'Trái đắng' dành cho Nga sau các kỳ bầu cử tổng thống Mỹ

Ảnh: Donald Trump.
Ảnh: Donald Trump.
TPO - Trong lịch sử, Nga càng hy vọng vào tổng thống Mỹ tương lai bao nhiêu, thì kết quả lại trái với những gì họ hy vọng. Sắp tới, nếu đắc cử, liệu Trump có “ra đòn” nặng tay hơn với Nga?

Chỉ chưa đầy một năm nữa, nước Mỹ sẽ có Tổng thống mới và người đó rất có thể là nhà tỷ phú “nổi loạn” Donald Trump. Trong số tất cả các ứng viên Tổng thống Mỹ, Trump gần như là người duy nhất tuyên bố sẽ đối thoại với Tổng thống Putin và phát triển quan hệ với Nga.

Đáp lại, ông Putin cũng có những lời lẽ thiện cảm với Trump bởi vì theo lời ông, những tuyên bố nói trên của Trump “đáng được chào mừng”.

Theo nhận định của giới phân tích, điều này không có nghĩa ông Putin kỳ vọng vào Trump bởi lẽ ông đã biết quá rõ lịch sử mối quan hệ giữa Mátxcơva và Washington. Mỗi khi Mátxcơva ít nhiều nuôi ảo tưởng về ứng viên Tổng thống Mỹ nào đấy thì bao giờ cũng bị thất vọng sâu sắc khi ứng viên đó đắc cử.

Trường hợp đầu tiên là vào năm 1960, khi nhà lãnh đạo Liên Xô lúc đó là Nikita Khrushov còn ở Mỹ, 2 ứng viên tranh đua chức Tổng thống là John Kennedy và Richard Nixon. Thiện cảm của nhà lãnh đạo Liên Xô rõ ràng nghiêng về phía ứng viên John Kennedy.

Trong cuốn hồi ký “Nikita Khrushov: Những cuộc khủng hoảng và tên lửa”, con trai Khrushov là Sergey Khrushov kể lại là nếu Kennedy đắc cử, bố ông rất hy vọng sẽ tìm được tiếng nói chung với Kennedy về nhiều vấn đề trong quan hệ song phương, trước hết là về “vấn đề Đức”. Tuy có thiện cảm với Kennedy nhưng Khrushov không ra mặt ủng hộ Kennedy bởi vì ông biết làm như vậy sẽ có thể khiến Kennedy mất phiếu.

Kennedy cũng hiểu như vậy. Đó là nguyên nhân tại sao, theo hồi ký của Thứ trưởng Ngoại giao Liên Xô lúc đó là Georghi Kornienko, mọi nỗ lực của Khrushov muốn gặp Kennedy trước bầu cử đều không thành. Khrushov đành biểu lộ sự ủng hộ của mình đối với Kennedy theo kiểu “hậu trường”.

Ít ngày trước cuộc bầu cử ở Mỹ, Khrushov tiếp Henry Cabot Lodge, cánh tay phải của Nixon. Nixon rất muốn trước khi bầu cử có thể ghi thêm điểm bằng một thoả thuận với Mátxcơva về việc giải phóng khỏi nhà tù Xô viết 3 phi công gián điệp Mỹ, trong đó có viên phi công Power lái chiếc máy bay do thám U-2 bị bắn rơi trên lãnh thổ Liên Xô. Nhưng Khrushov đã từ chối thảo luận về số phận của Power với Cabot Lodge.

Cũng theo hồi ký của Sergey Khrushov, bố ông đã rất mừng khi biết Kennedy đắc cử Tổng thống Mỹ. Nhưng mọi hy vọng của Khrushov đã mau chóng tan thành mây khói. “Vấn đề Đức” không những không được giải quyết mà hơn nữa, chỉ nửa năm sau khi Kennedy đắc cử đã xảy ra vụ khủng hoảng Berlin khiến Liên Xô và Mỹ chỉ chút nữa xung đột vũ trang với nhau. Tiếp đó, Kennedy tuyên bố coi cuộc đối đầu Đông – Tây là cuộc đấu tranh trên phạm vi toàn cầu giữa tự do và chuyên chế.

Tương tự ít nhiều như vậy là mối quan hệ giữa Mátxcơva và ứng viên Tổng thống Mỹ Ronald Reagan trước cuộc bầu cử năm 1980. Ai cũng biết Reagan chính là Tổng thống đã dẫn nước Mỹ bước vào cuộc “thập tự chinh” chống Liên Xô.

Nhưng Reagan có thật là nhân vật chống Nga gay gắt đến thế từ trước khi đắc cử hay không? Rất có thể là có. Theo hồi ký của cựu Tổng biên tập tờ “Pravda” Vladimir Gubarev, chưa chắc đã hẳn như vậy. Bởi lẽ trước đó, khi còn là Thống đốc bang California, Reagan đã từng tổ chức một bữa tiệc hoành tráng chào mừng các thành viên Nga và Mỹ tham gia chương trình chinh phục vũ trụ Apollo. Bữa tiệc đó rất có thể chỉ đơn giản là là một hành động hiếu khách được thể hiện theo tinh thần Hollywood. Nhưng không loại trừ khả năng Reagan muốn dùng hành động đó để bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ Xô - Mỹ trong những năm chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, sau khi đắc cử Tổng thống năm 1980, Reagan đã theo đuổi một lập trường chống Mátxcơva gay gắt chưa từng thấy.

Giờ đây đến lượt ứng viên Donald Trump. Nếu đắc cử Tổng thống, liệu Trump có thực hiện lời tuyên bố sẽ cải thiện quan hệ Nga - Mỹ hay không? Câu trả lời của nhiều nhà phân tích là “không”.

Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến câu trả lời như vậy.

Thứ nhất, người quyết định đường lối đối ngoại của Mỹ, trong đó có quan hệ Nga - Mỹ, không phải là Tổng thống mà là bộ phận chóp bu đầy quyền lực của nước Mỹ. Hiện nay mối quan hệ Nga - Mỹ lâm vào cuộc khủng hoảng sâu sắc, xuống tới mức thấp nhất kể từ thời chiến tranh lạnh và không có triển vọng cải thiện trong tương lai gần. Trump cho dù đắc cử cũng không thể đi ngược lại xu thế đối đầu ấy.

Thứ hai, theo nhận xét của trang tin Politico.com của Mỹ, trong xu hướng chung đối đầu Nga - Mỹ, chỗ khác biệt của Trump chỉ ở chỗ ông ta đặt trọng tâm vào lĩnh vực kinh tế. Hơn thế nữa, nhiều nhà phân tích Nga khẳng định Trump là nhân vật khó lường và do đó càng nguy hiểm.

Vì thế, không loại trừ khả năng nếu đắc cử, Trump sẽ “ra đòn” còn nặng tay hơn với Nga. Nước Nga có thể sẽ phải đón nhận không chỉ tàu sân bay và tàu ngầm nguyên tử dình dập gần biên giới mình mà có thể còn phải đón nhận cả những “loạt pháo" trừng phạt kinh tế nữa.

Theo Theo Vzglyad.ru
MỚI - NÓNG