Để phát triển du lịch, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nói: Vấn đề quan trọng hiện nay là hành động và nhiều việc có thể làm ngay. Tập trung phát triển du lịch, lấy du lịch làm điểm nhấn thúc đẩy thương mại, dịch vụ. Muốn bứt phá, TPHCM cần khai thác dịch vụ cao, triển khai công nghiệp và nông nghiệp kỹ thuật cao.
“Cái gì nhân nghĩa, nhân văn phải giữ lại. Cần xây dựng thành phố hiện đại. Cái gì không hiện đại dứt khoát không làm. Cần quan tâm phục vụ đời sống nhân dân, du khách. Nếu du khách đến TPHCM ngày càng đông, người nước ngoài sinh sống càng nhiều thì có nghĩa môi trường đang tốt lên” - ông Thọ nói. .
Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, tình trạng an ninh, trật tự đang diễn biến phức tạp, TPHCM cần giải quyết ngay vì không tốn tiền, chỉ cần quyết tâm hành động. Ông Thọ dẫn chứng: An ninh an toàn đã có Nghị quyết 92 của Chính phủ ban hành tháng 12/2004, trong đó đã giao cho cấp phường xã và cấp quận, huyện chịu trách nhiệm giải quyết. UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng, điểm yếu của TPHCM là công tác tổ chức thực hiện thường bị rơi vào tình trạng đánh trống bỏ dùi, trống đánh xuôi kèn thổi ngược và đầu voi đuôi chuột. Để TPHCM trở thành nơi đáng sống, cần đảm bảo nhu cầu tối thiểu, như vệ sinh, điện, nước sạch nhưng quan trọng hơn hết là phải an toàn, tử tế, an ninh trật tự, đối xử với nhau văn minh...
Cần cơ chế đột phá
Theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, TPHCM không còn chạy như một đầu tàu mà chỉ như một toa tàu. “Điều gì đã làm TPHCM chưa trở thành đầu tàu phát triển. Ai chịu trách nhiệm về sự tụt hậu, tại sao đầu tàu lại chạy chậm?” - TS Thiên băn khoăn.
Theo Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Ngọc Bảo, muốn TPHCM trở thành động lực tăng trưởng bắt buộc phải có cơ chế chính sách vượt trội về phân bổ và sử dụng nguồn lực đầu tư phát triển (đất đai, tài nguyên, vốn, khoa học công nghệ...). Trước mắt, TPHCM cần có quy hoạch tầm nhìn dài hạn, tạo môi trường và điều kiện tự do cạnh tranh cho các doanh nghiệp.
Ông Phạm Phú Quốc, đại diện Tổng Công ty đầu tư phát triển đô thị cho biết, trong giai đoạn từ nay đến năm 2021, TPHCM cần khoảng 215.000 tỷ đồng chi đầu tư phát triển và đã thu xếp được từ ngân sách và vốn ODA khoảng 130.000 tỷ đồng, còn lại phải huy động từ nhiều nguồn khác.
“Để hoàn thành bảy chương trình đột phá của thành phố thì cần 1 triệu tỷ đồng, trong khi ngân sách dành cho hạ tầng kỹ thuật chỉ có 20.000 tỷ nên phải mất vài chục năm mới hoàn thành các chương trình. Hạ tầng đi sau tốc độ phát triển kinh tế thì rất khó” - ông Quốc nói.
Theo Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đồng Tâm Võ Quốc Thắng, muốn bứt phá, trước hết TPHCM cần bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như xây dựng ý thức của cộng đồng trong đời sống, sinh hoạt, môi trường làm việc. Nếu làm tốt những việc nhỏ, như sự thân thiện của người dân, an ninh trật tự đảm bảo thì cũng đã tạo ra đột phá rồi…
Ông Nguyễn Hữu Thọ đồng tình: TPHCM cần có nhiều vườn cây trong thành phố. Mỗi nhà vì sao không có 1-2 chậu hoa, cây cảnh. Giải pháp đó không tốn nhiều tiền.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, cho biết, dù giữ vai trò đầu tàu, TPHCM đã tụt hậu khá xa so với các thành phố khác trong khu vực. TPHCM đang có nhiều hạn chế về tầm nhìn, công tác dự báo, lực cản từ thể chế, cơ chế chính sách, bộ máy, cơ chế phân bố nguồn lực. Sức mạnh của kinh tế thị trường chưa được vận dụng đầy đủ trong khi chưa có những cơ chế hỗ trợ và khắc phục các khuyết tật của thị trường, dẫn đến nhiều nghịch lý như có nhiều lợi thế để phát triển nhưng không thể tận dụng, có nhiều chủ trương tiến bộ nhưng không thể vận dụng triển khai …
“Khát vọng vươn lên không chỉ là ý chí của lãnh đạo thành phố mà còn là của toàn thể người dân và cộng đồng doanh nghiệp. TPHCM cần có những cơ chế khai thác những tiềm năng và sức mạnh vốn có” - Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.