Quốc hội cũng yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền về triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đổi mới căn bản và toàn diện phương pháp dạy và học, đặc biệt môn học Lịch sử; nghiên cứu tiếp thu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội về môn học Lịch sử là môn học bắt buộc trong Chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông; kiểm soát chặt chẽ việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa; bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật Giá.
Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật Giá. Ảnh: Như Ý |
Trước mắt, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các Bộ liên quan có biện pháp hạ giá thành sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá sách giáo khoa đối với học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nghiêm túc thực hiện đúng các quy định về tài liệu tham khảo, tránh lãng phí.
Cùng với đó, Quốc hội cũng yêu cầu sớm có biện pháp ổn định tổ chức bộ máy và tâm lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong ngành y tế từ trung ương đến địa phương trong bối cảnh có nhiều trường hợp bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân; tháo gỡ các vướng mắc, bất cập để triển khai đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị vật tư y tế.
Liên quan lĩnh vực giao thông vận tải, Nghị quyết về chất vấn của Quốc hội yêu cầu các cơ quan rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về hình thức thu phí không dừng cho phù hợp với thực tiễn. Trong năm 2022, giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập về trạm thu phí, dự án BOT, hoàn thành triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng.
Hỗ trợ người có thu nhập thấp
Về hoạt động chất vấn, Nghị quyết được Quốc hội thông qua yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tính toán kỹ khi điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, các mặt hàng điều chỉnh giá theo lộ trình cần đánh giá kỹ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, việc chấp hành pháp luật về giá; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; có giải pháp hỗ trợ người có thu nhập thấp, người yếu thế khi giá cả mặt hàng thiết yếu tăng cao, đặc biệt là giá xăng dầu và giá sách giáo khoa.
Rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán, cũng như các quy định về điều kiện chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, yếu thế và chế tài xử phạt; thiết lập thị trường giao dịch tập trung đối với trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm tăng tính công khai, minh bạch của thị trường.
Tuyệt đối không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực
Phát biểu bế mạc kỳ họp chiều 16/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (ảnh) cho biết, sau 19 ngày làm việc sôi nổi, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 3 đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.
Theo Chủ tịch Quốc hội, lần đầu tiên tại một kỳ họp, có 5 dự án quan trọng quốc gia được xem xét quyết định chủ trương đầu tư, nâng tổng số dự án mà Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ lên 6 dự án với tổng mức đầu tư 392.644 tỷ đồng. Đây đều là những dự án giao thông trọng điểm, có ý nghĩa cấp bách, lan tỏa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các vùng và từng địa phương.
“Cùng với việc cho phép áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù chưa có tiền lệ, Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình, công khai, minh bạch, tuyệt đối không được để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, trục lợi chính sách, làm lãng phí, thất thoát tiền và tài sản Nhà nước”, Chủ tịch Quốc hội nêu.
THÀNH NAM