Chiều 12/10, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã có buổi làm việc với UBND TPHCM cùng các Sở, ngành về việc thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19; các giải pháp để kiểm soát dịch COVID-19, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM trong thời gian tới.
Chủ trì buổi làm việc có Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên; Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi; Thành ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Văn Thị Bạch Tuyết.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi giám sát chiều ngày 12/10 tại TPHCM |
Tại buổi giám sát, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, công tác phòng, chống dịch tại TPHCM đã đi đúng hướng, tạo tiền đề cho việc kiểm soát dịch bệnh, sớm đưa Thành phố trở lại trạng thái “bình thường mới”.
Nhờ thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp, sau giai đoạn tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Thành phố đã có chuyển biến tích cực, tỷ lệ bao phủ vắc xin được nâng lên. Đến nay, hơn 97% dân số trên 18 tuổi được tiêm mũi 1 và 67% dân số trên 18 tuổi được tiêm mũi 2. Số ca xuất viện đang dần tăng lên, số ca nhiễm mới và số ca tử vong có xu hướng giảm dần.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức |
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức, để góp phần tạo nguồn lực cho Thành phố phát triển nhanh và bền vững theo định hướng của Đảng, Nhà nước; chủ động giải quyết được những khó khăn, thách thức hiện nay và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho sự phát triển và tạo động lực phát triển cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Thành phố kiến nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội điều chỉnh tỉ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố giai đoạn 2022-2025.
Ngoài ra, TPHCM cũng kiến nghị Chính phủ ban hành gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp (DN) khôi phục sản xuất, kinh doanh. Việc này nhằm kịp thời hỗ trợ cho các DN bị thiệt hại nặng do tác động của đại dịch COVID-19, nhất là các địa phương tăng cường thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Dương Anh Đức cho hay, nhằm nâng cao năng lực cho hệ thống y tế, đảm bảo sẵn sàng đáp ứng với các yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn tiến phức tạp trong giai đoạn sắp tới, Thành phố kiến nghị bổ sung các chính sách, quy định tạo điều kiện cho phát triển nguồn nhân lực tại y tế cơ sở.
Theo đó, kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, trong đó sớm bổ sung thêm nhiều loại hình nhân viên y tế cần thiết cho hoạt động y tế cơ sở, điều chỉnh mức lương cơ bản phù hợp, động viên và thu hút cho nhân viên y tế về công tác tại y tế cơ sở; mở rộng loại hình khám chữa bệnh tại nhà và cho phép xã hội hóa các hoạt động khám chữa bệnh tại các Trạm Y tế; có cơ chế chính sách cho y tế tư nhân tham gia công tác phòng, chống dịch.
Trước những khó khăn của DN, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân đề nghị TPHCM cùng Hiệp hội Doanh nghiệp TP sớm lên danh sách các DN cần hỗ trợ; nắm bắt nhu cầu vay vốn của các DN. Đồng thời, cần có chính sách giảm tiền thuê đất cho các DN gặp khó khăn.
“Hiện DN gặp nhiều khó khăn trong việc xét nghiệm cho người lao động, cứ 3-5 ngày phải xét nghiệm một lần. DN có hàng vạn công nhân thì rất khó khăn” - ông Nhân nói và đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ chi phí xét nghiệm COVID-19 cho các DN từ đây đến hết tháng 12/2021 để có điều kiện phục hồi.
Về tình hình kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách, an ninh quốc phòng 9 tháng đầu năm 2021, nhìn chung, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng một số nhiệm vụ, chỉ tiêu 9 tháng đầu năm vẫn cơ bản hoàn thành và là điểm sáng đáng ghi nhận.
Trong đó, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt gần 75% dự toán, tăng 7,96% so với cùng kỳ. Các dịch vụ ngân hàng đều duy trì hoạt động và tăng trưởng, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 3.045.000 tỷ đồng, tăng 4,71% so với cuối năm 2020. Giá trị sản xuất tại Khu công nghệ cao TPHCM ước đạt 16,215 tỷ USD tăng 12,51% so với cùng kỳ.