Truy tìm hóa chất cực độc giúp trái cây một tháng vẫn... tươi

Chất bột được hòa tan còn để tiêm thẳng vào trái cây. (Ảnh Nguyên Hoàng)
Chất bột được hòa tan còn để tiêm thẳng vào trái cây. (Ảnh Nguyên Hoàng)
Vào vụ trái cây năm nay, trên thị trường hóa chất "chợ đen" vừa xuất hiện một “sát thủ” mới đang được những người buôn trái cây vô lương tâm săn tìm. Theo đồn đại, trái cây ngâm loại hóa chất này có thể tươi lâu cả tháng.
Truy tìm hóa chất cực độc giúp trái cây một tháng vẫn... tươi ảnh 1

Trái cây được nhúng thẳng vào hóa chất mới được hòa tan tại vựa trái cây ở Q.12,TP.HCM (Ảnh Nguyên Hoàng) Thợ ngâm trái cây bị bỏng tay

Được một lái buôn tên T., giới thiệu, trong vai người cần mua sỉ trái cây để bán lại, chúng tôi thâm nhập vào một cơ sở trái cây tại ngã tư An Sương , P. Trung Mỹ Tây, Q.12 (TP.HCM). Tại đây, dù chỉ mới hơn 10h sáng nhưng không khí bên trong cơ sở này đã nóng hầm hập, mùi xoài, mít, sầu riêng hăng hắc trộn lẫn vào nhau. Chỉ trong vòng 30 phút, đã có đến 3 chiếc xe tải ra vào chở trái cây, quá trình buôn bán diễn ra tấp nập, hàng chục tấn trái cây nhập về chất thành từng đống lớn.

Đã được “mớm” trước, chúng tôi vào đề và đặt hàng loại hóa chất làm hoa quả luôn tươi ngon một cách rất suôn sẻ. Không nghi ngờ, chủ vựa trái cây tên Phượng (khoảng 40 tuổi, ở ngã tư An Sương) tỏ ra nhiệt tình: “Các anh chị yên tâm, hóa chất để giữ hoa quả tươi lâu năm nay lại có hàng mới. Chỗ bạn hàng quen biết chỉ cần thương lượng, bên em sẽ giao hàng đảm bảo chất lượng”.

Qua quan sát, vựa trái cây của bà chủ này không rộng lắm nhưng số lượng nhân công và khách hàng giao dịch khá đông. Tranh thủ trò chuyện cùng một nữ công nhân đang ngồi miệt mài dùng giấy để bọc bên ngoài trái xoài, chị này cho biết: “Tụi em được chia ra nhiều bộ phận, tổ em gồm 4 người chuyên có nhiệm vụ dùng giấy bọc vỏ cho trái cây đỡ dập. Ngoài ra còn có tổ rửa quả, tổ hóa chất, tổ đóng thùng và bốc vác, hàng ngày làm liên tục từ 5h sáng đến 12h đêm”.

Chúng tôi vờ đi vệ sinh rồi rẽ vào một căn phòng nhỏ, chỉ có mỗi một lối đi nhỏ xíu. Vào sâu bên trong, chúng tôi bắt gặp cảnh hai người đàn ông và một phụ nữ, chân đi ủng, đầu đội nón, bịt khẩu trang kín mít và mặc cả áo mưa. Thấy có người lạ, cả 3 người đều dừng việc nhưng khi chúng tôi giới thiệu là người quen của bà chủ, những công nhân này lại thản nhiên tiếp tục làm việc.

Vựa trái cây của Phượng làm ăn theo một quy trình rất chuyên nghiệp. Đầu tiên, những người đàn ông sẽ bưng từng khay trái cây gồm các loại xoài, mận, dưa hấu, chuối... xếp thành từng hàng bên ngoài, sau đó 3 người đàn ông trong bộ phận hóa chất có nhiệm vụ vặn nước từ vòi vào một phuy to không nắp đậy, bỏ một loại chất bột màu trắng có mùi hăng hắc vào, họ dùng cây khuấy đều rồi ném trái cây vào ngâm.

Xòe đôi bàn tay cho chúng tôi xem, anh M., một công nhân tham gia vào tổ hóa chất còn thật thà: “Chị xem tay tôi này, bỏng rát, rộp da, mặc dù đã mang bao tay cẩn thận nhưng nhiều hôm vẫn tê buốt, mất cảm giác. Loại hóa chất này độc lắm nên ngay cả bà chủ còn kêu chúng tôi không nên ăn trái cây ở đây. Mấy cái này là đem bán cho người ta ăn thôi. Bà chủ và công nhân mà muốn ăn thì chỉ tới nhà vườn hái từ trên cây xuống rồi đem về nhà bỏ tủ lạnh dùng dần. Trái cây ngâm như thế này, ăn nhiều có mà ung thư à”.

Bột lạ là “anh em” với… thuốc diệt cỏ!

Về hóa chất, qua nhiều ngày thâm nhập thị trường hoa quả, chúng tôi phát hiện các tiểu thương sử dụng nhiều loại hóa chất ngâm, xịt khác nhau chứ không đơn thuần chỉ một loại. Tuy nhiên, hai dạng được sử dụng nhiều nhất là hóa chất dung dịch đặc, được pha loãng vào nước và phun thẳng lên trái cây. Thời điểm này, các thương lái ưa dùng nhất là loại hóa chất dạng bột. Khi hòa tan vào nước, loại hóa chất bột này không màu, không mùi. Trái cây được ngâm trong thời gian dài nhưng cũng không bốc mùi, vì vậy khách mua hàng rất khó phân biệt.

Tìm đến chợ hóa chất Kim Biên (TP.HCM) để “truy” nguồn gốc loại hóa chất mới mà cánh thương lái hoa quả rất ưa chuộng này, chúng tôi được những người bán hàng nhiệt tình. “Loại bột nói trên là của Trung Quốc, thích hợp nhất để dùng pha vào nước ngâm trái cây. Loại này mới nhập về từ sau Tết Nguyên đán năm nay, được “đối tác” khẳng định giúp chống hư, ủng và giữ tươi cho quả ít nhất một tháng. Người khác mua chị lấy 400.000 đồng/kg. Nhưng nếu em có nhu cầu lớn, chị tính rẻ thôi, chỉ 300.000 đồng/kg”, một người bán hàng chèo kéo.

Để lấy lòng khách, chị này còn “bồi thêm”: “Em cứ mua loại hóa chất mới này đi rồi chị sẽ bày thêm cho cách ép chín và bảo quản nhiều loại hoa quả khác. Này nhé, chuối là trái cây nhanh chín và dễ hỏng nhất nên chị dùng amoniac hoặc là sulful dioxide ngâm vào khoảng 5 tiếng rồi vớt ra, đảm bảo vỏ quả chín vàng đẹp nhưng để lâu không hư. Còn đối với nhãn thì chị cứ phun trực tiếp lưu huỳnh lên cho chị, không đẹp, không bắt mắt mấy bà đi chợ là chị không lấy tiền”.

“Thời buổi bây giờ biết đi đâu mà mua trái cây không ngâm hóa chất, ăn vô thì chắc cũng lâu lắm, mấy chục năm mới phát bệnh, hơn nữa đâu phải cả đời mình sống toàn ăn trái cây, lâu lâu ăn thì không sao đâu. Dân buôn bán cần nhất là kiếm lời lãi, mình làm ăn theo kiểu bán hàng mà không hóa chất thì sao đua lại người ta”, một chủ vựa trái cây, miệng vừa nói, tay vừa nhúng chuối vào xô hóa chất pha sẵn.

Trao đổi với PV, Thạc sỹ Đỗ Minh Hiền, Phòng công nghệ sau thu hoạch Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, cho biết: “Loại bột thương lái đang sử dụng có cả chất 2,4 D (chất diệt cỏ). Đây là loại chất cực độc và rất nguy hiểm, khi thâm nhập cơ thể con người sẽ gây nhiều loại bệnh ung thư khó lường”.

Cơ quan chức năng đành… bó tay ?!

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Đức Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật TP. HCM, cho biết: “Trước đây, chi cục đã lấy mẫu trái cây Trung Quốc để kiểm nghiệm nhưng do thiết bị còn hạn chế nên chưa tìm ra được các chất bảo quản độc hại. Để kiểm tra những chất này cần phải có máy móc thiết bị hiện đại hơn”.

Đại diện cán bộ Sở Y tế TP.HCM cho biết thêm: “Chúng tôi thừa nhận thực trạng ngâm tẩm hóa chất độc hại để bảo quản trái cây đã diễn ra lâu nay và cơ quan y tế cũng đã nhiều lần lấy mẫu để kiểm tra nhưng “lực bất tòng tâm” vì không có phương tiện để truy tìm tận gốc những chất độc hại. Chỉ riêng kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu cũng chỉ tìm được 20-30 loại chứ chưa thể phát hiện được hết hàng trăm loại có trong danh mục cho phép sử dụng”.

Theo Nguyên Hoàng

Theo Chất lượng Việt Nam
MỚI - NÓNG