TPHCM: Những người không biết Tết

TPHCM: Những người không biết Tết
TP - 12 giờ đêm, bô rác nhỏ nơi cuối chợ Phước Bình, quận 9 vẫn có người đang lom khom bới nhặt. Ban đầu, tôi cứ nghĩ người nhặt rác là đàn ông bởi đêm hôm khuya khoắt thế này, chỉ có đàn ông mới đủ can đảm để lần mò. Tuy nhiên khi hỏi, tôi mới biết đó là một phụ nữ.

>> Người nghèo lo Tết đến

TPHCM: Những người không biết Tết ảnh 1

Người nghèo làm ăn trên phố trong dịp Tết

Chị tên Hoàn, quê ở Hà Tây, làm nghề nhặc rác và thu mua phế liệu đã được vài năm nay. Ở quê ruộng ít con đông, hai vợ chồng rủ nhau vào Sài Gòn buôn bán. Nói buôn bán là nói với người làng cho đỡ tủi, chứ thực ra là hai vợ chồng chọn nghề thu mua phế liệu để mưu sinh giữa chốn đô thị sầm uất này.

Chị Hoàn bảo: “Mùa Tết này là mùa làm ăn của chúng em nên không bỏ về quê được đâu anh ạ! Người ta lo dọn dẹp nhà cửa đón Tết, bỏ đi nhiều thứ lắm nên chúng em cũng có thêm chút tiền”.

Chị Hoài cũng cho biết thêm đây là cái Tết thứ 3 chị ở lại Sài Gòn, cực thì cực lắm nhưng nghĩ đến cảnh về quê biết bao nhiêu tiền phải chi ra, hai vợ chồng lại gắng gượng để ở lại.

Mà không chỉ có vợ chồng, trong khu trọ ở khu Hiệp Bình Phước, Thủ Đức còn có đến hơn 2 chục người nữa cùng quê với chị hiện cũng chọn con đường ở lại Tết để làm ăn.

Không chỉ những người nghèo nhập cư không mong Tết mà ngay cả những người đã sống ở TP này vài chục năm cũng chẳng muốn nhắc gì tới ngày này.

Khu Cù Lao Chà - phường 17, Bình Thạnh, những người dân đón Tết còn khốn khổ hơn. Đã gần 10 năm nay, những người dân nơi đây vẫn sống trong những căn nhà tạm, chờ để nhận nhà tái định cư. Vì thế mỗi cái Tết đến họ lại thêm một nỗi buồn.

Bà Huỳnh Thị Bảy- người bán thuốc lá lẻ ngay đầu xóm thở dài nói với tôi: “Có chi đâu mà Tết chú ơi! Nhà cửa xập xệ như vầy, mua đồ về cũng không có chỗ cúng. Mà tiền đâu mà mua hả chú?”. Câu chuyện buồn ở cù lao này đã rất nhiều người biết, rất nhiều người cảm thông nhưng dường như vẫn chỉ là… cảm thông.

Ngày trước, các hộ ở đây đã nhiệt tình nhường đất, nhường nhà cho việc giải tỏa để sử dụng vào mục đích phát triển xã hội và nhận những  lời hứa: Sau 2 đến 3 năm sẽ được cấp nhà mới. Nhưng lời hứa thì bay đi, người hứa cũng đã đi đâu mất, chỉ để lại cho những người dân hy vọng mỗi ngày một mong manh.

Cạnh khu vực họ đang ở đã có nhiều nhà rất to, rất đẹp được dựng lên nhưng rất tiếc căn nhà dành cho họ thì giờ vẫn đang lô nhô cọc sắt và chẳng biết đến bao giờ mới xong. Họ cũng đã kêu, kêu rất nhiều nhưng dường như chưa có ai đứng ra trả lời cho họ. Đơn vị thi công thì bảo họ chỉ biết xây, cấp phường cũng bảo họ chỉ là người thừa hành.

Dạo quanh thành phố, gặp không ít những người nghèo đang thờ ơ với cái Tết. Bên cạnh những gia đình đang lũ lượt mua sắm, chúng tôi cảm thấy dường như sự chênh lệch giữa người nghèo và người giàu ngày càng trở nên rõ rệt.

Cuộc sống phát triển nhưng đời sống của một tầng lớp dân vẫn đang phải vật lộn, loay hoay với miếng cơm manh áo từng ngày rất cần sự quan tâm chung của toàn xã hội.

MỚI - NÓNG