Đột phá phát triển KHCN
TS Vũ Anh Tài, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đề xuất một số giải pháp mang tính đột phá để những người trẻ làm khoa học thời đại mới thực hiện được sứ mệnh đưa nền khoa học nước nhà lên tầm cao mới. Đó là, không thực hiện theo các “đơn đặt hàng” những đề tài, dự án mang tính chất là nhiệm vụ chung chung, đặc biệt những đề tài không có tính ứng dụng thực tế, mang tính “giải ngân”. Thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học được các nhà khoa học lão thành, có uy tín giao phó phải trên tinh thần hàn lâm khoa học, không bị ảnh hưởng, chi phối bởi tư tưởng quan liêu, chính trị.
“Nên đề xuất ban thanh tra độc lập tiến hành thanh kiểm tra đề tài, dự án ở bất kỳ cơ quan, tổ chức nào sử dụng ngân sách nhà nước trong triển khai, ứng dụng. Nếu kết quả không đảm bảo yêu cầu phải đề xuất các giải pháp xử lý nghiêm, có chế tài xử phạt trong trường hợp có bằng chứng về tham ô, lợi dụng việc nghiên cứu khoa học để tư lợi hoặc gây lãng phí ngân sách quốc gia”, TS Tài nhấn mạnh.
Theo TS Tài, những nhà khoc học trẻ cần thường xuyên tổ chức các diễn đàn khoa học, với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học trong cùng lĩnh vực, doanh nghiệp, cá nhân để có sự phản biện và cái nhìn đa chiều.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thiên Tạo, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ) cho rằng, để tạo được những bước đột phá trong nghiên cứu khoa học cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao. “Về phía các nhà khoa học trẻ, cần thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, chủ động đề xuất ý tưởng, tìm nguồn tài trợ và mở rộng các mối quan hệ hợp tác. Về phía nhà quản lý, cần tạo môi trường thuận lợi, đầu tư thích đáng nguồn vốn, cơ sở vật chất, chính sách đãi ngộ cho người nghiên cứu khoa học”, TS Tạo đề xuất.
TS Nguyễn Hoài Nam, Viện Khoa học Năng lượng cũng cho rằng để đội ngũ cán bộ KHCN đóng góp trí tuệ và tài năng, cần sớm đổi mới cơ chế quản lý khoa học, phát triển mạnh mẽ thị trường KHCN để thu hút đầu tư, giữ chân các nhà khoa học. Đồng thời, có chế độ đãi ngộ tương xứng, đầu tư cho cơ sở vật chất và trang thiết bị nghiên cứu tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế.
Được học trường công miễn phí
TS Nguyễn Thị Quý Phương, Bí thư Đoàn Khối các cơ quan T.Ư, Phó Chủ nhiệm CLB Tiến sĩ trẻ cho rằng, giai đoạn hiện nay, đầu tư ưu tiên số một là xây dựng cơ sở hạ tầng ở bậc học mầm non và tiểu học, sau đó là đầu tư cho người thầy và sách giáo khoa. “Thực tế ai cũng nhìn thấy hiện nay, nhiều em nhỏ đến tuổi đi học không có trường công để học, phải học ở các trường bán công, tư thục. Rất nhiều câu chuyện đau lòng đã xảy ra khi các em phải học trong những môi trường này. Học trường công là nhu cầu thiết thực của các em học sinh. Chúng tôi mong rằng, trong thời gian tới, tất cả con em Việt Nam ở độ tuổi đến trường đều được học ở trường công miễn phí”, TS Phương đề xuất.
Theo TS Phương, đổi mới toàn diện giáo dục nước nhà, cần đưa vai trò của Đoàn, Hội, Đội vào nhà trường thực hiện vai trò giáo dục kỹ năng sống, ý thức cộng đồng cho các em học sinh. Đặc biệt, trước thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm đáng báo động, trong đó bữa ăn của các em từ bậc học mầm non đến đại học đều bị đe dọa, Văn kiện Đại hội XII của Đảng cần đưa thêm nội dung dinh dưỡng học đường để chăm sóc thể chất cho thế hệ tương lai đất nước. Điều này cũng thể hiện tầm nhìn phát triển toàn diện con người Việt Nam.
Anh Nguyễn Phi Long, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam đề xuất, trong 5 năm tới, cần hoàn thiện việc kiên cố hoá trường học. “Đất nước đã hoàn toàn độc lập 40 năm nay nhưng ở rất nhiều vùng quê các em không có trường học, hoặc phải học trong các mái lá tạm bợ, đi đường rừng hàng chục cây số. “Mong rằng, trong 5 năm tới, việc kiên cố hoá trường học sẽ được hoàn thiện ở mọi vùng quê. Cùng với đó, trong thời gian tới, nên miễn giảm hoàn toàn học phí cho các em học sinh mầm non và tiểu học”, anh Long nói.
“Dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng dành dung lượng chưa tương xứng với vị trí, tầm vóc của thanh niên Việt Nam. Văn kiện Đại hội XII của Đảng cần dành sự quan tâm, thể hiện bước đột phá cho thanh niên trong các vấn đề học tập, học nghề, việc làm, vui chơi, giải trí. Trong đó, chú trọng giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng, cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên để họ có đủ trí tuệ, khí phách, hoài bão, khát khao làm chủ bản thân, cống hiến cho gia đình, quê hương đất nước. Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước cần có những đột phá về sử dụng người trẻ để họ có cơ hội được thể hiện, phát huy các tiềm năng, nhiệt huyết của mình”.
Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Phi Long