Sáng 11/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Tổ Đại biểu Quốc hội đơn vị số 10 đã tiếp xúc với cử tri huyện Củ Chi (TPHCM) trước kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XV. Buổi tiếp xúc được truyền trực tiếp đến các điểm cầu trong huyện Củ Chi.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Lê Thị Tuyết (huyện Củ Chi) băn khoăn trong hướng dẫn thủ tục thực hiện các gói hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp.
Cử tri Lê Thị Tuyết cho biết, trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, cán bộ xã làm nhiều nhiệm vụ như lập danh sách người dân tiêm vắc xin, hồ sơ đưa người đi cách ly, xét nghiệm, phong tỏa…
Cùng dự buổi tiếp xúc cử tri của Chủ tịch nước còn có anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình...
Tuy nhiên, theo quy định hiện nay thì công chức cấp xã và người làm việc không chuyên trách vẫn chưa nhận được hỗ trợ, đãi ngộ tương xứng.
Cử tri Xuân Thới Thượng cho biết mạng lưới y tế cơ sở hạn chế về nhân lực và cơ sở vật chất. Trước đây, trung tâm y tế thuộc quản lý của UBND quận/huyện, nhưng khi tổ chức lại thì thuộc quản lý của sở y tế.
Để tạo điều kiện cho địa phương và nâng cao năng lực y tế cơ sở, cử tri đề xuất tổ chức lại hệ thống trung tâm y tế trực thuộc UBND quận/huyện, Sở Y tế TPHCM chịu trách nhiệm quản lý chuyên môn.
Cử tri xã Tân Phú Trung cho biết vướng quy hoạch nên xã không thể xây dựng được trường mầm non phục vụ người dân, công nhân trên địa bàn. Cuối năm 2020, huyện đã tổ chức lấy ý kiến người dân về điều chỉnh quy hoạch nhưng đến nay vẫn chưa được điều chỉnh.
Cử tri huyện Củ Chi trình bày ý kiến tại buổi tiếp xúc với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổ Đại biểu Quốc hội đơn vị số 10 (TPHCM) |
“Mong Chủ tịch nước và tổ đại biểu quan tâm, chỉ đạo UBND TPHCM sớm điều chỉnh quy hoạch để nâng cao đời sống người dân”, cử tri bày tỏ.
Đại diện cử tri xã Bình Mỹ kiến nghị TPHCM quan tâm, đẩy nhanh tiến độ mở rộng tỉnh lộ 8 và tỉnh lộ 9, hỗ trợ nguồn vốn đầu tư mở rộng mặt cầu đồng bộ với các tuyến đường, giúp người dân đi lại thuận lợi.
Cử tri Phan Kim Hoàng (xã Trung An) cho biết trong bùng phát dịch vừa qua, hệ thống y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng, các trạm y tế là nơi xử lý đầu tiên. Do đó, cử tri kiến nghị Trung ương và TPHCM tiếp tục đầu tư thêm cơ sở vật chất để chăm sóc sức khỏe toàn dân và chống dịch sau này; đồng thời hình thành mạng lưới y tế cơ sở gắn với xã, thị trấn và cơ sở y tế trú đóng trên địa bàn.
Cử tri xã Trung An cho biết khi dịch bùng phát, y tế cơ sở mà cụ thể là trạm y tế đóng vai trò rất quan trọng. Đây là đơn vị đầu tiên xử lý các yêu cầu y tế của người dân. Tuy nhiên, nhân lực tại trạm y tế còn mỏng, ví dụ Trạm Y tế xã Trung An chỉ có một bác sĩ. Do đó, cử tri đề xuất quan tâm bổ sung nhân sự cho trạm y tế song song với đầu tư cơ sở vật chất để chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Cử tri xã Thái Mỹ lo ngại về việc người dân tại các tỉnh giáp ranh như Tây Ninh, Bình Dương đi qua Củ Chi để về các tỉnh miền Tây gây khó khăn lớn cho địa phương.
Trong khi đó, xã Thái Mỹ cũng như huyện Củ Chi chưa phối hợp với các tỉnh bạn nên công tác kiểm soát còn nhiều khó khăn. Vì vậy, cử tri kiến nghị ban chỉ đạo phòng, chống dịch các địa phương phối hợp tốt hơn để nắm bắt nhu cầu về quê của công nhân, đưa đón chu đáo, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và an ninh trật tự.
Tại buổi tiếp xúc, nhiều ý kiến cử tri các xã đề nghị sớm tiêm vắc xin cho trẻ dưới 18 tuổi để trở lại trường học an toàn.
Ghi nhận ý kiến của cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại tại cuộc tiếp xúc cử tri chuyên ngành y tế, nhiều ý kiến của các chuyên gia đã đề nghị nâng cao năng lực của y tế cơ sở, nâng cấp hạ tầng y tế cả về thiết bị, nhân lực để hoạt động hiệu quả hơn.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Tổ Đại biểu Quốc hội đơn vị số 10 tiếp xúc với cử tri huyện Củ Chi |
“Nhiều trạm trưởng y tế phản ánh khó khăn về nhân lực, thuốc men, cơ sở vật chất... Trạm y tế là nơi đầu tiên phát hiện, điều trị, hỗ trợ nhân dân. Chúng ta chưa coi trọng cái này”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Tổ đại biểu Quốc hội đơn vị số 10 bao gồm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ và Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM.
Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước nhiều lần lưu ý, các tỉnh, thành phố, quận, huyện, phường, xã cần hiểu rõ khái niệm "pháo đài".
"Pháo đài chống dịch không phải là biệt lập để ngăn sông, cấm chợ, ngăn lưu thông hàng hóa, dịch chuyển lao động”, Chủ tịch nước khẳng định và nhấn mạnh nếu các địa phương hiểu sai, làm không tốt, mỗi nơi làm một kiểu thì sẽ gây ách tắc cho doanh nghiệp lưu thông, đứt gãy chuỗi cung ứng.
Chủ tịch nước biểu dương huyện Củ Chi là một trong hai địa phương đầu tiên tại TPHCM kiểm soát được dịch. Ông đề nghị huyện Củ Chi phối hợp chặt chẽ với địa phương xung quanh để đảm bảo an toàn trong cả y tế và phát triển, sản xuất bởi TPHCM đang có chủ trương phối hợp với các vùng lân cận để đảm bảo lưu thông hàng hóa.
Về kiến nghị tiêm vắc xin cho trẻ em để đến trường an toàn, Chủ tịch nước khẳng định Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Bộ Y tế và hội đồng chuyên môn về vắc xin đã có báo cáo và sẽ phấn đấu bắt đầu tiêm cho trẻ em từ 12-18 tuổi trong tháng 10, 11.
Chiều nay (11/10), Chủ tịch nước sẽ tiếp tục có buổi tiếp xúc cử tri trên địa bàn huyện Hóc Môn.
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Pfizer đã cam kết cung ứng 20 triệu liều vắc xin cho Việt Nam để tiêm cho trẻ em trong chuyến làm việc của Chủ tịch nước tại Mỹ và Cuba tháng 9 vừa qua. Nếu vắc xin về sớm, cuối tháng 10, ngành y tế có thể bắt đầu tiêm cho trẻ em.