Trăm thứ phí “đè đầu” doanh nghiệp

Có đến 70 loại phí liên quan đến vận tải khiến DN ngày càng khó khăn. Trong ảnh, vận chuyển hàng hoá tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Sỹ Lực.
Có đến 70 loại phí liên quan đến vận tải khiến DN ngày càng khó khăn. Trong ảnh, vận chuyển hàng hoá tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Sỹ Lực.
TP - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa công bố nghiên cứu về các loại chi phí khiến doanh nghiệp (DN) teo tóp như phí vận tải, kiểm tra chuyên ngành, phí “bôi trơn” khi nộp thuế…

70 loại phí liên quan đến vận tải

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), các loại thuế, phí, chi phí đóng bảo hiểm xã hội khiến DN Việt Nam mất dần tính cạnh tranh. Riêng chi phí vận tải, không chỉ nhà nước thu mà có thêm các loại phí nhà nước quy định cho đơn vị khác thu như quản lý bến cảng, hãng tàu. Theo thống kê, tổng phí vận tải DN phải đóng lên tới 70 loại, trong đó có nhiều loại phí vô lý như phí vệ sinh…

 “Các hãng tàu lạm thu và cấu kết với nhau tăng phí, khiến DN thiệt thòi. Trong khi đó với đường bộ, phí BOT rất cao. Đại diện DN may từng cho biết, phí vận chuyển 1 container hàng may mặc xuất khẩu tăng từ 4 triệu đồng năm 2010, lên 11 triệu đồng năm 2017. Trong khi đó, Việt Nam chủ yếu gia công nên chi phí này ăn mòn lợi nhuận của DN”, ông Tuấn nói.

Theo đại diện VCCI, dường như cơ quan quản lý của Việt Nam tìm cách thu phí DN. Số hồ sơ, chứng từ mà cơ quan quản lý bắt DN nộp quá nhiều, có loại không cần thiết vẫn yêu cầu bản photo công chứng. Thủ tục kiểm tra chuyên ngành độc quyền gây phiền hà. Như thủ tục kiểm tra động cơ, chỉ có trung tâm kiểm tra chất lượng an toàn ở Hà Nội thực hiện nên khi DN nhập hàng về Đà Nẵng, TP.HCM vẫn phải vận chuyển ra Hà Nội để kiểm tra.

“Còn đủ loại chi phí không tên, không ai đo đếm được hình thù, trạng thái ngày càng tăng lên. Nhiều DN nói với tôi, chi phí kinh doanh tăng là điều quen thuộc, giảm là điều xa lạ”, ông Tuấn nói.

Theo khảo sát của VCCI, do áp lực thu ngân sách, nhiều địa phương tăng tiền thuê đất chóng mặt. Có DN ở Vũng Tàu bị tăng tiền thuế đất 14 lần. Nhiều dịch vụ công thu phí cao nhưng chất lượng chưa tốt như việc cấp giấy xác nhận đủ điều kiện ATTP. DN gửi mẫu về phòng xét nghiệm mất đến 7 lần trong 7 tháng, gây ra rủi ro, tốn kém.

Một trong những điều khiến DN lo lắng nhất là rủi ro chính sách. Có mặt hàng xuất khẩu áp mã 0% nhưng về sau 4-5 năm tăng tỷ lệ áp mã. Lúc này, DN đã chia hết lãi cho cổ đông nên việc truy thu hàng tỷ đồng rất khó. Cùng quan điểm, ông Lê Duy Bình, Giám đốc Cty tư vấn Economica đánh giá, chi phí đang thử thách sức chịu đựng của DN. Số lượng DN lớn rời cuộc chơi (Cục Quản lý đăng ký kinh doanh công bố hằng tháng) đã chứng minh điều này. “Cơ quan quản lý nhà nước vẫn coi DN là đối tượng bị quản lý khi xây dựng chính sách. Điều này khiến DN ngày càng khó khăn”, ông Bình nói.

Bộ Tài chính cho phép tăng nhiều loại phí

Theo nghiên cứu của CIEM, quy định về thuế thường xuyên thay đổi, phần mềm khai thuế không ổn định khiến DN mất thời gian tìm hiểu để thực hiện quy định. DN mất tới 5 triệu đồng/lần cập nhật phần mềm thuế cho phù hợp và đồng bộ. Trong mỗi lần thanh tra, kiểm tra, DN phải trả khoản phí không chính thức cho cán bộ thuế. Thủ tục khai, nộp và nhận tiền hoàn thuế VAT mất thời gian, khó khăn, bị cơ quan thuế chậm thanh toán.

Trước thực trạng trên, nhóm nghiên cứu của CIEM đề nghị Bộ Tài chính đảm bảo ổn định chính sách thuế, cam kết không thay đổi quy định tính thuế ít nhất 3 năm. Mỗi lần thay đổi quy định thuế phải báo trước ít nhất 3 tháng cho DN chuẩn bị.

“DN mong muốn Chính phủ thành lập nhóm công tác đặc trách về thuế để tiếp nhận khiếu nại của DN. Đồng thời, Bộ Tài chính lập nhóm tư vấn thuế trực tuyến để hỗ trợ DN, tránh việc bị phạt vì chưa đúng quy định”, chuyên gia CIEM đề xuất. Ngoài ra, chi phí kiểm tra chuyên ngành đối với nguyên liệu nhập khẩu quá mức cần thiết và diễn ra ở nhiều ngành. Mỗi mẫu phí xét nghiệm tại DN để cấp giấy chứng nhận thực phẩm xuất khẩu 350.000 đồng, trong khi số lượng mẫu kiểm tra rất lớn khiến DN mất nhiều chi phí.

Không những có mức đóng cao mà thủ tục nộp bảo hiểm xã hội cũng khiến DN mất rất nhiều thời gian. “Theo báo cáo thường niên của Ngân hàng Thế giới, DN Việt Nam phải nộp bảo hiểm xã hội 12 lần/năm, mất 189 giờ. Trong khi đó, thời gian này của DN Thái Lan chỉ mất 48 giờ, DN Indonesia chỉ 56 giờ”, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng CIEM cho biết.

Vấn đề chi phí BOT trên các tuyến đường bộ cũng được nhiều DN và chuyên gia “phàn nàn” trong hội thảo. Theo đó, các quy định của Bộ Tài chính cho phép phí đường BOT tăng nhanh; cho phép chủ đầu tư dự án BOT vay vốn lên tới 90%  và cho phép DN BOT lãi 11% trên tổng dự toán đầu tư (khi chưa có kết quả quyết toán và kiểm toán công trình) khiến người dân phải è cổ đóng phí. Theo nhiều DN xuất khẩu, phí vận chuyển hàng hoá từ TP HCM ra cảng Hải Phòng bằng phí chuyển hàng từ TPHCM đi Nhật Bản.

“Để giải quyết thực trạng trên, cơ quan quản lý cần giám sát thu phí bằng việc lắp đặt hệ thống đếm xe tự động, công khai doanh thu trên internet để cơ quan quản lý nhà nước và người dân giám sát rõ ràng. Đoạn đường BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, từ khi có giám sát nguồn thu từ 2016 đến nay, doanh thu tăng nhiều hơn so với trước”, đại diện CIEM kiến nghị.

“Có đủ loại chi phí không tên, không ai đo đếm được hình thù, trạng thái ngày càng tăng lên. Nhiều DN nói với tôi, chi phí kinh doanh tăng là điều quen thuộc, giảm là điều xa lạ”.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI)

MỚI - NÓNG