TPHCM: 9 quận ngập nặng

TPHCM: 9 quận ngập nặng
Theo thống kê sơ bộ, đã có 9 quận bị ngập nặng và giao thông có lúc ngưng trệ. Chiều 14/11, triều cường tiếp tục gây ngập hàng loạt tuyến đường, gây ảnh hưởng giao thông và đi lại của người dân TP.

Ngập nặng nhất vẫn là các tuyến Phạm Thế Hiển (Q.8), Thảo Điền (Q.2), Kinh Dương Vương, Bến Lò Gốm, Nguyễn Văn Luông (Q.6)...

TPHCM: 9 quận ngập nặng ảnh 1
Bể bờ bao gây ngập nhiều nhà dân ở ấp Voi (P.15, Q.Gò Vấp) - Ảnh: Chí Quốc

Bờ bao bêtông cũng vỡ

Khoảng 11g ngày 14/11, nhiều tuyến đường nội bộ tại khu phố 4, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức còn ngập sâu. Người dân vẫn tiếp tục thu dọn những gì còn sót lại sau trận ngập lụt từ tối hôm trước.

Anh Nguyễn Văn Ba - cư dân nơi này - cho biết: “Khoảng 19h ngày 13/11, nghe mọi người gần rạch Đỉa hô bể bờ, tôi và gia đình vội kê dọn lại giường, tủ bàn... Chưa xong thì nước đã ào tới nhà, hàng loạt chậu mai, cây kiểng và nhiều vật dụng khác bị nước xô ngã”.

Cũng khoảng thời gian trên, nhiều nhà dân tại khu vực tổ 59 ấp Voi (P.15, Q.Gò Vấp) cũng bị ngập. Bà Nguyễn Thị Hà - một hộ dân - cho biết khoảng 20h ngày 13/11 bờ bao bị bể, không lâu sau đó nước dâng cao gần 1,3m.

Gia đình bà chỉ kịp di dời đồ đạc lên ván cho khỏi ngập, còn 60 con heo được nuôi ở chuồng phải thuê người chuyển lên gác tạm được bắc ngay trên chuồng heo.

Một cán bộ Phòng quản lý đô thị Q.Gò Vấp cho biết đoạn bờ bao bị bể khoảng 6m. Các lực lượng chức năng của Q.Gò Vấp đã đưa cừ tràm, gia cố bờ bao, đến khoảng 16h30 ngày 14/11 nước mới rút hoàn toàn.

TPHCM: 9 quận ngập nặng ảnh 2
Anh Nguyễn Văn Ẩn ở ấp Long Hòa, xã Vĩnh Phú, Thuận An, Bình Dương phải bỏ con vào cũi cho an toàn vì nhà ngập nặng - Ảnh: A.thoa

Tại bờ bao rạch Đỉa, hàng chục công nhân HTX nông nghiệp - dịch vụ Hiệp Bình Phước đưa cừ tràm gia cố đoạn bờ bao bị bể. Công ty Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi đưa hai máy bơm nước công suất 600m3/giờ đặt lên bờ bao bơm nước giúp giảm ngập.

Nhưng gần 17h ngày 14/11, nhiều khu vực tại khu phố 4 vẫn chưa rút hết nước. Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP, đoạn bờ bao bị bể dài khoảng 20m, diện tích bị ngập khoảng 10ha.

Đoạn bờ bao này đã thi công theo thiết kế bêtông tường chắn năm 2007, tuy nhiên do Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 nạo vét đã gây sạt lở bờ, mặt khác công trình này làm thí điểm không gia cố cừ tràm ở đáy nên khi triều cường lên cao 1,54m đã gây trượt đoạn tường bờ bao.

11 quận huyện ngập trong nước

Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, với đỉnh triều cường đạt 1,4m (đo tại trạm Phú An, sông Sài Gòn), thống kê sơ bộ tại TP.HCM có đến 49 điểm ngập (điểm có thể là tuyến đường hoặc một lưu vực nhỏ).

Đỉnh triều lên đến 1,48m làm ngập nặng thêm 14 điểm. Đỉnh triều 1,54m thì tình trạng ngập lan rộng đến 96 điểm tại 11 quận, mức độ ngập 0,05-0,55m với thời gian ngập lâu nhất lên đến bốn giờ. Các điểm ngập trên chưa tính các khu vực bị bể bờ bao.

Theo thống kê, đợt triều cường từ tối 13 đến rạng sáng 14/11 đã làm mười đoạn bờ bao bị bể (dài 54m), diện tích bị ngập hơn 100ha và tràn 19 đoạn bờ bao (dài 1.916m), gây ảnh hưởng đến bảy quận huyện (Q.12, Bình Thạnh, Thủ Đức, Gò Vấp, các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh).

Như vậy, đợt triều cường vừa qua làm bể và tràn bờ đến 55 đoạn bờ bao dài hơn 5.200m, ngập úng hàng trăm hecta và gần 100 tuyến đường giao thông, ảnh hưởng đến đi lại và sinh hoạt của nhân dân tại 11 quận huyện. Hiện thiệt hại vẫn chưa ước tính được.

Bình Dương: nước ngập quốc lộ 13

Tối 14/11, đợt triều cường lớn đã làm nhiều xã ở Bình Dương ngập nặng, trong đó nước dâng cao nhất là các xã Vĩnh Phú, Bình Nhâm, huyện Thuận An. Triều cường đã gây ngập hàng trăm hộ dân và tràn lên quốc lộ 13.

Tại khu vực xã Vĩnh Phú có ít nhất trên 10 đoạn bờ bao bị vỡ, nước ùa vào nhà dân khiến nhiều chỗ ngập đến 1,5m. Nhiều hộ dân phải bắc ván trên cửa sổ để ngủ và kê đồ đạc.

Ông Dương So Ho - phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Phú - cho biết: “Nước lớn đã làm ngập cục bộ khoảng 40ha đất vườn và gần 200 hộ dân. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão đã huy động trên 100 dân quân và lực lượng thanh niên địa phương thực hiện bốn phương châm tại chỗ, trực 24/24 giờ để kịp thời ứng cứu khi có những trường hợp xấu xảy ra, đồng thời theo sát diễn biến triều cường để chủ động di dời người dân đến nơi an toàn.

Bà Nguyễn Lê Hạnh (phó phòng dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ):

Triều cường dâng cao chủ yếu do san lấp mặt bằng

Đỉnh triều đạt mức 1,54m tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn tối 13-11 có thể coi là đỉnh cao nhất từ trước đến nay. Nguyên nhân chủ yếu do san lấp mặt bằng trong quá trình đô thị hóa tại TP.HCM khiến thể tích chứa nước bị thu hẹp dần.

Một kết quả nghiên cứu cho thấy để san lấp mặt bằng khu đô thị Phú Mỹ Hưng, người ta đã sử dụng 10.000m3 đất cũng làm khoảng từng đó mét khối nước tràn gây ngập những khu vực khác.

Ngoài ra, một số vùng trũng, ao hồ, sông rạch… tại nhiều khu vực khác vốn là những “hồ điều tiết” bị san lấp cũng làm thu hẹp diện tích chứa nước.

Khả năng biến đổi khí hậu và nước biển dâng làm ảnh hưởng đến triều cường là chưa rõ nét. Từ năm 1998 trở về trước, đỉnh triều tại TP.HCM chưa bao giờ vượt quá mức 1,4m. Đến năm 1999, đỉnh triều đột ngột lên 1,44m gây ngập trên diện rộng.

Hai năm liên tiếp sau đó đỉnh triều có giảm chút ít nhưng đến năm 2002 lại vọt lên 1,46m, đến năm 2006 tiếp tục lên thêm 1cm. Năm 2007 triều lên đến 1,49m (cao nhất trong vòng 48 năm qua).

Đặc biệt trong đợt tháng 11-2008, triều đã lên cao đến 1,54m (cao hơn đỉnh triều lịch sử năm 2007 đến 5cm). Ngoài tác động trực tiếp của gió mùa đông bắc, nguyên nhân sâu xa vẫn là tình trạng san lấp.

Hôm nay, đỉnh triều cường giảm dần. Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, do đỉnh triều thường xuất hiện vào lúc khuya nên chủ yếu gây ảnh hưởng giao thông vào buổi chiều tối. Dự báo hôm nay (15-11), đỉnh triều xuống còn 1,44m buổi sáng và 1,48m vào buổi chiều và tiếp tục xuống trong những ngày tới.

Theo Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG