Trả lại vẻ đẹp đồng bộ cho khu phố cổ

Phố cổ sẽ không còn nhếch nhác với các loại vải bạt che nắng.
Phố cổ sẽ không còn nhếch nhác với các loại vải bạt che nắng.
TP - Những ngày nắng nóng, phố Hàng Đào, Hàng Ngang xuất hiện muôn vàn bạt, dù đủ màu. “Lớp áo chống nắng” này khiến khu phố cổ nhếch nhác, gây khó khăn cho việc đi lại của khách du lịch.

Nằm trên trục đường Bắc- Nam, nên dù sáng hay chiều, phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường… đều hứng trọn nắng nóng của ngày hè. Để tránh nắng, người ta kéo mái hiên di động ra hết cỡ. Từ 14 giờ, phố Hàng Đào từ Gia Ngư đến Hàng Bạc chi chít những mái hiên đủ loại san sát nhau, mái dài, mái ngắn, có cái  được kéo đến nỗi mái vẩy ra tận lòng đường. Nhiều mái hiên do sử dụng lâu đã rách nát, phần khuỷu kéo bị cong vênh, hết sức nguy hiểm.

Cùng với đó là những tấm dù, bạt chắn nắng đủ màu giăng kín mặt tiền các phố. Chủ cửa hàng số 41 Hàng Đào cho biết, do phường không cho phép đóng móc trên vỉa hè, nên người dân đóng móc xuống dưới lòng đường để giăng dù, bạt. Có nhà còn dùng vài viên gạch vỡ nham nhở để căng bạt. Nhiều nhà không có móc buộc, nên để vắt lên dây cáp viễn thông hoặc để mặc xô lệch gây phản cảm. Lớp “áo chống nắng” của phố cổ không chỉ gây mất mỹ quan, nhếch nhác đô thị, mà còn gây khó khăn cho người đi bộ.

Ngày 17/6, Sở Quy hoạch- Kiến trúc có văn bản gửi UBND quận Hoàn Kiếm về phương án cải tạo, chỉnh trang mái hiên, biển quảng cáo trong khu phố cổ, quận Hoàn Kiếm. Theo đó, thống nhất về chủ trương đề xuất chỉnh trang mái hiên, biển quảng cáo trên các tuyến phố Hàng Đào và Hàng Buồm- Mã Mây trong khu phố cổ với cùng phong cách, hình thức đồng bộ nhằm nâng cáo giá trị không gian kiến trúc cảnh quan. Các hộ dân phải dỡ bỏ triệt để những loại mái đang sử dụng mà không gắn liền với kiến trúc công trình, thay thế bằng mái hiên mới theo mẫu thiết kế của Ban quản lý phố cổ. Chi phí do các đơn vị, doanh nghiệp, các chủ nhà, chủ kinh doanh mặt phố tự chi trả 100%.

Tuy nhiên, ý kiến này vấp phải sự phản đối của người dân. Chủ cửa hàng số 13 Hàng Đào cho rằng, mái tôn theo thiết kế của phường chỉ kéo dài đến nửa vỉa hè. Nắng vẫn hắt vào nửa gian nhà, khiến nhiệt độ trong nhà nóng không khác gì ngoài đường. Ngoài ra, khi có mưa to, nước hắt thẳng vào nhà gây ngập úng. Ông này cho biết thêm, chi phí lắp đặt của mái hiên ở cửa hàng này lên đến 11 triệu đồng. “So với mái hiên di động trước đây giá gấp 10 lần mà tác dụng gần như bằng không” - người này bức xúc.

Ông Phạm Tuấn Long, Phó Ban quản lý phố cổ Hà Nội thông tin, trong ngày 18/6, BQL sẽ có buổi tiếp xúc với người dân để lấy ý kiến việc thực hiện cải tạo, thay thế mái hiên trên 2 tuyến phố trên. Theo ông Long, sẽ có 4 phương án mái hiên: Mái hiên cố định, mái hiên kéo thả, mái hiên di động trục khuỷu, mái hiên di động khớp trượt. Chất liệu mái hiên sẽ do người dân tự lựa chọn nên giá cả sẽ theo chất liệu. Khoảng cách vươn xa tối đa của mái hiên di động đảm bảo khoảng cách tối thiểu với mép vỉa hè 1m, không ảnh hướng đến lối đi bộ, đảm bảo tầm nhìn của các phương tiện tham gia giao thông. Tương tự, mành che nắng và biển hiệu tại khu phố cổ cũng sẽ được đồng bộ về kích thước, màu sắc, phù hợp với kiến trúc khu phố cổ và điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa. “Thời gian tới, mái hiên, mành che rách nát, nhếch nhác như hiện nay sẽ không còn, phố cổ sẽ được trả lại vẻ đẹp vốn có của nó” - ông Long khẳng định.

Các hộ dân phải dỡ bỏ triệt để những loại mái đang sử dụng mà không gắn liền với kiến trúc công trình, thay thế bằng mái hiên mới theo mẫu thiết kế của Ban quản lý phố cổ. Toàn bộ chi phí do các đơn vị, doanh nghiệp, chủ nhà, chủ kinh doanh mặt phố tự chi trả.

MỚI - NÓNG