Trái cây nhập khẩu điêu đứng vì tin đồn

Táo New Zealand có màu đậm và nặng hơn so với táo Trung Quốc. Ảnh: Hồng Châu.
Táo New Zealand có màu đậm và nặng hơn so với táo Trung Quốc. Ảnh: Hồng Châu.
Cục Bảo vệ Thực vật đã khẳng định táo Australia và New Zealand đang được nhập chính ngạch về Việt Nam, nhưng nhiều đầu mối kinh doanh vẫn lao đao vì tin đồn hàng không rõ nguồn gốc.

Ngày 17/8, cộng đồng mạng truyền nhau thông tin Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, nửa năm nay Việt Nam chưa nhập bất kỳ loại hoa quả nào có nguồn gốc từ Australia và New Zealand. Hoang mang về thông tin này, nhiều người đặt giả thiết có thể đây là táo Trung Quốc đội lốt, bởi trên thị trường hiện vẫn bán khá nhiều trái cây có xuất xứ từ hai quốc gia trên.

Đại diện Công ty Rau quả Bình Thuận, đơn vị cung cấp trái cây nhập khẩu cho hầu hết các siêu thị và chợ tại TP HCM buồn rầu cho hay, khi tin đồn trên phát đi, công ty liên tục nhận và trả lời nhiều phản hồi từ khách hàng.

“Không chỉ siêu thị lớn mà ngay cả các tiểu thương nhỏ lẻ cũng cảm thấy bất an và gọi điện dồn dập yêu cầu chúng tôi giải thích. Nhiều tiểu thương tỏ ra hoang mang đã giảm đặt hàng khiến lượng trái cây bán ra những ngày qua sụt giảm 30%”, đại diện công ty này nói.

Công ty khẳng định, họ có đầy đủ tờ khai hải quan và giấy kiểm dịch của cơ quan bảo vệ thực vật để chứng minh. Tính từ tháng 3 đến nay, công ty đã nhập khoảng 400 tấn táo New Zealand và 700 tấn táo Mỹ.

Người đại diện cũng cho biết thêm, để vào được siêu thị thì trái cây của họ phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được kiểm dịch đầy đủ. Đồng thời, phải trải qua nhiều bước kiểm chứng khắt khe của siêu thị.

Cũng sụt giảm 20% doanh thu, một doanh nghiệp ở Thủ Đức, TP HCM cho hay, sau khi thông tin cho rằng trái cây nhập khẩu từ châu Âu là trái cây Trung Quốc, đã khiến một số lô hàng nhập về tiêu thụ chậm.

“Chính vì lượng tiêu thụ sụt giảm nên chúng tôi buộc phải hạ giá một số mặt hàng nhập từ New Zealand, Australia để tránh tồn kho. Tuy nhiên, mấy ngày nay tiểu thương vẫn lấy hàng với số lượng cầm chừng. Thay vì lấy 3-5 thùng thì nay chỉ lấy khoảng 2 thùng. Họ cho biết người tiêu dùng đang e ngại trước nhiều thông tin trái chiều về sản phẩm”, chủ doanh nghiệp này cho hay.

Không chỉ doanh nghiệp nhập khẩu chịu thiệt mà tại siêu thị, người tiêu dùng cũng khá e dè.

Nhân viên tại Big C (quận 2) cho hay, mấy ngày gần đây lượng khách mua táo giảm 30%. Nếu trước đây khách hàng ít khi suy tính khi chọn loại trái cây này thì nay họ xem rất kỹ, nhưng lại không mua mà bỏ đi. Nếu trước đây có khoảng 10-15 loại táo khác nhau của Australia và New Zealand, nay chỉ còn khoảng 7 loại được trưng bày.

Khảo sát của VnExpress.net tại một số chợ ở TP HCM như Bà Chiểu, Thị Nghè, Văn Thánh (quận Bình Thạnh), Phạm Văn Hai (Tân Bình), nhiều tiểu thương cũng phàn nàn doanh số sụt giảm gần 50%.

Theo tiểu thương ở chợ Văn Thánh, nếu trước đây một ngày bán được gần chục kg táo Australia thì nay chỉ được vài kg, chủ yếu là những khách quen đặt hàng.

Còn chị Lan, tiểu thương chợ Thị Nghè cho biết, sau khi nghe thông tin trên, số lượng trái cây ngoại của chị bán ra cũng giảm 40% buộc chị giảm cung cấp loại trái cây này và tăng lượng trái cây nội lên.

Để chứng minh với khách hàng, một số đầu mối kinh doanh còn chụp ảnh kho hàng cùng chứng từ nhập khẩu, kiểm dịch của Cục Bảo vệ Thực vật.

Trước sự phản ảnh thiệt hại của các doanh nghiệp cũng như tiểu thương về tin đồn trên, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực Vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Nguyễn Xuân Hồng cho rằng thông tin trên không chính xác. Cục cũng chưa bao giờ cung cấp thông tin như vậy.

Theo Cục Bảo vệ Thực vật, từ đầu năm đến nay Việt Nam đã nhập khẩu 10.229 tấn táo Mỹ, 3.475 tấn táo New Zealand và khoảng 2.000 tấn táo từ Australia. Bên cạnh đó, một số lượng nhỏ táo nhập từ Canada và EU. Tỷ lệ này chiếm 41,7% trong tổng số táo nhập vào Việt Nam. 58,3% là lượng táo nhập từ Trung Quốc.

Cách phân biệt táo Trung quốc và New Zealand

Đại diện Công ty Rau quả Bình Thuận cho biết, hiện Trung quốc chỉ bán giống táo Fuji sang Việt nam. Fuji Trung quốc có màu hồng hơn Fuji từ các nước khác, có thể phân biệt bằng mắt thường. Tuy nhiên, số lượng táo Fuji từ các nước khác xuất sang Việt nam không nhiều, trong khi đó, táo từ các nước châu Âu khác hẳn Fuji về màu sắc và hình dạng. 

Cụ thể, quả táo New Zealand bên ngoài màu vàng đỏ sẫm, nặng; bên trong nhiều nước giòn và ngọt hơn táo Trung Quốc. Quả táo Trung Quốc màu vàng đỏ nhạt, nhẹ, bên trong xốp và bột... Nếu 2 quả táo có cùng kích cỡ thì táo New Zealand bao giờ cũng nặng hơn ít nhất khoảng một gram so với táo nhái thương hiệu.

Theo Hồng Châu

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG