Tranh đất Mũi

“Đất bãi bồi”- mực nho trên vải của Lý Cao Tấn (trái) và “Đất Mũi xanh”- sơn dầu của Dương Minh Chiến
“Đất bãi bồi”- mực nho trên vải của Lý Cao Tấn (trái) và “Đất Mũi xanh”- sơn dầu của Dương Minh Chiến
TP - Nghe bảo mảnh đất sinh trưởng ảnh hưởng khá nhiều đến tính cách con người. Người sinh ra bên dòng sông thì thường mềm mại phóng khoáng, sinh bên bờ biển thì còn thêm dũng mãnh ăn sóng nói gió, sinh trên núi cao thì lầm lì ít nói, sống hướng nội, cho dù hòa với thiên nhiên nhưng luôn phải nghĩ cách để tồn tại. Còn những người sống trên mảnh đất khô cằn thì chắt chiu đến cả giọt mồ hôi, nói chi đến tiền bạc.

Nhưng đâu chỉ địa vật lí ảnh hưởng đến tính cách mà còn môi trường chính trị xã hội nữa. 


Tôi nhớ lại cả một thời bao cấp, nền tảng chính trị xã hội có vẻ khá vững chắc nhưng con người làm ra hai thì chỉ dám ăn một, sống sẻn so đến khó hiểu. Hầu hết mắc bệnh “tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn” (cất giữ cái ăn đề phòng khi khó khăn, cất giữ áo quần đề phòng rét). Cái ăn, cái mặc luôn là mối lo hàng đầu. “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”.

Những suy nghĩ trên nảy ra trong đầu tôi khi ngắm nhìn phòng tranh của các họa sĩ từ đất Mũi đang trưng bày tại Nhà triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Hầu hết tranh khổ lớn, màu khá mạnh, mạnh đến đậm chắc. Phải chăng vùng đất Mũi giáp biển chứa chan ánh nắng đã tạo nên cái nhìn hoành tráng đó. Những “Biển bạc” của Phan Thái Hùng, “Mũi đất xanh” của Dương Minh Chiến, “ Bãi bồi” của Lê Việt Hoàng, “Đất bãi bồi” của Lý Cao Tấn, “Kí ức rừng tràm” của Lý Thanh Phong… cho thấy cái nhìn rạch ròi và phóng khoáng trong nhận thức thẩm mĩ về một vùng đất.

Đất Mũi luôn lấn ra biển. Hồi bé, học địa lí biết hằng năm Mũi Cà Mau nhô ra biển vài trăm mét, tôi ngây thơ hỏi thầy “Thế cứ mấy năm nước mình phải một lần vẽ lại bản đồ, nước mình sẽ to ra rộng ra mãi ạ”. Hôm nay, các họa sĩ vẽ tranh cũng đua nhau về diện tích, cũng như đề tài đất Mũi, phải chăng đó là niềm tự hào và đam mê mảnh đất đặc biệt của người xứ sở?

Mười họa sĩ từ Sở và các trung tâm văn hóa huyện, tỉnh lần đầu tiên cùng góp tranh trưng bày tại Thủ đô. Tuy không hẹn nhưng đề tài khá tập trung- như tiêu đề của triển lãm “Sông nước Cà Mau”. Sơn dầu, lụa, acrylic, khắc gỗ màu của các anh cho ta gặp không chỉ bãi bồi mà còn đàn ca tài tử, hát tuồng, những gương mặt con người… Một triển lãm cho thấy diện mạo mỹ thuật của các họa sĩ cực nam Tổ quốc khá vững vàng, có nét thật độc đáo như những bức tranh chỉ vẽ nét mực nho trên vải của Nguyễn Hoàng Măng, Lý Cao Tấn… Trên diện tích hơn một mét vuông có đến hàng chục vạn nét nhỏ li ti.

Có cái để xem, có cái để nghĩ, có cái để bàn. Đó là điều đáng chúc mừng. Như đã nói, xem tranh thấy khá rõ sự tác động của vùng đất và chính trị xã hội vào tác phẩm. Nó là sự đeo bám khó dứt khi mà mỹ thuật còn đang được coi là phương tiện truyền tải những vấn đề nóng của cuộc sống, họa sĩ đóng vai trò chiến sĩ bởi hầu hết đội ngũ này nằm trong các cơ sở văn hóa, mà vẽ chỉ là nghiệp tay trái.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.