Sáng 10/5, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đã chủ trì buổi giám sát UBND TPHCM về tình hình thực hiện Nghị quyết 54/2017 của QH về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM và Nghị quyết 25/2017 của HĐND TPHCM về triển khai Nghị quyết 54.
Báo cáo tại buổi giám sát, đại diện UBND TPHCM khẳng định, việc thực hiện Nghị quyết 54 có nhiều kết quả nổi bật. Trong 4 năm (2018-2021), UBND TPHCM đã trình HĐND TPHCM thông qua 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10 ha, với tổng diện tích hơn 1.800 ha.
TPHCM cũng đã đạt được một số kết quả trong việc thực hiện Nghị quyết 54 như quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách thành phố, ủy quyền cho thủ trưởng các sở - ban ngành, chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch UBND TPHCM, chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức...
HĐND TPHCM giám sát UBND TPHCM về thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù sáng 10/5 |
Tuy nhiên, UBND TPHCM thừa nhận, cơ chế tài chính theo Nghị quyết 54 chưa được phát huy như mong đợi. TPHCM chưa có đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư hạ tầng ngày càng tăng.
Nghị quyết 54 cho phép TPHCM được hưởng 50% khoản tiền từ việc thu tiền sử dụng đất khi bán các tài sản công của các đơn vị trung ương ở TPHCM nhưng từ khi có nghị quyết, mới có 2 đơn vị nhà, đất được phê duyệt phương án bán tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đến nay, việc bán, chuyển nhượng 2 mặt bằng trên chưa được thực hiện.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Nguyễn Trần Phú, một số nội dung của Nghị quyết 54 triển khai còn chậm so với dự kiến. Việc chậm triển khai có nhiều nguyên nhân, như còn có ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành. Một số vấn đề mới, phức tạp, có tác động lớn, lâu dài, khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định….
Ông Nguyễn Trần Phú cũng cho biết, công tác hậu kiểm và phối hợp rà soát việc thực hiện phương án sắp xếp lại và xử lý các nhà đất do các cơ quan, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn TPHCM chưa đảm bảo theo tiến độ. Cơ chế uỷ quyền, thu nhập tăng thêm và việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học…cũng có nhiều hạn chế.
Tại buổi giám sát, UBND TPHCM kiến nghị QH xem xét, ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 để thành phố được tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù.
Đáng chú ý, về biên chế, số lượng người làm việc, TPHCM đề xuất QH xem xét cho phép thành phố có thẩm quyền quyết định số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Cụ thể, UBND TPHCM được quyền trình HĐND TPHCM quyết định biên chế hành chính, số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn.
Đồng thời, UBND TPHCM có thể căn cứ vào đặc điểm tình hình, yêu cầu thực tiễn và ngân sách được phép bố trí để tăng thêm số lượng cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn đông dân.
Bên cạnh đó, UBND TPHCM được phép trình HĐND quyết định tăng thêm số lượng người hoạt động không chuyên trách phường, xã, thị trấn ngoài số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đã được quy định tại các văn bản khác của Chính phủ.
Ngoài ra, UBND TPHCM đề xuất QH xem xét cho TPHCM được thực hiện một số nhiệm vụ theo thẩm quyền đã được pháp luật quy định mà không phải lấy ý kiến của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan.
Trước đó vào hôm 6/5, tiếp xúc với Tổ đại biểu QH đơn vị 6 trước kỳ họp thứ 3 của QH khoá XV, nhiều cử tri TPHCM cho biết, quận Bình Tân đang đối mặt với tình trạng gia tăng dân số. Trong khi đó, biên chế cán bộ không chuyên trách ở phường, khu phố ngày càng giảm theo chủ trương tinh giản biên chế.
Cử tri đề xuất QH có chủ trương chia tách phường, khu phố để giảm bớt gánh nặng cho bộ máy hành chính, đồng thời có chính sách thu hút cán bộ về cơ sở.
Theo Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Minh Nhựt, quận Bình Tân có khoảng 800.000 dân nhưng chỉ có 10 đơn vị hành chính cấp xã, phường. Hầu hết các phường đều có dân số đông, gây áp lực rất lớn cho tất cả cơ quan quản lý nhà nước trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.