Ngày 6/8, UBND TPHCM đã có công văn khẩn gửi Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Sở Tài chính; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Kho bạc Nhà nước TPHCM; UBND quận, huyện và TP Thủ Đức về việc hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ lao động nghèo và lao động tự do gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID - 19 (đợt 2).
Theo đó, UBND TPHCM chỉ đạo tiếp tục hỗ trợ đợt 2 cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 09/2021/NQ -HĐND của HĐND TPHCM.
Thời gian tính hỗ trợ là 30 ngày. Mức hỗ trợ là 50.000 đồng/người/ngày. Người lao động sẽ được nhận 1 lần với số tiền 1,5 triệu đồng/trường hợp. Dự kiến, TPHCM có trên 334.000 người được hỗ trợ (bằng với số lao động đã nhận hỗ trợ đợt 1 tính đến ngày 2/8/2021). Tổng kinh phí hỗ trợ đợt 2 là hơn 501 tỷ đồng trích từ nguồn ngân sách của TPHCM.
Bên cạnh đó, UBND TPHCM hỗ trợ cho các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ lao động nghèo đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo, khu vực bị phong tỏa ... đang gặp khó khăn do dịch COVID - 19.
TPHCM sẽ dành gần 900 tỷ đồng chi hỗ trợ đợt 2 cho các hộ nghèo, cận nghèo, lao động tự do, hộ đang sinh sống trong các nhà trọ gặp khó khăn khi thực hiện giãn cách xã hội |
Dự kiến, TPHCM có trên 90.500 hộ nghèo và cận nghèo, trong đó có hơn 52.500 hộ nghèo; hơn 175.400 hộ gia đình đang sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo, khu vực bị phong tỏa. Đây là những trường hợp gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống do thời gian thực hiện giãn cách xã hội kéo dài.
Mức hỗ trợ trực tiếp 1 lần là 1,5 triệu đồng/hộ, trong đó ngân sách hỗ trợ 1 triệu đồng, và 500.000 đồng từ nguồn vận động xã hội hóa của Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, trong đó 200.000 đồng là tiền mặt và quà tặng trị giá 300.000 đồng. Tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến là hơn 399 tỷ đồng, trong đó, ngân sách TP cấp hơn 266 tỷ đồng và vận động xã hội hóa của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP hơn 133 tỷ đồng.
UBND TPHCM yêu cầu việc chi hỗ trợ cho 2 nhóm đối tượng trên phải thực hiện theo nguyên tắc không trùng lắp, không bỏ sót. Việc chi hỗ trợ phải hoàn tất trước ngày 10/8.
UBND TPHCM giao Sở Tài chính tham mưu trình UBND TP bố trí bổ sung kinh phí cho UBND quận, huyện và TP Thủ Đức để kịp thời triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ; đồng thời hướng dẫn UBND dân quận, huyện và TP Thủ Đức sử dụng kinh phí trong dự toán để thực hiện hỗ trợ theo quy định.
UBND TPHCM giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM hướng dẫn làm rõ đối tượng được hỗ trợ; nội dung và cách thức hỗ trợ; kiểm tra việc tổ chức thực hiện của các địa phương và cơ sở; thường xuyên báo cáo tình hình và kết quả thực hiện cho UBND TPHCM.
Ngoài tiền mặt, các hộ dân còn được TPHCM hỗ trợ khẩn cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu, không để trường hợp nào bị thiếu đói |
UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức rà soát, thẩm định, phê duyệt và tổng hợp danh sách các hộ gia đình là lao động nghèo đủ điều kiện hỗ trợ, bố trí kinh phí và gửi Danh sách về UBND phường, xã, thị trấn để thực hiện chi trả hỗ trợ cho các hộ dân.
Trao đổi với Tiền Phong chiều 6/8, ông Lê Minh Tấn, giám đốc Sở Lao động Thương binh và xã hội TPHCM cho biết trong đợt 1 (tháng 7/2021), TPHCM đã hỗ trợ cho gần 334.200 lao động tự do với số tiền 501 tỷ đồng cho 30 ngày TPHCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15.
Hỗ trợ lần 2 được tính từ ngày 2/8 cho 30 ngày tiếp theo TPHCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Tổng kinh phí thực hiện gói hỗ trợ đợt 2 là gần 900 tỷ đồng.
Theo ông Lê Minh Tấn, qua thống kê, lao động tự do nhiều nhất là ở TP Thủ Đức (hơn 53.400 người), huyện Bình Chánh (gần 45.800 người), quận Bình Thạnh (gần 42.700 người)…
Hộ nghèo, hộ cận nghèo nhiều nhất là tại huyện Củ Chi (gần 17.900 hộ), huyện Cần Giờ (hơn 17.000 hộ), TP Thủ Đức (16.300 hộ)…
Hộ lao động gặp khó khăn nhiều nhất là tại TP Thủ Đức (hơn 35.100 hộ), quận Bình Tân (gần 24.300 hộ), huyện Bình Chánh (hơn 20.000 hộ).