Trước đó, Bộ đã nêu phương án tăng thuế VAT lên 12% từ năm 2019 với lý do mức VAT hiện tại 10% tương đối thấp, không phù hợp với thông lệ quốc tế, khó đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.
Theo nguồn tin từ Bộ Tài chính, cuộc họp có sự góp mặt của nhiều chuyên gia như bà Phạm Chi Lan, ông Nguyễn Trí Hiếu, ông Nguyễn Minh Phong, ông Ngô Trí Long, ông Vũ Đình Ánh…
Một thành viên tham dự cuộc họp cho biết, vị này đánh giá cao việc Bộ Tài chính đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia về đề xuất tăng thuế VAT.
Theo mô tả của chuyên gia này, các ý kiến được nêu tại cuộc họp đều thẳng thắn, nhiệt huyết. Phần đông các chuyên gia dự họp không ủng hộ đề xuất tăng thuế VAT nói trên, chỉ duy nhất một chuyên gia ủng hộ.
“Nhiều người có mặt tại cuộc họp cho rằng Bộ Tài chính chưa nêu được lý do thuyết phục cho việc tăng thuế, chưa đánh giá tác động của tăng thuế đến kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội”, vị chuyên gia này nói và cho biết, bản thân ông chưa ủng hộ việc tăng thuế VAT của Bộ Tài chính với hai lý do.
Thứ nhất, Bộ chưa đưa ra được thống kê và luận chứng cụ thể là nếu tăng thuế VAT thì bổ sung ngân sách được bao nhiêu và tác động thế nào tới đời sống người dân.
Thứ hai, việc tăng thuế VAT 2% sẽ là gánh nặng đối với người có thu nhập thấp.
“Việt Nam là quốc gia đang phát triển, mức thu nhập bình quân vẫn tương đối thấp, vào khoảng 2.200 USD/năm, nên vấn đề thuế phí tăng liên tục như vậy chắc chắn có tác động lớn đến kinh tế, an sinh xã hội. Tôi kỳ vọng Bộ Tài chính có những nghiên cứu cụ thể hơn”, vị chuyên gia này nói.
Cũng theo ông: “Hiện Bộ Tài chính đang tập trung sửa tới 5 luật thuế trong đó tăng nhiều sắc thuế, góp phần tăng thu ngân sách, tuy nhiên Bộ Tài chính chưa chỉ ra được tăng thu ngân sách để giải quyết việc gì, chi tiêu ra sao”.
“Chỉ khi có những báo cáo minh bạch, rõ ràng cả đầu vào và đầu ra của chuyện tăng thuế thì tôi sẽ đánh giá khách quan dựa trên những số liệu đó, khi đó suy nghĩ của tôi mới có thể thay đổi”, ông nói.