Hà Lan xin lỗi về vai trò trong chế độ nô lệ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hôm 19/12 đã xin lỗi về vai trò của nước này trong chế độ nô lệ mà ông cho rằng hậu quả còn kéo dài đến ngày nay.
Hà Lan xin lỗi về vai trò trong chế độ nô lệ ảnh 1

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte. Ảnh: AP

Tuyên bố của Thủ tướng Rutte là lời phản hồi chính thức đối với báo cáo có tên “Chuỗi xích quá khứ” của Nhóm Đối thoại Lịch sử Nô lệ, xuất bản vào tháng 7/2021.

“Trong nhiều thế kỷ dưới chính quyền nhà nước Hà Lan, phẩm giá con người đã bị vi phạm theo cách khủng khiếp nhất có thể”, ông Rutte nói trong một bài phát biểu tại Cơ quan Lưu trữ Quốc gia ở The Hague. “Và các chính phủ của Hà Lan sau năm 1863 đã không thừa nhận một cách đầy đủ rằng quá khứ nô lệ của chúng ta đang tiếp tục có những tác động tiêu cực. Vì điều đó, tôi gửi lời xin lỗi từ chính phủ Hà Lan.”

“Trong nhiều thế kỷ, nhà nước Hà Lan và các đại diện đã cho phép, thúc đẩy và thu lợi từ chế độ nô lệ. Trong nhiều thế kỷ, con người đã bị biến thành hàng hóa, bị bóc lột và lạm dụng”, Thủ tướng Rutte nhắc lại. Ông nói rằng chế độ nô lệ phải bị lên án là “tội ác chống lại loài người”.

Thủ tướng Rutte thừa nhận ông đã trải qua “một sự thay đổi trong suy nghĩ”, và nói rằng ông đã sai khi nghĩ vai trò của Hà Lan trong chế độ nô lệ là “dĩ vãng”.

“Đúng là không ai còn sống hiện nay phải chịu trách nhiệm cá nhân về chế độ nô lệ. Nhưng nhà nước Hà Lan phải chịu trách nhiệm về những nỗi đau khủng khiếp đã gây ra cho những người bị đẩy vào cảnh nô lệ và con cháu họ.”

Hà Lan xin lỗi về vai trò trong chế độ nô lệ ảnh 2

Ảnh: AP

Theo CNN, Hà Lan đã thu về khoản lời khổng lồ từ việc buôn bán nô lệ trong thế kỷ 17 và 18. Công ty Tây Ấn Hà Lan là nhà buôn nô lệ xuyên Đại Tây Dương lớn nhất. Các thương nhân Hà Lan ước tính đã vận chuyển hơn nửa triệu người châu Phi làm nô lệ đến châu Mỹ. Nhiều người đã đến Brazil và Caribe, trong khi một số lượng đáng kể người châu Á bị bắt làm nô lệ ở Đông Ấn Hà Lan, nay là Indonesia.

Tuy nhiên, trẻ em Hà Lan được giảng dạy rất ít về vai trò của nước này trong việc buôn bán nô lệ, Reuters đưa tin.

Trước bài phát biểu của ông Rutte, Waldo Koendjbiharie, một người sinh ra ở Suriname (Nam Mỹ) nhưng sống nhiều năm ở Hà Lan, cho biết lời xin lỗi là không đủ.

Thủ tướng Rutte nói với các phóng viên sau bài phát biểu rằng chính phủ không bồi thường cho "cháu hoặc chắt của những người bị bắt làm nô lệ."

Thay vào đó, Hà Lan đang thành lập một quỹ trị giá 200 triệu euro cho các sáng kiến giúp giải quyết hậu quả của chế độ nô lệ ở Hà Lan và các thuộc địa cũ, đồng thời thúc đẩy giáo dục về vấn đề này.

Trước đó vào năm 2018, Đan Mạch đã xin lỗi Ghana, quốc gia mà họ chiếm giữ làm thuộc địa từ giữa thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 19. Vào tháng 6/2020, Vua Philippe của Bỉ đã bày tỏ “sự hối tiếc sâu sắc nhất” về "những hành động bạo lực và tàn ác" mà thực dân Bỉ gây ra trong quá khứ, cũng như vì "sự khổ đau và sỉ nhục" mà người dân Congo phải chịu đựng dưới thời kỳ thực dân Bỉ. Đầu năm 2020, chính phủ Hà Lan đã trả lại chiếc vương miện nghi lễ bị đánh cắp cho chính phủ Ethiopia.

Theo CNN, AP
MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.