TPHCM: Nước ngầm “chùa” xài xả láng?

TPHCM: Nước ngầm “chùa” xài xả láng?
TP- Nhiều Cty, xí nghiệp quy mô lớn, có thương hiệu tuy lắp đặt đồng hồ nước nhưng cả tháng chỉ số tiêu thụ bằng 0 (hoặc không đáng kể) dù sản xuất ra hàng triệu sản phẩm; họ lấy nước ở đâu để sản xuất?

Thông tin do Tổng Cty cấp nước Sài Gòn (SAWACO) cung cấp đã gây xôn xao buổi giám sát của HĐND TPHCM vào chiều 8/9 về tình hình quản lý khai thác nước ngầm trên địa bàn thành phố.

Tiết kiệm nước máy hay “xài chùa” nước ngầm?

Ông Võ Quang Châu – Phó Tổng giám đốc SAWACO đã cung cấp cho các đại biểu phụ lục 2 và 3 liệt kê hàng loạt khách hàng lớn có mức tiêu thụ thấp một cách đáng ngờ.

Hóa đơn kỳ 8 năm 2008 của 20 hộ gia đình, Cty, xí nghiệp, ký túc xá … có chỉ số tiêu thụ bằng 0 (không sử dụng nước) hoặc chỉ vài mét khối nước.

Đơn cử: Xí nghiệp Ba Son, Cty TNHH SX-TM-DV Yên Khanh, Cty TNHH LARKHALL, BQL Trung tâm Thương mại An Đông, Cty Cổ phần rượu Bình Tây, Xí nghiệp Long Vũ XK, Đại học Bách Khoa TPHCM, Bệnh viện Thống Nhất, Cty Liên doanh xây dựng Khu chế xuất …đều có mức tiêu thụ nước kỳ 8 là 0 m3.

SAWACO cũng đặt nghi vấn về việc “tiết kiệm” nước máy “siêu đẳng” của 7 Cty, Xí nghiệp khác đang hoạt động trong khu công nghệ cao, các khu chế xuất, khu công nghiệp (Tân Bình, Tân Thuận, Tân Tạo, Lê Minh Xuân…).

“Đối chiếu với hóa đơn tiền nước các kỳ trước, rõ ràng mức tiêu thụ của kỳ 8 như vậy là rất bất thường. Nhân viên đọc số đã kiểm tra đồng hồ nước và không phát hiện có dấu hiệu gian lận nên chỉ còn hai khả năng là khách hàng ngưng hoạt động hoặc sử dụng nước ngầm thay nước máy”- Một cán bộ SAWACO khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Phước – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM (TNMT) cho biết:  theo quy định hiện nay, để bảo vệ nguồn tài nguyên này, việc khai thác, sử dụng nước ngầm của các đơn vị, hộ gia đình đều phải xin phép và đều được gắn đồng hồ nước để kiểm tra lượng nước ngầm khai thác hàng tháng.

“Kể từ tháng 6/2007, Sở TNMT kiên quyết không cấp phép cho các DN hoạt động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp đã có mạng cấp nước máy (trừ các ngành nghề đặc biệt không thể sử dụng nước máy để sản xuất như chế biến sữa ,…) những DN nào không chấp hành sẽ bị xử lý vi phạm” - Ông Phước nói.

Quản lý nguồn nước ngầm: Lúng túng

Theo báo cáo của Sở TNMT, hiện nay, Sở đang triển khai chương trình tổng điều tra hiện trạng khai thác nước ngầm. Kết quả kiểm tra bước đầu chỉ tính riêng 3 quận – huyện gồm Gò Vấp, Bình Chánh, Củ Chi đã có gần 100 nghìn hộ dân sử dụng nước ngầm.

Báo cáo chưa đầy đủ của các quận huyện thống kê có 220 nghìn hộ gia đình và khoảng 9.000 cơ sở sản xuất dịch vụ khai thác nước ngầm, lưu lượng khai thác ước tính đạt từ 550 – 600 nghìn m3/ngày đêm

Lãnh đạo Sở TNMT thừa nhận công tác quản lý, sử dụng, khai thác nguồn tài nguyên quý giá này hiện chưa hiệu quả. Tổng số giấy phép khai thác sử dụng đã cấp từ trước đến tháng 6/2008 là 768 giấy phép với tổng lưu lượng hơn 296 nghìn m3/ngày đêm, tức là quản lý chưa đến 50% lưu lượng khai thác thực tế hiện nay.

“Nhiều nơi chưa có nước máy, người dân phải sử dụng nước ngầm đã đành, ngay tại các khu vực đã có đường ống nước sạch, việc kiểm tra ngăn chặn tình trạng khai thác, sử dụng bừa bãi nước ngầm cũng chưa được thực hiện bài bản vì thiếu cán bộ chuyên trách” – Ông Phước thừa nhận.

Một trong những vấn đề đau đầu hiện nay là xử lý các giếng khoan hư hỏng hoặc đã ngưng khai thác. Nếu cơ quan chức năng thực hiện việc trám trét đúng kỹ thuật thì nhà nước phải bỏ ra kinh phí gần 100 tỷ đồng. Để người dân tự san lấp giếng thì sẽ tăng nguy cơ gây ô nhiễm mạng nước ngầm cả khu vực.

Theo ông Trương Trọng Nghĩa – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư thành phố, đã đến lúc quan tâm đến vấn đề “an ninh nguồn nước” và có giải pháp quản lý hiệu quả bởi nếu nguồn nước bị khai thác tràn lan, kiệt quệ hoặc ô nhiễm, hậu quả sẽ vô cùng ghê gớm.

MỚI - NÓNG