TPHCM 'xoay xở' thế nào để bù lấp 8.000 phòng học còn thiếu?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, nếu xét tiêu chuẩn ngành giáo dục, hiện TPHCM thiếu khoảng 5.000 phòng học. Còn chiếu theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố với 300 phòng học/một vạn dân thì thành phố thiếu khoảng 8.000 phòng học.

Sáng 27/3, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với TPHCM về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố.

TPHCM 'xoay xở' thế nào để bù lấp 8.000 phòng học còn thiếu? ảnh 1

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng đoàn giám sát làm việc với TPHCM sáng 27/3. Ảnh: Ngô Tùng

Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường, tính phù hợp với khả năng tiếp thu của các đối tượng học sinh tại TPHCM. Các cơ sở giáo dục đã tổ chức dạy học linh hoạt theo Khung kế hoạch thời gian năm học hằng năm theo quyết định mà Bộ GD&ĐT và UBND TPHCM ban hành; đồng thời cũng được chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường.

TPHCM 'xoay xở' thế nào để bù lấp 8.000 phòng học còn thiếu? ảnh 2

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức báo cáo tại buổi làm việc.

Về sách giáo khoa của chương trình mới, nội dung phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của chương trình mới, phù hợp với đối tượng học sinh trong nhà trường, được viết theo hướng mở, tạo điều kiện cho giáo viên sử dụng và tổ chức dạy học linh hoạt, đặc biệt là hệ thống bài tập. SGK bảo đảm các yêu cầu về tính mỹ thuật, kỹ thuật trình bày, kênh hình, kênh chữ tạo được lôi cuốn học sinh, nội dung từ cuộc sống thực tế, nên gần gũi, dễ hiểu, dễ tiếp thu. Giá SGK mới về cơ bản là phù hợp với điều kiện của kinh tế, xã hội của địa phương, mức sống của người dân.

Theo lãnh đạo UBND TPHCM, nội dung giáo dục địa phương là thành phần của chương trình mới, tuân thủ các quy định nêu trong chương trình tổng thể, có chú ý đến đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội, văn hóa, dân cư của thành phố. Nội dung được thiết kế theo hướng mở, linh hoạt để có thể điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện của các đơn vị khác nhau, phù hợp với khả năng của giáo viên, các nhóm đối tượng khác nhau, thực tiễn dạy học ở nhà trường, song vẫn bảo đảm trình độ chung của giáo dục phổ thông trên cả nước.

Trên cơ sở triển khai thực tế, UBND TPHCM đề xuất với Quốc hội, Chính phủ sớm xây dựng cơ chế chính sách cho giáo viên dạy 2 buổi/ngày; cho phép nhà trường được hợp đồng với các vị trí việc làm không tuyển dụng được (còn trong chỉ tiêu định biên) và ngân sách cấp bù để chi trả lương cho đối tượng này khi thực hiện quy định không thu tiền học phí buổi thứ 2 đối với học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Lãnh đạo TPHCM cũng kiến nghị Trung ương có thêm các chính sách ưu đãi, cụ thể là đất đai và thủ tục hành chính để huy động thêm nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, phát triển mạng lưới trường học được trang bị cơ sở vật chất để đảm bảo điều kiện chương trình mới.

Lãnh đạo TPHCM cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT và các bộ liên quan có văn bản hướng dẫn về việc ngân sách đảm bảo kinh phí, bổ sung kinh phí cho công tác tập huấn, bồi dưỡng chương trình mới, để Sở GD&ĐT TPHCM có căn cứ đề xuất TP. Thủ Đức, các quận huyện cấp bổ sung kinh phí, dự toán kinh phí cho các cơ sở giáo dục thực hiện. Cạnh đó cần có cơ chế tài chính riêng cho công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ viên chức ngành giáo dục và đào tạo thành phố.

Điều chỉnh vị trí việc làm trong trường phổ thông, cụ thể là bổ sung vị trí việc làm đối với giáo viên hai môn tiếng Anh, Tin học; có văn bản hướng dẫn về tuyển dụng, xây dựng cơ chế, chế độ riêng cho giáo viên hai môn này để thu hút, giữ chân đội ngũ này gắn bó với giáo dục tiểu học.

Tính toán lại nhu cầu xây dựng cơ sở trường học

TPHCM 'xoay xở' thế nào để bù lấp 8.000 phòng học còn thiếu? ảnh 3

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi các vấn đề liên quan. Ảnh: Ngô Tùng

Làm rõ thêm một số vấn đề thực tiễn công tác triển khai các nghị quyết, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết mảng y tế, giáo dục của thành phố đối mặt rất nhiều khó khăn. Dân số thành phố theo hệ thống quản lý là khoảng 10 triệu người, nhưng thực tế đã trên 13 triệu người. Cùng với đó, số lượng bà con nhân dân các vùng miền đến thành phố rất nhiều. Do đó, các vấn đề quy hoạch, tính toán đều mang tính tương đối.

Theo ông Mãi, TPHCM đã chỉ đạo xây dựng đề án tự chủ trong y tế, giáo dục, văn hóa xã hội. Trước khi dịch COVID-19, lĩnh vực này có điều kiện thực hiện, nhưng khi dịch xảy đến thì các đơn vị tự chủ này vô cùng khó khăn, phải chi trả lương ở mức cơ sở, không có nguồn thu.

Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, nếu xét tiêu chuẩn ngành giáo dục, hiện TPHCM thiếu khoảng 5.000 phòng học. Chiếu theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố (300 phòng học/ một vạn dân) thì thành phố thiếu khoảng 8.000 phòng học. Với chi phí xây dựng rơi vào 1,6 tỷ đồng/ phòng học, khoản tiền thực hiện mục tiêu này là rất lớn. Do đó, TPHCM sẽ làm việc với các sở liên quan để đánh giá, tính toán nhu cầu xây dựng cơ sở vật chất của khối văn hóa xã hội, đáp ứng mục tiêu trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG
Cảnh tượng chưa từng có ở Hưng Yên
Cảnh tượng chưa từng có ở Hưng Yên
TPO - Concert Anh trai vượt ngàn chông gai tại Hưng Yên tối 14/12 hút hàng chục nghìn khán giả. Nhiều người cố săn vé ngay sát giờ diễn, bất chấp giá cao. Trong thời gian chờ đợi các nghệ sĩ xuất hiện, hàng chục nghìn khán giả hát vang Quốc ca.