Gian lận điểm thi: Trường ĐH có ‘sàng lọc’ lại thí sinh kém chất lượng

TPO - Đại diện một số trường đại học top trên bày tỏ sự hoài nghi đối với kết quả thi THPT quốc gia 2018 và lo chất lượng đầu vào sau hàng loạt nghi vấn tiêu cực về điểm thi tại Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình. Tuy nhiên, lãnh đạo các trường vẫn khẳng định, sẽ không có một bài kiểm tra đầu vào nào cả mà chính quá trình học là “sàng lọc” nếu có lượng thí sinh kém chất lượng này đã “chui lọt”.

Hy vọng là số ít, sẽ không “sàng lọc” thêm nữa

GS. TS Trần Thọ Đạt, hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, việc các tỉnh có gian lận kết quả của kỳ thi THPT quốc dân có gây cho trường lo lắng nhưng cá nhân ông hy vọng rằng, đây chỉ là số ít.

GS Đạt cho rằng, với mỗi sinh viên của trường, điểm đầu là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục tuy nhiên không phải yếu tố duy nhất.

“Tôi có nói với sinh viên của mình, điểm của kỳ thi THPT quốc gia sẽ là quá khứ, hiện tại điều quan trọng nhất với các em là sẽ có phương pháp, kế hoạch học tập thế nào. Nó phụ thuộc vào cả quá trình đào tạo. Điểm đầu vào không phải là yếu tố duy nhất”- GS Đạt nhấn mạnh.

Cũng theo GS Đạt, trên thực tế, ĐH Kinh tế quốc dân đã sàng lọc sinh viên bằng cách qua các môn học, những môn học hạt nhân có yêu cầu chặt chẽ mà nếu học sinh yếu thì qua kênh sàng lọc này sẽ không thể lọt qua được.

Mặt khác, GS Đạt cho rằng, năm nay, trường không muốn có một bài kiểm tra đầu vào nữa vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của các em.

Chia sẻ với báo chí, GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại cho biết, 3 năm trở lại đây, trường ĐH Thương Mại xét tuyển trên cơ sở kết quả kỳ thi THPT quốc gia.

Theo GS Sơn, kết quả kỳ thi THPT quốc gia được coi là căn cứ khách quan để trường tổ chức xét tuyển vì kỳ thi THPT quốc gia đã có sự tham gia chủ trì (năm 2016), phối hợp (năm 2017, 2018) chứ không phải kỳ thi hoàn toàn do địa phương tổ chức nên kết quả có độ tin cậy nhất định.

Ngoài ra, trong quá trình tổ chức đào tạo tại trường, trường ĐH Thương Mại tiếp tục thực hiện cơ chế sàng lọc để đảm bảo chất lượng đầu ra. Điều đó cũng có nghĩa những sinh viên không đủ năng lực học tập sẽ không có cơ hội tiếp tục học tập tại trường. 

“Đây cũng có thể coi là giải pháp hỗ trợ cho công tác tuyển sinh từ kết quả thi THPT quốc gia”- GS Sơn nói.

Kết quả thi THPT Quốc gia chỉ như một điều kiện sơ tuyển?

Trao đổi với PV Tiền Phong sáng 3/8, PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Trưởng phòng Đào tạo, Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội cho biết, năm nay trường vẫn sẽ dựa hoàn toàn vào kết quả của kỳ thi THPT quốc gia mà không có thêm bất kì bài kiểm tra hay khảo sát thí sinh thêm. Trước câu hỏi :“dự kiến năm tới trường ĐH Bách khoa Hà Nội có tổ chức thêm kỳ thi kiểm tra đầu vào không khi thi cử như vừa rồi khó biết được thí sinh nào giỏi thật?, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, việc tổ chức một kỳ thi riêng hay một phương thức tuyển sinh khác, chúng tôi cũng đã có suy nghĩ và cũng sẽ có những đề xuất. Tuy nhiên, cũng theo ông Tớp, việc tổ chức một kỳ thi riêng không hề đơn giản mà phải chuẩn bị hết sức chu đáo để đảm bảo công bằng, khách quan cho người học cũng như tránh tình trạng tổ chức công phu nhưng lượng thí sinh "ảo" lớn.  Có thể từ năm 2018-2019 chúng tôi sẽ đề xuất và xem xét phương án tuyển sinh của ĐH Bách khoa Hà Nội, dựa trên cơ sở của kết quả thi THPT Quốc gia các năm tới. Dự kiến, trong tương lai, kết quả thi THPT Quốc gia chỉ như một điều kiện sơ tuyển. Nhưng điều này phải được cân nhắc một cách khoa học và cẩn trọng”- ông Tớp nhấn mạnh. 
MỚI - NÓNG