Ngày 28/3, đoàn công tác của Bộ Y tế đã làm việc tại BV Nhi Đồng 1 TPHCM về công tác thu dung, điều trị bệnh sởi.
Theo báo cáo của ngành y tế TPHCM, bệnh sởi trên địa bàn gia tăng từ tháng 6/2024 với đỉnh là tuần thứ 50 và hiện nay đang có xu hướng giảm. Trong 3 tháng đầu năm 2025, thành phố ghi nhận 1.520 bệnh nhi mắc sởi điều trị nội trú tại Nhi Đồng 1, trong đó có 229 ca nặng và bệnh nhi ngoài địa bàn TPHCM chiếm 68,9%. Đáng chú ý, bệnh nhi dưới 9 tháng tuổi mắc sởi luôn chiếm tỷ lệ cao, trên dưới 40% tổng số ca bệnh.
Trên phạm vi toàn địa bàn TPHCM, BS Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố (HCDC) cho biết, kể từ khi ghi nhận ca sởi đầu tiên vào tháng 2/2024, đến nay thành phố đã ghi nhận tổng cộng hơn 20.300 ca trong đó có hơn 12.000 ca ngoài địa bàn TPHCM. Hơn 12.300 ca phải điều trị nội trú.
![]() |
Đoàn công tác Bộ Y tế khảo sát hoạt động thu dung, điều trị bệnh sởi cho trẻ tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 |
Ngành y tế thành phố đã chủ động thực hiện các chiến dịch tiêm vắc xin cho nhóm nguy cơ. Khoảng trống tiêm ngừa sởi diện tiêm chủng mở rộng trước đó được lấp đầy. Khi tỷ lệ chích ngừa đạt 95%, toàn địa bàn TPHCM bắt đầu tái lập miễn dịch cộng đồng về bệnh sởi. Nhờ đó, từ đầu năm 2025 tới nay, xu hướng bệnh sởi đã giảm dần.
Hiện nay, nhiều phường xã trên địa bàn thành phố đạt tiêu chí 23 tuần liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới. Ngày 27/3 thành phố đã chính thức công bố hết dịch sởi tại 22 phường xã và đang tiếp tục khảo sát các địa phương để tiếp tục công bố hết dịch.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, trong khi dịch sởi tại TPHCM và các tỉnh phía Nam hạ nhiệt thì hiện nay một số tỉnh phía Bắc dịch đang gia tăng. Thứ trưởng đề nghị ngành y tế TPHCM và các bệnh viện tiếp tục duy trì biện pháp dự phòng và điều trị để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh đó, ông Thuấn đề nghị các đơn vị liên quan tăng cường tiêm phòng sởi, sớm kiểm soát dịch bệnh tại các tỉnh phía Bắc.
“Các nước phát triển đã cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị từng bệnh hằng năm, có khi nửa năm, thậm chí hằng tháng. Chúng ta cập nhật chậm quá, riêng bệnh sởi này phải mất cả chục năm. Điều này phải sớm thay đổi để công tác thu dung, điều trị các bệnh truyền nhiễm hiệu quả hơn, an toàn hơn” - Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.