Đó là một trong những nội dung được nêu lên tại hHội thảo xin ý kiến sửa đổi Nghị định số 96/2023/NĐ-CP và Thông tư số 32/2023/TT-BYT quy định một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh diễn ra tại TPHCM ngày 28/3.
Theo ông Đỗ Trung Hưng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), nhóm kỹ thuật viên thực hiện phun xăm thêu thẩm mỹ trên da trước đây được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đào tạo và cấp chứng chỉ. Tuy nhiên, hiện nay Bộ này đã kết thúc hoạt động, một phần các nhiệm vụ chuyển sang Bộ Y tế.
![]() |
Phun, xăm, thêu trên da là dịch vụ thẩm mỹ có xâm lấn sẽ phải tuân thủ các điều kiện chuyên môn (ảnh minh họa) |
Theo quy định của Bộ Y tế, các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị can thiệp vào cơ thể (phẫu thuật, thủ thuật, tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) nhằm làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, tăng cân nặng, giảm cân nặng (giảm béo, giảm mỡ); khắc phục khiếm khuyết hoặc tạo hình theo ý muốn đối với các bộ phận trên cơ thể, tái tạo, phục hồi tế bào, dịch vụ xăm, phun, thêu trên da, sử dụng thuốc gây tê… phải được thành lập theo một trong các hình thức tổ chức là bệnh viện, phòng khám đa khoa hoặc phòng khám chuyên khoa.
Nếu thực hiện theo các quy định trên thì tất cả các cơ sở thẩm mỹ có các tên gọi khác nhau như thẩm mỹ viện, viện thẩm mỹ, spa… trước đây chỉ thuộc diện tự công bố và thuộc quyền quản lý của các quận huyện thì hiện nay đều không đạt các tiêu chí Bộ Y tế đề ra.
![]() |
GS.TS.BS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo |
Đa số ý kiến của các chuyên gia y tế đều đồng thuận đưa những thẩm mỹ viện vào diện quản lý về y tế. Việc quản lý sẽ căn cứ trên cơ sở cấp phép hoặc đơn vị hoạt động tự công bố thông tin người đứng đầu, danh mục kỹ thuật, nhân sự, cơ quan quản lý nhà nước sẽ thực hiện công tác hậu kiểm.
“Thời gian tới Bộ Y tế sẽ ban hành các lộ trình thực hiện, quy định rõ tất cả các dịch vụ can thiệp xâm lấn và sử dụng thuốc đều phải có chứng chỉ hành nghề và bắt buộc thực hiện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đây là giải pháp nhằm ngăn chặn tối đa nguy cơ tai biến cho người bệnh khi đi làm đẹp. Theo quy định này, chỉ tính riêng trên địa bàn TPHCM sẽ có vài chục nghìn cơ sở thẩm mỹ nếu không đảm bảo các tiêu chí sẽ phải đóng cửa” – ông Đỗ Trung Hưng nói.
GS.TS.BS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ đang tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo sửa đổi, nghị định và thông tư. Hai nhóm vấn đề trọng tâm đang được Bộ xin ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học gồm hành nghề khám bệnh chữa bệnh và điều kiện hoạt động đối với cơ sở khám chữa bệnh nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế góp phần triển khai hiệu quả Luật Khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian tới.