TPHCM kiến nghị Chính phủ hàng loạt vấn đề lớn

Quang cảnh buổi làm việc của Thủ tướng với lãnh đạo TP HCM.
Quang cảnh buổi làm việc của Thủ tướng với lãnh đạo TP HCM.
TPO - Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị Chính phủ phân cấp mạnh cho thành phố thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh một số ngành – lĩnh vực cho phù hợp với đặc thù, sát với thực tế của địa phương.

Chiều nay, 27/6, đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM về tình hình kinh tế - văn hoá - xã hội, công tác ngân sách và an ninh quốc phòng 6 tháng đầu năm, đồng thời xem xét một số cơ chế chính sách tạo điều kiện để thành phố phát triển.

Cùng dự buổi làm việc có các Phó Thủ tướng: Trương Hoà Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam và Bí thư thành uỷ TPHCM Đinh La Thăng.

Theo thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, TPHCM có vị trí đặc biệt quan trọng, là đầu tàu kinh tế của cả nước. Tuy diện tích TPHCM chỉ chiếm chưa đến 1% cả nước nhưng chiếm đến 8,3% dân số, 23% GDP, 30% ngân sách và 20% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Sau 40 năm kể từ ngày giải phóng, TPHCM luôn đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.

Thủ tướng chỉ rõ: Mỗi lần vào TPHCM, chúng ta tạo ra những điều kiện về cơ chế chính sách cho thành phố phát triển chứ không phải khoá lại sự phát triển của thành phố… Hôm qua chúng ta khởi công dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, cả nước xôn xao. Ngân sách hiện đang rất khó khăn, vấn đề quan trọng hiện nay là tạo ra cơ chế thu hút các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.

“Nhà cao tầng tăng nhưng cây xanh giảm nhiều. Ô nhiễm tăng. Đó có phải là xu thế phát triển của TPHCM? TPHCM tương lai phải xanh hơn, sạch hơn, đàng hoàng hơn” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị Chính phủ phân cấp mạnh cho thành phố thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh một số ngành – lĩnh vực cho phù hợp với đặc thù, cụ thể hoá các quy định của trung ương sát với thực tế của địa phương.

Cụ thể: Được thí điểm quy định một số khoản thu, khoản chi, phí và lệ phí phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương như phí xăng dầu, phí môi trường, phí sử dụng bất động sản và chuyển nhượng bất động sản…

Trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính, TPHCM kiến nghị được thí điểm quy định về các hành vi xâm phạm trật tự, an toàn, văn minh đô thị phát sinh nhưng chưa được quy định là vi phạm hành chính, quy định mức xử phạt, trình tự, thủ tục xử phạt…

TPHCM đề nghị được thí điểm thành lập một số cơ quan chuyên môn, tham mưu, giúp việc cho UBND thành phố thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ xuất phát từ đặc thù của đô thị đặc biệt và được phân cấp cho chính quyền cấp dưới thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của chính quyền thành phố, bảo đảm nguyên tắc quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.

Về quản lý cán bộ, công chức viên chức, TPHCM đề nghị được thí điểm quyết định số lượng cán bộ công chức theo đề án xác định vị trí việc làm được Bộ Nội vụ phê duyệt, tổ chức thi nâng ngạch, chuyển xếp ngạch, chế độ đãi ngộ, hỗ trợ thu nhập phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và ngân sách.

UBND TPHCM đề nghị Chính phủ cho phép phân cấp cho UBND quận huyện thực hiện việc kiểm định, thẩm định, phê duyệt phương án tháo dỡ nhà chung cư bị hư hỏng nặng, nhà chung cư nguy hiểm, đảm bảo hoàn thành trước 31/12 theo đúng tiến độ.

Ngoài ra, cho phép chủ tịch UBND thành phố uỷ quyền cho thành viên UBND thành phố tham gia các vụ kiện hành chính, đồng thời cho phép lãnh đạo các cơ quan, tổ chức bị kiện được uỷ quyền trực tiếp cho cá nhân có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đã tham gia và nắm vững quá trình giải quyết vụ việc được tham gia tố tụng với tư cách là người được uỷ quyền.

TPHCM kiến nghị một số cơ chế tài chính đặc thù như giữ nguyên tỷ lệ điều tiết (23%) để lại cho ngân sách địa phương kể từ năm 2017 và ổn định trong 10 năm; phân cấp nguồn thu như cấp lại cho thành phố một phần số thu các khoản thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu  (dự kiến các mức 8, 10, 12% trong tổng thu) và thực hiện ổn định trong 10 năm.

Ngoài ra, kiến nghị Thủ tướng cho phép TPHCM nghiên cứu cơ chế phụ thu đối với một số ngành, lĩnh vực kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế. Nguồn thu này không điều tiết về trung ương và không đưa vào tính cân đối ngân sách vào đầu thời kỳ ổn định. 

Theo báo cáo của UBND TPHCM, trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm nội địa (GRDP) tăng 7,47%, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng 11,3%. Du lịch tăng trưởng tốt với lượng du khách nước ngoài đến thành phố đạt 2,4 triệu khách, tăng 12,2%; kim ngạch xuất khẩu (không tính dầu thô) tăng 8%, đạt 13,5 tỷ USD. Chỉ số phát triển công nghiệp tăng 6,9%.

Tình hình thu hút đầu tư các doanh nghiệp trong và ngoài nước đạt khá với tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 125.100 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ 2015.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.