Trách nhiệm của ai?

Trách nhiệm của ai?
TP - Sau Hà Giang, Sơn La, nay lại tới Hòa Bình. Chưa bao giờ tiêu cực, gian lận trong thi cử tại một kỳ thi quốc gia lại bùng phát và bị phanh phui nhiều đến vậy. Và cũng chưa bao giờ, nhiều cán bộ giáo dục làm công tác thi cử liên tiếp bị khởi tố, bắt tạm giam đến thế. Niềm tin vào sự công bằng, khách quan trong kỳ thi quan trọng nhất của đời học sinh đang bị xói mòn bởi những vụ việc gian lận nói trên.

Song ở chiều ngược lại, chính quyết tâm làm tới cùng, công khai và minh bạch những địa phương có “điểm cao bất thường” năm nay, đã và đang lấy lại niềm tin và hy vọng của xã hội. Hy vọng cho những mùa thi trong sạch vào các năm tiếp theo.

Nhớ lại những vụ tiêu cực thi cử gây chấn động dư luận nhiều năm về trước, nếu như ở vụ Phú Xuyên (Hà Tây cũ) năm 2006 hay Ðồi Ngô (Bắc Giang) năm 2012, việc phát hiện ra tiêu cực ném bài thi chính là thí sinh hay giám thị nhờ quay video clip tại chỗ, thì năm nay phải nhờ tới công cụ thống kê chúng ta mới có thể “khoanh vùng” và phát hiện ra tiêu cực. Ðiều đó cho thấy, gian lận thi cử giờ đã tinh vi và “công nghiệp hóa” lên gấp nhiều lần.

Ðương nhiên, sai phạm nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực nào thì tư lệnh lĩnh vực đó ắt sẽ phải chịu sự “phán xét” lẫn chất vấn của báo chí và công luận. Bộ trưởng Bộ GD&ÐT đã phải lên tiếng, đã bước đầu đưa ra quan điểm và giải pháp để giải quyết vấn đề. Chắc rằng, trong những phiên họp quốc hội sắp tới, ông cũng sẽ nhận được không ít câu hỏi chất vấn của các ÐBQH xung quanh Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 đầy “sóng gió” này.

Chỉ lạ là, chưa thấy hoặc ít thấy báo chí chất vấn mạnh mẽ trách nhiệm của các vị lãnh đạo địa phương nơi để xảy ra tiêu cực thi cử vừa qua. Nên nhớ rằng, đây là năm thứ hai, các tỉnh thành được giao chủ trì cụm thi THPT Quốc gia của tỉnh nhà – không phân biệt cụm thi chỉ để tốt nghiệp hay chỉ để xét tuyển vào ÐH như một vài năm trước. Và do đó, dư luận buộc phải đặt câu hỏi, liệu có phải vì đề khó và vì địa phương “chủ trì” mà tiêu cực nghiêm trọng bùng phát? Trách nhiệm của các vị lãnh đạo địa phương, lãnh đạo sở GD&ÐT được giao trọng trách chủ trì những cụm thi này ở đâu ? Rồi đây, thiết nghĩ HÐND các địa phương này cũng cần phải chất vấn trách nhiệm của những người phụ trách lĩnh vực, người đứng đầu ngành GD địa phương về vấn đề này.

Những người vi phạm pháp luật đã (và có thể còn tiếp tục) bị khởi tố, bắt giam. Ðó là điều tất yếu trong một xã hội thương tôn pháp luật. Thế nhưng, trách nhiệm giải trình, trách nhiệm phụ trách lĩnh vực tại địa phương, sở, ngành… vẫn còn nguyên trước công luận và cử tri cả nước.

MỚI - NÓNG