Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhận định về thời điểm kết thúc xung đột Nga - Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 19/12 cho biết ông không tin rằng xung đột Nga – Ukraine sẽ sớm kết thúc.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhận định về thời điểm kết thúc xung đột Nga - Ukraine ảnh 1

Ông Antonio Guterres. Ảnh: Tass

“Tôi không lạc quan về khả năng đàm phán hòa bình hiệu quả trong tương lai gần”, ông Guterres nói với các phóng viên trong cuộc họp báo cuối năm thường niên ở New York (Mỹ).

“Tôi cho rằng xung đột quân sự sẽ tiếp tục. Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ vẫn phải chờ đợi đến thời điểm mà các cuộc đàm phán nghiêm túc về hòa bình có thể thực hiện được. Tôi không nhìn thấy triển vọng đó trong thời gian tới.”

Đến thời điểm hiện tại, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã bước sang tháng thứ 10. Hôm 19/12, quân đội Nga đã triển khai một đợt tấn công mới bằng máy bay không người lái (UAV) nhằm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của Ukraine.

Các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine đã đình trệ từ tháng 3. Kiev sau đó tuyên bố Mátxcơva sẽ cần phải rút hoàn toàn lực lượng khỏi Ukraine trước khi hai nước ngồi lại vào bàn đàm phán.

Trong khi đó, Tổng thư ký Guterres cho biết ông “rất hy vọng” có thể đạt được hòa bình vào năm 2023.

Ông viện dẫn "hậu quả" đối với người dân Ukraine, xã hội Nga và nền kinh tế toàn cầu, vốn đang phải vật lộn với giá lương thực và năng lượng tăng cao, nếu không đạt được thỏa thuận.

"Tất cả những điều này là lý do khiến chúng tôi phải làm mọi thứ có thể để đạt được giải pháp hòa bình trước cuối năm 2023", ông Guterres nói.

Trong một diễn biến liên quan, Phó Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Robert Wood hôm 19/12 đã chỉ trích Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres "dường như đang nhượng bộ trước các mối đe dọa của Nga" và không cử các quan chức tới Ukraine để kiểm tra các UAV do Nga sử dụng mà Washington cho là do Iran cung cấp.

Nga đã phủ nhận việc quân đội nước này sử dụng UAV của Iran ở Ukraine, và lập luận rằng các quan chức Liên Hợp Quốc không cần phải tới Kiev điều tra nguồn gốc của máy bay không người lái. Iran thừa nhận đã cung cấp UAV cho Mátxcơva, nhưng cho biết chúng được gửi trước khi xung đột Nga – Ukraine bùng phát vào tháng 2.

Anh, Pháp, Đức, Mỹ và Ukraine cho rằng việc cung cấp UAV do Iran sản xuất cho Nga là vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2015 về tôn trọng Thỏa thuận hạt nhân Iran.

“Chúng tôi lấy làm tiếc rằng Liên Hợp Quốc đã không tiến hành một cuộc điều tra về hành vi vi phạm này”, ông Robert Wood nói. “Chúng tôi thất vọng vì Ban thư ký, dường như nhượng bộ trước các mối đe dọa của Nga, đã không thực hiện nhiệm vụ điều tra mà họ được giao phó.”

Trong một báo cáo trước hội đồng vào đầu tháng này, ông Guterres cho biết các quan chức Liên Hợp Quốc đang kiểm tra thông tin và sẽ báo cáo vào thời gian thích hợp.

Khi được hỏi hôm thứ Hai về áp lực mà ông đang phải đối mặt, Tổng thư ký Guterres nói với các phóng viên rằng cáo buộc của phương Tây đang được xem xét "trong bức tranh rộng lớn hơn để xác định xem chúng ta có nên gửi phái đoàn đến Kiev, hoặc gửi vào thời điểm nào”.

Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc, Vassily Nebenzia, nói với Hội đồng Bảo an hôm thứ Hai rằng các quan chức Liên Hợp Quốc "không nên cúi đầu trước áp lực từ các nước phương Tây", và rằng "bất kỳ kết quả nào của cuộc điều tra giả này đều vô giá trị."

Đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc, Amir Saeid Iravani, cho biết Tehran đã không chuyển giao cho Nga bất kỳ mặt hàng nào bị cấm bởi Hội đồng Bảo an. Ông cũng khẳng định các UAV mà Iran cung cấp cho Nga trước tháng 2 không nằm trong danh sách cấm của Hội đồng Bảo an và "không được chuyển giao để sử dụng trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine."

Ông mô tả những lời buộc tội là vô căn cứ và gọi chúng là một nỗ lực "nhằm chuyển hướng sự chú ý khỏi việc các quốc gia phương Tây chuyển giao một lượng lớn vũ khí hiện đại tiên tiến cho Ukraine nhằm kéo dài xung đột."

Nga cảnh báo đáp trả giá trần khí đốt của phương Tây

Người phát ngôn Điện Kremlin hôm 19/12 cho biết bất kỳ nỗ lực nào nhằm áp đặt giá trần khí đốt với Nga đều là “không thể chấp nhận được”. Mátxcơva sẽ đưa ra phản ứng phù hợp đối với động thái này.

Trước đó cùng ngày, các bộ trưởng năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý về một cơ chế nhằm cố gắng hạ giá khí đốt. Theo Reuters, mức giới hạn sẽ được kích hoạt nếu giá khí đốt trên sàn TTF của Hà Lan, được xem là tiêu chuẩn châu Âu, vượt quá mức 180 euro/megawatt giờ trong vòng ba ngày.

“Đây là hành vi vi phạm quy trình xác định giá thị trường”, ông Dmitry Peskov nói với các nhà báo.

Ông lưu ý rằng Nga sẽ “cần thời gian đánh giá cẩn thận tất cả những ưu và nhược điểm để đưa ra biện pháp đáp trả”. Trước đó, Nga “chậm trễ đôi chút” trong việc phản ứng với giới hạn giá dầu thô vì lý do tương tự.

Giới hạn giá dầu đã được EU, các nước G7 và Úc đưa ra vào đầu tháng này. Nga cho đến nay vẫn chưa chính thức công bố bất kỳ biện pháp đáp trả nào. Tuy nhiên, ông Peskov trước đó nói rằng một sắc lệnh liên quan đang được hoàn thiện.

Theo tờ Vedomosti của Nga, Mátxcơva sẽ cấm bán dầu theo các hợp đồng xác định giá trần. Ngoài ra, cấm xuất khẩu dầu thô đến các quốc gia yêu cầu giới hạn giá như một điều kiện trong hợp đồng, hoặc nếu giá tham chiếu của họ được cố định ở mức trần là 60 đô la Mỹ/thùng.

Theo Reuters, RT
MỚI - NÓNG