Tránh độc quyền khi tư nhân hóa sân bay

Cảng hàng không Phú Quốc. Ảnh: Vnexpress
Cảng hàng không Phú Quốc. Ảnh: Vnexpress
TP - Theo chuyên gia, khi tư nhân hóa các sân bay, để tránh độc quyền, các hãng hàng không không được sở hữu và tránh việc một công ty sở hữu nhiều sân bay nhằm đảm bảo thị trường cạnh tranh.

Tại hội thảo về xã hội hóa cung cấp dịch vụ hàng không, cảng biển, năng lượng do Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM) tổ chức ngày 3/6, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết: Việt Nam đang thu hút nguồn lực từ khối tư nhân vào phát triển hạ tầng, trong đó có chuyển nhượng quyền khai thác cảng biển, sân bay.

“Khi có nhiều nhà cung cấp dịch vụ, sẽ tạo sự cạnh tranh, chất lượng được nâng lên, qua đó phát triển ngành nghề khác và mục tiêu cuối cùng là nâng cao giá trị phúc lợi cho người dân”- ông Cung nói.

Theo ông Cung, nhiều nước trên thế giới hạn chế việc các hãng hàng không sở hữu sân bay, một công ty không được chủ sở hữu nhiều sân bay để tránh độc quyền. Làm như thế sẽ đảm bảo thị trường có thể cạnh tranh về chiều ngang (giữa các sân bay do cùng công ty sở hữu), chiều dọc (các hãng hàng không kiểm soát hạ tầng ở sân bay trọng điểm).

Viện trưởng CIEM cho rằng, về giá dịch vụ, nhà nước không nên can thiệp cứng nhắc, để các hãng hàng không, sân bay thỏa thuận, cân đối cung cầu của dịch vụ. Mặt khác, cần tách bộ phận thiết lập chính sách với cơ quan thực thi. Hiện ở Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) đang đảm nhiệm hai việc trên.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo CIEM, việc tư nhân hóa các sân bay, cảng biển là vấn đề mới, còn nhiều ý kiến khác nhau. “Nhiều thể chế chưa rõ, như chuyển nhượng với giá nào, xác định giá ra sao cho đảm bảo công bằng, minh bạch, tránh thất thoát tài sản nhà nước? Chúng ta cũng chưa quen với thị trường lắm: Chúng ta sợ người khác, sợ doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài. Mặc dù muốn, nhưng có cái gì đó e ngại, và nhà đầu tư họ sẽ đọc được sự e ngại đó… Vì thế, các nhà đầu tư lớn, chiến lược cũng có sự lưỡng lự khi thiết kế và thực thi pháp luật”- ông Cung phân tích.

Theo TS Warren Mundy, chuyên gia tư vấn cho Chính phủ Úc về việc xây dựng các sân bay, Úc cho DN tư nhân thuê toàn bộ hạ tầng sân bay tối đa 49 năm. DN Nhà nước vẫn kiểm soát không lưu, cứu hỏa… “Các DN tư nhân chịu trách nhiệm cho sự phát triển sân bay, không có sự hỗ trợ của nhà nước, và sau 49 năm, nhà nước thu lại toàn bộ mà không hỗ trợ gì”- TS Mundy nói.

Ngoài ra, Úc cũng quy định một hãng hàng không được sở hữu quá 5% sân bay, còn quyền sở hữu của nước ngoài không quá 49%. TS Mundy nói: “Thực tế, ở Úc nhà đầu tư nước ngoài chỉ nắm khoảng 15-20% sân bay, vì hiện các quỹ hưu trí (ở Úc) đầu tư rất mạnh. Tính minh bạch từng công đoạn trong quá trình giao dịch do cơ quan kiểm toán quốc gia Úc đánh giá”.

Ông Cung cho rằng, một vấn đề đáng quan tâm khi tư nhân hóa sân bay, cảng biển là tránh độc quyền “vì bản chất của dịch vụ hạ tầng đã mang tính độc quyền”. Do vậy, cần thiết lập một thị trường cạnh tranh cung cấp dịch vụ ở sân bay, cảng biển…

MỚI - NÓNG