Trăn trở với đãi ngộ hiền tài

Kiều bào thảo luận trao đổi tại buổi gặp mặt.
Kiều bào thảo luận trao đổi tại buổi gặp mặt.
TP - Tại buổi gặp gỡ thân mật các chuyên gia, trí thức kiều bào với chủ đề “Kết nối và đổi mới sáng tạo 2016” do Bộ KH&CN và Hội Liên lạc  người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức hôm qua tại TPHCM, đông đảo kiều bào cho rằng, chế độ đãi ngộ cùng lương thưởng bất hợp lý là rào cản khiến họ gặp khó khi về nước cống hiến.

Ông Nguyễn Vinh, Việt kiều Hoa Kỳ, Giám đốc Tập đoàn đa quốc gia NXT Semiconductors, cho rằng, Việt Nam đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Nguyên do nằm ở chỗ thiếu gắn kết giữa các công ty có nhu cầu tuyển dụng với hệ thống các trường đại học, viện nghiên cứu. Ông cho rằng, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Việt Nam phải hội nhập thị trường kinh tế và khoa học toàn cầu; phải huy động được nguồn lực từ các chuyên gia Việt và gốc Việt trên thế giới để phát triển lâu dài và bền vững. Để làm được điều này, cần có chính sách thông thoáng, chế độ đãi ngộ hấp dẫn đối với họ.

Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Việt kiều Canada, một công dân toàn cầu với kinh nghiệm 21 năm làm việc tại nhiều quốc gia phương Tây trên nhiều cương vị lãnh đạo, công nhận không có rào cản về cơ chế, nhưng cho rằng chế độ đãi ngộ chưa thu hút được hiền tài. “Năm 2015, một tập đoàn rất nhỏ gồm 15 kỹ sư Hà Lan lập nên hãng taxi Uber. Với một nhóm người nhỏ như vậy, họ có cần cơ chế gì đâu mà khi vào Việt Nam, họ làm trời làm đất, làm khuynh đảo taxi Việt Nam. Vậy vấn đề nằm ở đây không phải ở cơ chế mà là tri thức”, ông Hòa nói. Theo ông, với mức lương và hệ thống đãi ngộ như hiện nay, các nhà khoa học bị “trói tay trói chân”. “Với chính sách như hiện nay, chúng ta thu hút được Việt kiều về nước làm việc còn khó chứ đừng nói đến chuyên gia các nước khác”, ông Hòa nhận định.

TS Nguyễn Quốc Bình, Việt kiều Canada, hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TPHCM, kể rằng năm 2003, TPHCM quyết định thành lập cơ quan nghiên cứu này với tổng vốn đầu tư có thể lên tới 100 triệu USD. Dự kiến dự án hoàn thành sau 5 năm, nhưng sau 10 năm vẫn chưa xong. Tuy nhiên, dự án này bây giờ được cho là trung tâm nghiên cứu hiện đại nhất của Việt Nam. Đây là thành công của TPHCM về ý tưởng đã trở thành thực tế, thành công của sự sử dụng trí thức kiều bào. Tuy nhiên, ông Bình cũng cho rằng, chế độ đãi ngộ Việt kiều chưa hợp lý.

Không chỉ là đãi ngộ

Ông Phạm Gia Minh, Phó Tổng thư ký Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài, kiến nghị, ngoài chế độ đãi ngộ hấp dẫn, cộng với chính sách thông thoáng cho trí thức kiều bào về nước cống hiến, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu, đào tạo... cần chia sẻ thông tin kỹ thuật, khoa học và công nghệ, sau đó mời chuyên gia, trí thức kiều bào tham gia đấu thầu, tuyển chọn các ý tưởng, giải pháp để thực hiện dự án. Theo ông Minh, cách làm này sẽ giúp Việt Nam chắt lọc những cải tiến tiên tiến nhất của quốc tế khi hội nhập.

Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân nói rằng, trí thức kiều bào là nguồn nhân lực KH&CN nòng cốt của đất nước. Theo ông, việc thu hút, phát huy sự đóng góp tâm huyết và trí tuệ của các chuyên gia trí thức kiều bào trong nhiều trường hợp là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để giải quyết nhiều vấn đề KH&CN, kinh tế-kỹ thuật quan trọng của Việt Nam. “Nhà nước ta mới đây đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách mới nhằm phát huy vai trò và sự đóng góp của đội ngũ nhân lực KH&CN, trong đó có cộng đồng các chuyên gia trí thức kiều bào đối với sự nghiệp đổi mới đất nước trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Bộ KH&CN đang cùng các bộ, ngành liên quan cụ thể hóa các chủ trương, chính sách đó thành các biện pháp, giải pháp và các chương trình, dự án cụ thể, khả thi, phù hợp với tình hình mới”, ông Quân cho biết.

MỚI - NÓNG