Trầm cảm, tự tử vì nghiện game

Nghiện game dễ dẫn tới cáu gắt, thích bạo lực, dễ bị kích động. Ảnh minh họa: Như Ý
Nghiện game dễ dẫn tới cáu gắt, thích bạo lực, dễ bị kích động. Ảnh minh họa: Như Ý
TP - Nghiện game có thể gây trầm cảm, tự tử, thay đổi tính cách, hay nói dối, hay chống đối, thích bạo lực…, các chuyên gia khuyến cáo nhân ngày sức khỏe tâm thần thế giới 10/10. 

Càng chơi giỏi, càng trầm cảm

D.N.M (Đống Đa, Hà Nội), sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, có sở thích chơi game hàng giờ. Ở nhà, M. thường đóng cửa, một mình trong phòng, không tiếp xúc, nói chuyện với ai.

Bà Mai, mẹ của M. cho biết, M. thích chơi game từ hồi cấp hai, thường xuyên la cà quán internet. Về sau nhà có máy tính, hôm nào đi học về, M. cũng đóng kín cửa phòng, chơi game thâu đêm. M. không ăn cơm cùng gia đình. Bữa ăn bố mẹ phải để đồ ăn đặt trước cửa phòng, lúc nào đói, M. lấy ăn. Mỗi khi bố mẹ nhắc nhở chuyện gì, M. lầm lì, hay cáu gắt và tỏ ra chống đối.

Sau khi M. được đưa đến Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, bác sỹ cho biết, M. mắc chứng nghiện game. Sau thời gian điều trị, cách ly với môi trường hằng ngày và phương tiện chơi game, ăn uống điều độ, đúng giờ, M. tăng sáu cân, da dẻ hồng hào. 

T.N.D (Gia Lâm, Hà Nội), nhận học bổng du học ở Singapore, nhưng sang đó học một thời gian thì bị trả về vì có những biểu hiện bất thường. Sau khi tìm ra nguyên nhân do nghiện game nặng, D. được điều trị khỏi và đi học trở lại, tốt nghiệp và làm ở một công ty nước ngoài. Sau đó, D. tái nghiện game, bị cho thôi việc.

D. xin việc ở nhiều công ty nước ngoài khác, đều được nhận nhưng chỉ làm việc được một thời gian lại nghỉ do hay chơi game trong giờ làm, thường đi muộn về sớm. Có thời kỳ D. hay đi lang thang, thường xuyên cáu gắt, đập phá đồ đạc. 

Theo bác sỹ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, nhiều người nghiện game rồi trầm cảm, có hành vi tự sát. Bác sỹ Cương kể, cách đây bốn năm, ông tiếp nhận một sinh viên năm thứ 2 Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội. Sau khi tìm hiểu nguyên nhân tự sát, bác sỹ Cương phát hiện sinh viên này bị trầm cảm do nghiện game nặng.

Ông cho biết, người nào càng chơi game giỏi thì nguy cơ trầm cảm càng cao, do có tâm trạng chán ngán, không còn gì để chinh phục, không có động lực phấn đấu, không tìm được niềm vui trong cuộc sống.

Nguy cơ rối loạn tâm thần gia tăng

Theo bác sỹ Cương, số lượng bệnh nhân mắc chứng nghiện game phải vào điều trị ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 tăng nhanh trong vài năm trở lại đây, tập trung ở độ tuổi rất trẻ. Tuy nhiên, con số trên thực tế có thể cao hơn nhiều, do các gia đình thường không thực sự chú ý đến vấn đề này, cũng như tâm lý e ngại khi phải đưa con đến viện tâm thần. Chỉ khi có những dấu hiệu rất cụ thể như trầm cảm, hay đập phá, có hành vi tự sát, họ mới đưa con em đến điều trị.

So với điều trị nghiện rượu hay ma túy, việc điều trị nghiện game không mất nhiều thời gian, tiền bạc, nguy cơ tái nghiện cũng thấp. Tuy nhiên, việc điều trị chỉ giúp bệnh nhân cắt cơn nghiện, còn việc phục hồi về nhân cách mất rất nhiều thời gian.

Theo bác sỹ Cương, những hậu quả về thay đổi tính cách như hay gắt gỏng, dễ bị kích động, lầm lì, dễ mất bình tĩnh, thích bạo lực, đập phá đồ đạc có thể theo đuổi suốt cả cuộc đời người nghiện game, ảnh hưởng cuộc sống và chất lượng lao động. Theo bác sỹ Cương dẫn chứng ở Nhật Bản, một thế hệ lao động bị ảnh hưởng do tác động của chơi game.

Theo bác sỹ Cương, xu hướng gia tăng nguy cơ rối loạn tâm thần do chơi game ở Việt Nam rất đáng báo động vì hiện nay, trẻ em có điều kiện tiếp xúc với máy tính nhiều. Nếu hôm nay chơi game một phút, chơi tăng lên mỗi ngày thì một năm sau có thể chơi game sáu tiếng một ngày.

Chơi game hơn bốn giờ liên tục có thể gây ảnh hưởng giờ giấc học ở trường, đời sống xã hội, làm giảm phát triển các kỹ năng xã hội, dẫn đến trạng thái bứt rứt khó chịu, lo âu và trầm cảm. Điều này thường xảy ra với các trò chơi nhập vai trực tuyến, mà trong đó game thủ đảm nhiệm vai trò của một nhân vật hư cấu và tương tác với người chơi khác trong thế giới ảo.

Bác sỹ Cương khuyến cáo, gia đình cần chú ý đến việc chơi game của trẻ. Trong trường hợp trẻ có những dấu hiệu như lầm lỳ, hay cáu gắt, không thích giao tiếp với mọi người, mắt hay nhìn xuống, bàn tay bị chai thì nên đưa đến các cơ sở về sức khỏe tâm thần để điều trị sớm, cắt nghiện.

Những câu chuyện đau lòng do chơi game

Một người đàn ông Hàn Quốc bị đột tử do tim ngừng đập sau khi chơi game suốt 50 giờ không nghỉ. Một cặp vợ chồng chơi game liên tục 12 giờ, không để ý đứa con ba tuổi, khiến bé bị chết.

Một thiếu niên người Mỹ giết cha mẹ mình khi họ không cho phép chơi trò chơi trực tuyến yêu thích. Một thiếu niên Trung Quốc tự sát sau khi bị ảnh hưởng bởi game để lại thư tuyệt mệnh với nội dung liên quan những trò chơi yêu thích của mình…

MỚI - NÓNG