TPHCM có thể phải áp dụng biện pháp khẩn cấp

0:00 / 0:00
0:00
TPHCM trải qua gần 2 tháng giãn cách xã hội nhưng dịch vẫn chưa thuyên giảm
TPHCM trải qua gần 2 tháng giãn cách xã hội nhưng dịch vẫn chưa thuyên giảm
TP - Trước sự bùng phát của dịch COVID-19, gần 2 tháng qua TPHCM đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ khác nhau, song dịch vẫn chưa thể kiểm soát. Ngoài Chỉ thị 16 tăng cường đang được áp dụng, lãnh đạo thành phố đã tính đến tình huống xấu nhất khi dịch gia tăng mạnh, mất kiểm soát…

Diễn biến phức tạp

Tính đến ngày 25/7, trên địa bàn TPHCM đã có 56.637 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố. Các bệnh viện đang điều trị 38.011 bệnh nhân dương tính, trong đó có 624 bệnh nhân nặng đang thở máy và 10 bệnh nhân can thiệp ECMO. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã có 561 bệnh nhân tử vong sau khi mắc COVID-19.

Tại buổi họp báo về tình hình dịch bệnh, ngày 25/7, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết: “Dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố tiếp tục phức tạp, số lượng ca bệnh đang ở mức cao, có ngày lên trên 5.000 ca. Điều đó cho thấy mặc dù thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhưng với tính chất lây lan rất mạnh của biến chủng Delta cần có những giải pháp quyết liệt hơn để ổn định tình hình, mục tiêu sớm đưa thành phố về trạng thái bình thường mới”.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, hiện nay, toàn bộ lực lượng y tế công lập và tư nhân trên địa bàn đều được huy động tham gia vào các hoạt động phòng, chống dịch. Sở Y tế đang xây dựng kế hoạch đề nghị các bác sĩ về hưu tham gia điều trị, tư vấn về sức khỏe cho người dân. Đây sẽ là lực lượng quan trọng khi thành phố triển khai phương án cách ly F0 không triệu chứng tại nhà. Bên cạnh đó, TPHCM đã mở tổng đài 1022 hỗ trợ tư vấn sức khỏe cho người dân trong giai đoạn cách ly xã hội.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi, từ 31/5 đến nay, thành phố đã trải qua 55 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo các cấp độ khác nhau từ Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 10 của Chủ tịch UBND thành phố và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Hôm nay là ngày thứ hai, thành phố thực hiện Chỉ thị 16 tăng cường để siết chặt, nâng cao hơn các giải pháp chống dịch. Tuy nhiên, dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố chưa dừng lại mà đang có những diễn biến hết sức phức tạp.

Ông Mãi nhận định, công tác chống dịch thời gian qua chưa mang lại kết quả như mong đợi. Về chủ quan thì nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch từ các cấp, các ngành và người dân cần chấn chỉnh kịp thời. Nếu tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp, thành phố sẽ khởi động cho tình huống xấu nhất, dịch gia tăng mạnh mẽ, mất kiểm soát để người dân sẵn sàng tâm thế chủ động, thực hiện đồng bộ các giải pháp chống dịch.

“Để thực hiện triệt để giãn cách, cách ly, người dân tuyệt đối không được ra đường. Thành phố sẽ tăng cường lực lượng công an, quân đội tuần tra, kiểm soát, có văn bản quy định đối tượng, khung giờ di chuyển”- ông Mãi nói và cho biết sẽ tăng cường cung ứng hàng hóa, hỗ trợ các vấn đề y tế cho người dân, đặc biệt là người khó khăn, yếu thế.

Ưu tiên điều trị, giảm số ca tử vong

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết, giai đoạn chống dịch vừa qua, ngành y tế đang thực hiện khối lượng công việc rất lớn với sự tham gia của nguồn nhân lực khổng lồ tại thành phố, lực lượng hỗ trợ từ Bộ Y tế và các tỉnh thành. Lực lượng y tế đã chia thành nhiều chiến tuyến, từ lấy mẫu xét nghiệm, truy vết, cách ly, điều trị đến tiêm vắc-xin. Đến nay, nhiều bệnh viện đã chuyển đổi công năng sang điều trị COVID-19, các bệnh viện đa khoa của thành phố đã chuyển công năng cùng lúc thực hiện hai nhiệm vụ vừa điều trị các bệnh lý thông thường vừa điều trị bệnh nhân COVID-19 theo mô hình bệnh viện tách đôi.

Đến nay, Trung ương đã hỗ trợ TPHCM 5.000 nhân sự chuyên môn gồm 100 bác sĩ hồi sức, 900 bác sĩ khám, điều trị và 4.000 điều dưỡng, kỹ thuật viên tham gia chống dịch. Tuy nhiên, thời gian tới nhiều khả năng thành phố sẽ phải tự thân vận động vì dịch bệnh diễn biến phức tạp, rất nhiều tỉnh thành cũng đang căng mình chống dịch.

Theo bác sĩ Nam, hiện ngành y tế đã huy động 59 bệnh viện tư nhân, 200 phòng khám đa khoa tư nhân đã cử bác sĩ, điều dưỡng tham gia tiêm vắc-xin. “Thành phố sẽ triển khai 50.000 giường bệnh điều trị F0 không có triệu chứng tại tuyến quận huyện. Lúc này sẽ cần thêm 1.000 bác sĩ, 2.000 điều dưỡng để đáp ứng điều trị”- bác sĩ Nam nói.

Thẳng thắn nhìn vào thực tế, ông Phan Văn Mãi cho biết, thời gian qua, đã có tình trạng người dân cần trợ giúp y tế nhưng chưa được đáp ứng kịp thời. Hạn chế này một mặt có sự quá tải ở tuyến tiếp nhận, mặt khác có thể là do cơ chế điều phối trong hệ thống thu dung, điều trị chưa được đồng bộ.

Để khắc phục vấn đề trên, ông Mãi cho biết, thành phố đang tiến hành rà soát, mở rộng tối đa khả năng tiếp nhận. Các bệnh viện dã chiến, thu dung điều trị COVID-19 sẽ tăng cường nhân sự, trang thiết bị để nâng cao năng lực điều trị, nhằm giảm số ca tử vong.

Từ hôm nay, cấm người dân ra đường sau 18 giờ

Tại Hội nghị Thành uỷ mở rộng diễn ra tối 25/7, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, từ tối 26/7 tuyệt đối người dân không ra đường sau 18h để tránh lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, tạm dừng tất cả các hoạt động trừ cấp cứu và điều phối dịch bệnh.

Ông Phong cho rằng, TPHCM đã đưa ra 3 kịch bản chống dịch. Kịch bản thứ 1 không đạt được buộc phải thực hiện kịch bản thứ 2, tăng cường mạnh mẽ thực hiện Chỉ thị 16 và 16 tăng cường với các giải pháp nâng cao. Tuy nhiên, với tình hình dịch như hiện tại, kịch bản thứ 3 nhiều khả năng sẽ được áp dụng với những biện pháp chống dịch như trong điều kiện khẩn cấp. Để kịch bản thứ 3 không xảy ra, ông Phong mong người dân chia sẻ, hợp tác với chính quyền TP để công tác chống dịch đạt kết quả nhất.

MỚI - NÓNG