàn xứng đáng nếu không sai với đáp án.

Tên: Hoa Đá

Sau khi đọc bài phản ánh về tình hình đạo văn của thí sinh đạt điểm 10, tôi hết sức bất ngờ. Tôi thực sự không nghĩ rằng có một ai đó có thể học thuộc lòng bài văn trong sách tham khảo.

Văn chương đâu phải là một công thức toán học, người ta chỉ có thể cảm nhận nó, không thể học thuộc từng câu chữ. Nếu như học thuộc ý, lỗi này không thuộc về học sinh. Và giáo viên chấm thi cũng đương nhiên không có lỗi, vì sách tham khảo là vô vàn, không ai có thể đọc hết được.

Về cá nhân học sinh này, tôi nghĩ có thể nhìn nhận một cách khách quan thông qua kết quả thi của các môn thi khác nữa. Nếu như kết quả của các môn khác cũng cao, thể hiện là một học sinh có tư duy, có kiến thức thì không nên bàn luận nhiều về kết quả của bài thi này.

Nhưng nếu như các môn khác kết quả kém,chỉ có môn văn là bất ngờ thì rất có thể bài thi đã không do tự học sinh làm. Cá nhân tôi không tin có thể học thuộc lòng một bài văn phân tích bằng cảm xúc như vậy.

MỚI - NÓNG